Dấu son lịch sử của quê hương
Chiến thắng Giồng Dứa ngày 25-4-1947 diễn ra tại ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành đã đánh dấu bước trưởng thành của Lực lượng vũ trang Khu 8, quân và dân du kích Mỹ Tho lúc bấy giờ. Ngày nay, Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa đã trở thành niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của nhân dân Tiền Giang; là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
“GIAO THÔNG CHIẾN” - CÁCH ĐÁNH ĐỘC ĐÁO, TÁO BẠO
Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (1946 - 1954), với phương châm “lấy ít địch nhiều”, tuy lực lượng còn ít, trang bị vũ khí, phương tiện còn thô sơ, nhưng với sự sáng tạo, mưu trí trong nghệ thuật quân sự, cùng với cách đánh “giao thông chiến” kết hợp với phương thức chiến tranh nhân dân, quân và dân ta phục kích đánh địch tại đoạn Giồng Dứa.
![]() |
Các cựu chiến binh về thăm Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa. |
Trên cơ sở dự đoán vào ngày 25 hằng tháng, đoàn xe của Chính phủ Lê Văn Hoạch đi chung đoàn “Công-voa” quân sự từ Sài Gòn đi tiếp tế, cấp phát xuống các tỉnh miền Tây sẽ đi ngang qua đoạn lộ này (nay là Quốc lộ 1), quân và dân ta đã lên kế hoạch tổ chức, bố trí lực lượng sẵn sàng phục kích, đánh địch dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng tướng Trần Văn Trà, Khu Bộ trưởng Khu 8 cùng Đại đội xung phong Khu 8, Chi đội 17 phối hợp với quân và dân du kích Mỹ Tho.
Ngày 25-4-1947, đúng như dự đoán, chiếc xe jeep đi đầu của quân địch qua đoạn đường này vừa đến khúc quanh thì gặp một chiến sĩ của quân ta giả nông dân đẩy chiếc xe bò chở đầy đá ra giữa lộ để cản đầu xe lại. Ngay lúc này, tiếng tù và bất ngờ nổi lên, toàn trận địa nổ súng tấn công, khiến quân địch hoang mang. Bị đánh bất ngờ, quân địch chống trả quyết liệt.
Tuy nhiên, sau 10 phút nổ súng, quân địch hoàn toàn bị diệt gọn. Kết quả, quân ta đã tiêu diệt 43 tên, bắt sống 7 tên địch, thu được một số súng đạn, đánh lui lực lượng chi viện từ Mỹ Tho, thu toàn bộ chiến lợi phẩm tiếp tế cho miền Tây của quân địch.
Năm 2003, Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó, di tích lịch sử này đã trở thành địa chỉ đỏ về nguồn cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. |
Nhận định về trận chiến, Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 cho biết: “Trận đánh Giồng Dứa là trận đánh dùng cách đánh “giao thông chiến” của quân đội ta, được tổ chức, bố trí chặt chẽ sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về tình hình quân địch. Đồng thời, còn thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm tiêu diệt quân Pháp xâm lược của quân và dân ta lúc bấy giờ.
Đặc biệt, sau trận đánh này, quân Pháp còn phải thừa nhận rằng, trận đánh Giồng Dứa là trận đánh bất ngờ đối với thực dân Pháp. Do đó, Chiến thắng Giồng Dứa không những gây tiếng vang lớn ở trong nước (trong cục diện 3 nước Đông Dương), mà còn vang xa ra ngoài nước.
Về sau này, cách đánh “giao thông chiến” được bố trí, sử dụng trong trận đánh Giồng Dứa đã được quân đội và nhân dân ta áp dụng đánh trên tất cả các mặt trận trong những trận đánh, lập nên những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến năm 1960, lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam cũng bắt đầu đánh giao thông ngay trên đoạn lộ này, từ ngã ba Trung Lương chạy dài đến Bắc Mỹ Thuận…”.
TRI ÂN VÀ TIẾP NỐI
Để ghi nhớ chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời, tiếp tục giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ mai sau, năm 1985, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang xây dựng tại đây tượng đài chiến thắng. Năm 2000, do nhu cầu mở rộng Quốc lộ 1, tượng đài đã được quy hoạch, tôn tạo lại và di dời vào trong 40 m, gồm các hạng mục công trình như: Công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Tượng đài và phù điêu được đắp bằng chất liệu bê tông cốt thép cao 7 m, dài 24 m.
![]() |
Người dân Làng nghề truyền thống Dệt chiếu Long Định đang dệt chiếu. Ảnh: AN THẮNG |
Vào ngày 25-4 hằng năm, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, huyện Châu Thành và xã Long Định đều tổ chức các đoàn đến đặt tràng hoa, dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa. Các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh, sinh viên, đoàn viên tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đồng thời, hằng năm, Hội Cựu chiến binh xã Long Định phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tổ chức các buổi gặp gỡ, tuyên truyền về diễn biến, giá trị của Chiến thắng Giồng Dứa, truyền đạt cho thế hệ trẻ về giá trị lịch sử hào hùng của ông cha ta đã gây dựng, tự hào và ý thức trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, bảo vệ quê hương.
Tiếp nối truyền thống cách mạng là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Định đã vượt qua những thăng trầm với nhiều khó khăn để chuyển mình vươn lên, tiếp tục phát triển, kiến thiết quê hương.
Về Long Định hôm nay, chúng ta chứng kiến được những đổi thay của quê hương, từ một xã thuần nông, nay đã được điểm tô những gam màu tươi sáng của một xã nông thôn mới với các thành tựu quan trọng: Kinh tế - xã hội phát triển; quốc phòng - an ninh đảm bảo; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao…
Chủ tịch UBND xã Long Định Nguyễn Thị Nga cho biết: “Có được những kết quả nổi bật đó là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy xã, điều hành của UBND xã, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân trong suốt thời gian qua, đã từng bước thay đổi bộ mặt của xã”.
Minh chứng cho thấy, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Trong phát triển kinh tế, người dân chủ động học hỏi, tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả; học tập kinh nghiệm, nhận chuyển giao kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng và kỹ thuật trồng rau màu an toàn để áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt.
Đồng thời, người dân ở xã Long Định luôn đồng hành, chung tay cùng Đảng ủy và chính quyền xã trong duy trì, nâng chất các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Điểm nhấn nổi bật của xã là Làng nghề truyền thống Dệt chiếu.
Năm 2020, UBND huyện Châu Thành phê duyệt Phương án bảo vệ môi trường Làng nghề truyền thống Dệt chiếu Long Định. Đến nay, làng nghề vẫn được duy trì, hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 645 lao động, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều của xã còn 2,34% (tiêu chí chuẩn nông thôn mới nâng cao là 2,5%).
HẢI ĐĂNG