Thứ Tư, 02/04/2025, 21:11 (GMT+7)
.

Cần đặt niềm tin và mạnh dạn giao việc khó cho thành phần kinh tế tư nhân

Chiều ngày 2-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển Kinh tế Tư nhân (BCĐ), đã chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo, tiếp tục cho ý kiến và hoàn thiện dự thảo đề án để chuẩn bị trình Bộ Chính trị.

a
Thủ tướng nêu rõ phải đặt niềm tin, mạnh dạn giao việc khó cho thành phần kinh tế tư nhân. Ảnh: TTXVN

Dự thảo đề án đề xuất các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chung, cùng hai nhóm nhiệm vụ riêng biệt cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa đang tăng trưởng và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một đề án có nội dung khó, phạm vi rộng, đối tượng nghiên cứu đa dạng, với ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đề án không chỉ tác động đến toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân mà còn liên quan đến các cấp, ngành, địa phương và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong bối cảnh mới.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp thu các ý kiến và tiếp tục hoàn thiện đề án để trình cấp có thẩm quyền. Đề án có thời gian thực hiện đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, chiều 2-4. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về tư tưởng chỉ đạo trong xây dựng đề án, Thủ tướng khẳng định cần có đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân. Thủ tướng cho rằng cần giải phóng hoàn toàn sức sản xuất của nền kinh tế thông qua phát triển kinh tế tư nhân, huy động mọi nguồn lực của khu vực tư nhân để phát triển đất nước. Cần khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, với nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ, quản trị,...).

Về quan điểm, Thủ tướng khẳng định, phải thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế tổng thể. Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng; cần bảo đảm quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh rộng rãi nhất có thể, và quyền tiếp cận bình đẳng với tài nguyên, tài sản quốc gia. Cần chuyển từ thái độ thụ động, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính sang trạng thái chủ động, tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân phục vụ lợi ích quốc gia và nhân dân.

Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu mục tiêu cao hơn về đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP và tăng năng suất lao động. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển.

Thủ tướng cũng đề xuất xây dựng và thực hiện thể chế thông thoáng, cắt bỏ thủ tục rườm rà, giảm tối đa thời gian và chi phí tuân thủ, bảo đảm việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, nhanh chóng, có thời gian quy định cụ thể và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Để giải phóng nguồn lực trong dân, phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế và giải quyết các vấn đề kinh tế bằng biện pháp kinh tế. Đặc biệt, cần tin tưởng vào kinh tế tư nhân, tạo động lực và khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo việc làm, làm giàu cho chính mình và đất nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt trong việc thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Cần mạnh dạn giao việc khó cho kinh tế tư nhân, đồng thời xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý, cùng với việc xây dựng đề án và nghị quyết để trình Bộ Chính trị, cần xây dựng chương trình hành động của Chính phủ và các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu dự thảo luật về kinh tế tư nhân.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.