Xuân cuối cùng được nghe Bác đọc thơ chúc Tết
Đã 56 năm kể từ khi Bác Hồ đi xa (1969 - 2025), người dân Việt Nam không còn được nghe thơ chúc Tết của Người. Nhưng cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, trong thời khắc chuyển giao của đêm giao thừa, phút giây chờ mong nghe thơ chúc Tết của Bác đã trở thành ký ức không thể phai nhạt trong tâm khảm của ông Nguyễn Văn Đoàn, người cận vệ của Bác trong thời gian từ năm 1966 đến 1969.
Nhớ mùa Xuân cuối cùng
Nhớ lại những kỷ niệm về Bác Hồ, người cận vệ từng bảo vệ Bác năm xưa không quên được tình cảm của Người dành cho đất nước, Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ. Đó là những ngày cuối đời, Bác vẫn quan tâm đến tình hình chiến sự, phòng chống lũ lụt, bảo vệ đê điều, chăm lo cuộc sống người dân gặp thiên tai; rồi việc tổ chức lễ Quốc khánh, và Người không quên nhắc việc bắn pháo hoa cho Nhân dân vui trong ngày Tết Độc lập. Đặc biệt, trong những dịp Tết đến xuân về, nỗi lòng da diết của Người vẫn luôn hướng về đồng bào, chiến sĩ miền Nam và không quên đọc thơ chúc Tết đồng bào.
Bác Hồ trong nhà sàn tại phủ Chủ tịch. Ảnh: tư liệu |
Kỷ niệm ông Đoàn vẫn không quên đó là mỗi dịp Tết đến xuân về, lại được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Ông Đoàn kể: Tết năm 1969 - Xuân Kỷ Dậu, là cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi người dân nước Việt. Bởi đó là Tết cuối cùng người dân Việt được nghe giọng nói của Người với bài thơ chúc Tết không thể nào quên. Trong bài thơ chúc Tết có hai câu cuối cùng: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”, vừa như lời hiệu triệu muôn người, vừa là ước nguyện của Bác và của hàng triệu người Việt Nam khi ấy.
Tiếp đó ngày 28-2-1969, tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, Người nói: “Thưa các cụ, các cô, các chú, trong thơ chúc Tết năm nay, tôi có nói là: Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn. Trong lúc viết thì như thế, nhưng tôi cũng không chắc là câu thơ đó được thực hiện sớm trong năm nay. Hôm nay, bác sĩ Phùng Văn Cung cùng phái đoàn ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng. Để hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt, thì nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi: Bao giờ Nam Bắc một nhà/Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1969 |
Ông Đoàn hổi tưởng, ngày ấy dù đất nước đang trong hoàn cảnh chiến tranh, song cứ mỗi độ Tết đến, đặc biệt là thời khắc giao thừa, mọi người, mọi nhà từ các cụ già râu tóc bạc phơ, đến bầy em nhỏ đều háo hức quây quần bên chiếc đài bán dẫn (radio) để chờ nghe Bác Hồ đọc thư và thơ chúc Tết. Thơ xuân là một phần rất đặc biệt trong thơ của Bác Hồ. Đặc biệt bởi lối viết nôm na, kêu gọi nhưng mỗi câu, mỗi bài đều chan chứa ý thơ, tràn đầy sắc xuân, vừa độc đáo, hào hùng, vừa ấm áp, thương yêu. Không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị nguyên thủ duy nhất chúc Tết đồng bào của mình bằng những vần thơ.
Cũng trong suốt 3 năm (1966-1969), ông Nguyễn Văn Đoàn cùng đồng đội ngày ngày túc trực 24/24 giờ bên Bác, thời gian tuy không dài, nhưng cũng đủ để hiểu rõ được Người đã gắng hết sức để cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo Nhân dân ta chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Mặc dù công việc bề bộn, nhưng Người vẫn dành thời gian quan tâm, hỏi thăm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân.
Năm nào Bác cũng làm thơ và đọc thơ chúc Tết đồng bào, đó như một dấu ấn rất riêng của Bác, cũng là sự quan tâm của Người đến đời sống tinh thần cho mọi người dân. Quả thật với ông Đoàn vẫn luôn đọng lại biết bao câu chuyện xúc động về Bác mà không thể kể hết...
Chuyến công tác cuối cùng của Bác
Ông Nguyễn Văn Đoàn bồi hồi nhớ lại, ở Phủ Chủ tịch lúc bấy giờ không có nhiều cán bộ, mỗi người đều có phận sự riêng, nhưng mỗi khi có việc gì đột xuất, Bác gọi ai ở gần Bác nhất và ai cũng nhanh chóng có mặt để Bác giao nhiệm vụ. “Có một phương châm mà cơ quan tôi lúc đó tâm niệm: Chỉ cho phép làm tốt, không để Bác phiền lòng. Những năm tháng đó, chúng tôi tập thành thói quen làm việc nhanh nhẹn và chuẩn xác. Ngoài việc bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác, các đồng đội bên Bác còn có nhiệm vụ theo dõi sức khỏe của Người. Chúng tôi như những người con hiếu thảo, vô cùng lo lắng khi sức khỏe của Bác mỗi lúc một thuyên giảm. Cùng với việc tận tụy phục vụ, chăm sóc Bác, mọi biểu hiện khác thường về sức khỏe của Người cũng được chúng tôi ghi chép tỉ mỉ, kịp thời báo cáo với lãnh đạo và các bác sĩ để ứng xử hiệu quả” - ông Đoàn nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, người cận vệ của Bác, đang kể lại những kỷ niệm về Người tại một hội nghị |
Trong ký ức của người cận vệ từng bảo vệ Bác năm xưa, ông Đoàn vẫn còn nhớ như in ngày 27-4-1969: Bác đi bầu cử HĐND khu phố Ba Đình tại địa điểm bầu cử nhà thuyền Hồ Tây. Từ 7 giờ sáng, Bác đã có mặt tại điểm bỏ phiếu đặt tại nhà thuyền Hồ Tây. Khi Bác đến, đồng chí Lê Văn Khang, khi đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính khu Ba Đình, đã đón và hướng dẫn Bác vào phòng bỏ phiếu. Lúc này Bác mới bảo: “Đến đây thì cho Bác vào bỏ phiếu kín chứ”. Sau đó Bác trực tiếp bỏ phiếu kín, làm tròn nghĩa vụ công dân của mình. Tiếp đó, Bác không vội vã rời đi ngay mà ở lại một lúc để gặp gỡ, trò chuyện với Nhân dân. Rồi Bác lên xe đi xem không khí Nhân dân Thủ đô tham gia ngày hội bầu cử. Lúc đó vào khoảng 8 giờ, trên đường xe của Bác đi qua đường Phan Đình Phùng, rồi rẽ vào phố Lý Nam Đế. Sau đó xe chở Bác di chuyển về Phủ Chủ tịch. Trên mỗi con phố đi qua, đến đâu cũng thấy không khí tưng bừng, phấn khởi của Nhân dân, tiếng trống, tiếng loa, cờ hoa rợp phố, càng làm cho Người thấy vui mừng...
Một chuyến đi khác cũng được ông Đoàn lưu nhớ mãi, đó là lần được theo Bác tham dự mít tinh trọng thể chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, được tổ chức vào trung tuần tháng 6-1969. Hôm ấy, khi xe tới Hội trường Ba Đình, Bác nhanh chóng xuống xe và đi thẳng vào hội trường. Khi đó ít ai biết được rằng, các thầy thuốc đã rất lo lắng cho sức khỏe của Người, vì khi ở nhà Bác đã có phần đi lại khó khăn, nhưng Người đã cố gắng đến dự vì không muốn mọi người lo lắng về sức khỏe của Bác. Bao lâu ấp ủ ước mong được vào thăm miền Nam, thăm đồng bào, đồng chí, nay trước sự kiện quan trọng này càng làm cho Người thêm phấn khởi trước bước phát triển mới của Cách mạng miền Nam, vì miền Nam luôn ở trong trái tim Bác.
Một sự kiện khác làm ông Đoàn không thể nào quên, đó là chuyến đi công tác cuối cùng của Người. Hôm đó là 12-8-1969, khi biết tin có đoàn công tác của ta ở Paris về, mặc dù không được khỏe, nhưng vào lúc 3 giờ chiều, dù trời rất mưa, Người vẫn đến khu nhà ở Hồ Tây để thăm hỏi, động viên và nghe các đồng chí trong đoàn công tác báo cáo tình hình. Đó là tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Bác dành cho những người đi xa về. Không ai nghĩ rằng chỉ 5 ngày sau đó, từ đêm 17-8-1969 trở đi, sức khỏe của Bác suy giảm nghiêm trọng. Và đó cũng là chuyến công tác cuối cùng của Bác.
Sách báo, tài liệu trên bàn làm việc của Bác Hồ tại Nhà 67 |
Ông Đoàn kể, từ ngày 25-8-1969, khi bệnh của Bác một nặng hơn, Bộ Chính trị quyết định dành Nhà 67 làm nơi chữa bệnh cho Người. “Về phần mình, trong những ngày Bác mệt nặng, tôi cũng được phép tham gia túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Người”- ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết.
Nhưng rồi điều đau thương nhất cũng đã đến. Cuối đêm mùng 1 rạng ngày 2-9-1969, sức khỏe của Bác trở nên nguy kịch. Khi đó, các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã sát cánh cùng các bác sĩ giỏi dốc lòng cấp cứu mong sao Bác tỉnh lại. Nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, tại Nhà 67, Bác đã đi xa.
“Trong giờ phút đau buồn đó, bên cạnh những lãnh đạo cấp cao, các bác sĩ, nhân viên y tế và những người có trách nhiệm khác ở bên Bác, có 4 đồng hương cùng quê Nghệ An với Bác, đồng chí Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an) và 3 đồng chí là Lê Văn Nhương, Ngô Ngọc Châu, Đặng Ngọc Hợi đang công tác tại Phủ Chủ tịch, cũng được ở gần bên Người. Đây là lần cuối cùng tôi cũng được ở bên Người” - ông Nguyễn Văn Đoàn xúc động kể.
Trong ký ức của người cận vệ bảo vệ Bác năm xưa, hình ảnh ấn tượng còn đọng lại khi Bác đi xa là trên tường của Nhà 67 (ngôi nhà được khởi công vào ngày 1-5-1967 và khánh thành ngày 20-7-1967, nên được gọi là Nhà 67 hoặc DK2, là nơi Bác tổ chức các cuộc họp, gặp gỡ Bộ Chính trị, cũng là nơi Người được chăm sóc sức khỏe trong những năm tháng cuối đời), vẫn treo hai tấm bản đồ quân sự, một của miền Bắc và một của miền Nam, để Bác theo dõi tình hình chiến trường. Cho đến tận những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Bác vẫn lo nỗi lo chung của đất nước, vận mệnh của dân tộc, vẫn canh cánh bên lòng khi hai miền chưa thống nhất…
Theo sggp.org.vn