Dinh Độc Lập: Biểu tượng lịch sử giữa lòng TP. Hồ Chí Minh
Cập nhật: 13:20, 18/04/2025 (GMT+7)
(ABO) Dấu mốc về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 đi vào lịch sử dân tộc. Đó là sự kiện chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập đã đánh dấu sự kết thúc của chế độ Việt Nam Cộng hòa, mở ra một trang sử mới cho đất nước. Từ năm 1975, Dinh Độc Lập chính thức được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất, trở thành nơi lưu giữ ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc. Sau 50 năm thống nhất đất nước, nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi đến tham quan TP. Hồ Chí Minh.
ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA
Theo tư liệu trong cuốn Sài Gòn vang bóng, tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang có nhiều thông tin ít được biết đến về Dinh Độc Lập. Công trình này ban đầu được người Pháp xây dựng vào năm 1863 với tên gọi Dinh Thống đốc (Dinh Norodom), theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp. Kiến trúc sư Hermit là người thiết kế tòa nhà, sử dụng vật liệu chủ yếu nhập từ Pháp, tạo nên một dinh thự nguy nga giữa vùng đất Nam kỳ lúc bấy giờ.
Trước đây, Dinh Độc Lập từng là dinh Thống đốc Nam kỳ, dinh Toàn quyền và dinh Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Sau năm 1954, Dinh Độc Lập trở thành nơi làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Đến năm 1962, Dinh Độc Lập bị đánh bom hư hại nặng, buộc chính quyền Sài Gòn phải xây dựng một công trình hoàn toàn mới do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Công trình được hoàn thiện vào năm 1966, mang phong cách kiến trúc tân thời, kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống Á Đông.
![]() |
Mặt trước Dinh Độc Lập, nơi sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). |
Dinh Độc Lập luôn là địa điểm được du khách trong và ngoài nước quan tâm. Vào tất cả các ngày trong tuần, lượng du khách đến tham quan Dinh Độc Lập luôn đông đúc. Để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, Ban Quản lý Dinh Độc Lập cung cấp dịch vụ hướng dẫn viên cho khách đoàn và băng ghi âm hướng dẫn cho khách lẻ muốn được tham quan tự do. Toàn bộ công trình được gìn giữ cẩn thận từ kiến trúc chung đến nội thất, không gian bên trong và bắt đầu phục vụ khách tham quan từ năm 1990.
Đến Dinh Độc Lập, du khách có thể cảm nhận một phần cuộc sống của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ thông qua các hiện vật được giữ nguyên vẹn. Lần lượt bước qua các khu vực: Phòng Nội các, phòng Đại yến, phòng Hội đồng, phòng Chiếu phim,... du khách như được ngược về quá khứ. Ý nghĩa lịch sử của từng căn phòng được giải thích cụ thể thông qua thuyết minh hướng dẫn giúp du khách hiểu rõ và cảm nhận cụ thể, đem đến trải nghiệm và ấn tượng sâu sắc.
Một trong những điểm nhấn thú vị mà nhiều du khách quan tâm khi đến thăm Dinh Độc Lập là khu vực tầng hầm. Với thiết kế kiên cố, hệ thống thông tin liên lạc được trang bị đầy đủ, tầng hầm vốn là nơi tổng thống điều hành tác chiến, liên lạc trực tiếp đến Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Tổng tham mưu, các tướng lĩnh,... Những hiện vật: Hệ thống thu phát thông tin, điện thoại, bản đồ các vùng chiến thuật, bản đồ vị trí quân giải phóng,...
Trên sân thượng còn có chiếc trực thăng UH1, mảnh bom còn sót lại ghi nhớ vụ ném bom ngày 8-4-1975 của phi công Nguyễn Thành Trung. Trong khuôn viên Dinh Độc Lập, 2 chiếc xe tăng lịch sử mang số hiệu 390 và 843,… giúp du khách cảm nhận sâu sắc về một giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam cũng như sự ác liệt trên chiến trường thời điểm đó.
![]() |
Trong khuôn viên Dinh Độc Lập, rất đông du khách chụp hình bên chiếc xe tăng lịch sử mang số hiệu 390. |
GIÁ TRỊ KHÔNG THỂ PHAI MỜ
Ký ức về những ngày tháng 4 hào hùng và rất đỗi thiêng liêng của dân tộc dường như vẫn ngưng đọng tại Di tích quốc gia đặc biệt này. Từng khán phòng, từng cột cờ, từng cánh cổng, từng chiếc xe tăng… đưa người xem ngược dòng thời gian để hiểu rõ hơn những thời khắc quan trọng ghi dấu sự kết thúc của chính quyền Sài Gòn, để từ đây non sông Việt Nam thu về một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lắm, quê tỉnh Đồng Nai cho biết: "Tôi đã từng chiến đấu ở Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4-1975. Tôi cũng đã nhiều lần trở lại thăm Dinh Độc Lập, nhưng lần nào cũng vậy, cảm xúc về những tháng năm lịch sử vẫn không phai mờ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, được trở lại nơi từng gắn bó máu thịt với đồng đội, được nhìn thấy sự đổi thay, phát triển hôm nay của thành phố. Tôi thấy hôm nay rất trang nghiêm và trân trọng, thấy đất Sài Gòn sầm uất, nhiều cái đổi mới".
Được sống trong hòa bình và trở lại thăm Dinh Độc Lập, nhiều cựu chiến binh cho biết, rất vui vì không khí rộn ràng nơi đây. Với họ, những người dân vui vẻ, phấn khởi, ăn mặc đẹp đẽ chính là thể hiện sự phát triển, ấm no của đất nước.
![]() |
Dinh Độc Lập ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị về cảnh quan, kiến trúc cũng như ý nghĩa to lớn về lịch sử. |
Đối với chị Lê Thanh, ở huyện Bình Chánh, là người dân TP. Hồ Chí Minh lại càng thêm tự hào. Chị Thanh chia sẻ: "Có thể chắc chắn người dân nào ở TP. Hồ Chí Minh cũng đều biết đến Dinh Độc Lập. Tới thăm dinh, tôi như thấy quá khứ hào hùng của dân tộc. Từ khi còn là học sinh, tôi đã được đến đây tham quan, giờ thì khoảng vài năm tôi lại đến một lần. Mỗi lần đi là một lần cảm thấy mình biết thêm, ghi nhớ thêm nhiều điều về lịch sử giải phóng miền Nam. Nhân dịp này, tôi cũng đưa các con đến đây để các cháu biết về cột mốc lịch sử quan trọng ngày 30-4 cách đây 50 năm".
Một nét rất đặc biệt là ngày càng có rất đông học sinh, sinh viên tìm đến Dinh Độc Lập như để tri ân, tưởng nhớ đến các thế hệ đi trước đã sống, chiến đấu cho đất nước có được như ngày hôm nay. Dinh Độc Lập như “địa chỉ đỏ” để các học viên, sinh viên, đoàn viên, thanh niên đến tìm hiểu lịch sử dân tộc. Em Cao Hữu Nghĩa, quê tỉnh Lâm Đồng cùng đi tham quan với trường cho biết: "Chúng em rất vui và hào hứng khi đến đây. Dù được học qua sách vở nhưng được đến tận nơi, được nhìn ngắm và được hướng dẫn viên kể chi tiết về cuộc chiến... chúng em hiểu biết hơn và trân trọng những gì mà cuộc sống hòa bình đang có".
Dinh Độc Lập ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị về cảnh quan, kiến trúc cũng như ý nghĩa to lớn về lịch sử, như một chứng nhân cho cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc ta. Và ngày nay, bằng cách phát triển du lịch, Dinh Độc Lập lại hòa vào sự phát triển của thành phố mang tên Bác.
SỚM MAI