Phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao (*)
Ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị của tỉnh chúng ta đã nỗ lực, phấn đấu “không ngừng, không nghỉ”, tập trung quyết liệt chăm lo chu đáo, kịp thời đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân có hoàn cảnh khó khăn và nhân dân được vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, đầm ấm, an lành với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có tết”.
Đặc biệt, đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành việc thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; kết thúc hoạt động của 7 Đảng đoàn, 3 Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và thành lập 2 đảng bộ mới (Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh và Đảng bộ UBND tỉnh); công bố thành lập 5 sở (Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường) theo Nghị quyết 56, Kết luận 121 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận 09 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Công văn 35 của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Đề án 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đề án 513 của UBND tỉnh.
Đồng thời, chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch, ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính, cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh theo các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (Kết luận 126, 127, 128, 129, 130...) và Công văn 43 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu tại hội nghị. |
Mặt khác, chúng ta đã quán triệt, triển khai và xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên theo Kết luận 123 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; tiếp, làm việc với Đoàn Kiểm tra 1924 của Bộ Chính trị với 4 nội dung: Một là, tổng kết Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hai là, tổ chức thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ba là, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.Thứ tư là, thực hiện Kết luận 123 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành ở mức cao nhất Nghị quyết năm 2025 của Tỉnh ủy, góp phần cho kết quả chung của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí và qua dự thảo báo cáo đã nêu rất rõ, rất cụ thể những kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; đặc biệt là ý kiến phát biểu của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh. Tôi chỉ nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới:
Trước hết: Tiếp tục giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nêu cao trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là thực hiện nghiêm chủ trương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã) gắn với làm tốt công tác chính trị tư tưởng, định hướng dư luận xã hội; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp cán bộ để xuyên tạc, kích động dư luận, gây hoang mang trong xã hội (Chúng ta cần phải quán triệt, nâng cao ý thức, nhận thức ngay trong nội bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đây là chủ trương rất lớn, đặc biệt quan trọng; phải làm nhanh nhưng cần thận trọng, chặt chẽ, có lộ trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, của Nhà nước, yên tâm công tác và khi cần thì hy sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển chung của quê hương, của đất nước).
Thứ hai: Triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các nhiệm vụ về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm đúng mục tiêu tinh gọn, tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị; xác định các nội dung, nhiệm vụ, công việc cụ thể cần thực hiện, phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai phù hợp với quy định, lộ trình của Trung ương và tình hình thực tế ở địa phương. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện Đề án không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
![]() |
Quang cảnh Hội nghị lần thứ hai mươi hai Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang khóa XI. Ảnh: HÀ NAM |
Chủ động triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tỉnh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo Kết luận 134, ngày 28-3-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong quá trình sắp xếp tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “lợi ích nhóm”, lợi dụng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế để tham nhũng, tiêu cực; chú trọng công tác chuyển đổi số, nhất là số hóa các hồ sơ, tài liệu để lưu trữ, chuyển giao theo đúng quy định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng ủy UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo rà soát tổng thể lại các trụ sở, cơ sở vật chất của cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để có phương án xử lý, bố trí, sắp xếp phù hợp, không để thất thoát, lãng phí.
Việc đặt tên xã, tên phường sau sắp xếp, sáp nhập cần lưu ý các yêu cầu như dễ nhận diện, ngắn ngọn, khoa học, có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa, được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ và thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin... (Ví dụ: Nói đến Chiến thắng Ấp Bắc, chúng ta nhớ ngay xã Tân Phú; nói đến Rạch Gầm - Xoài Mút, ta nhớ ngay xã Kim Sơn; nói đến cờ đỏ sao vàng xuất hiện đầu tiên trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, ta nhớ đến xã Long Hưng; nói đến Anh hùng dân tộc Trương Định, ta nhớ ngay đến xã Gia Thuận...).
Thứ ba: Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên trong năm 2025, làm cơ sở cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng đạt 2 con số. Trong đó, cần tập trung cho 7 nhóm giải pháp: Một là, cải cách tổ chức, bộ máy; hai là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; ba là, hình thành các động lực tăng trưởng mới, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, phát triển các vùng động lực, đô thị; thứ tư là, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; năm là, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, xem đây là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; sáu là, mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu dùng; bảy là, nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị các mặt hàng chủ lực của tỉnh phục vụ cho xuất khẩu (chúng ta phải phát huy tối đa các nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đổi mới; tinh thần đột phá, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương; phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” để mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội).
Thứ tư: Theo dõi, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác phân tích, dự báo, chủ động các phương án, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm để xử lý, giải quyết kịp thời, linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, những “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong đăng ký doanh nghiệp, giải quyết hồ sơ chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, xử lý các bước trên Cổng dịch vụ công của tỉnh liên quan đến doanh nghiệp, đến nhà đầu tư. Đẩy nhanh 3 việc: Một là tiến độ thi công, hai là khởi công công trình mới, ba là mời gọi đầu tư các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp như: Dự án Cầu Rạch Miễu 2, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; Dự án Đường tỉnh 864 (giai đoạn 1), đường dọc sông Tiền, đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định, Trung tâm Thương mại dịch vụ tỉnh Tiền Giang (thuộc Quảng trường trung tâm tỉnh); Khu công nghiệp Bình Đông, Khu công nghiệp Tân Phước 1, Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp...
Thứ năm: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong lao động, sản xuất; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngành thông tin và truyền thông đồng bộ, hiện đại; xây dựng, phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng bảo đảm tính gắn kết giữa hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu, trong đó lấy nền tảng số làm giải pháp đột phá.
Quan tâm chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước gắn với đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng. Triển khai hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin các ngành, lĩnh vực; xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng, cung cấp dịch vụ công ở mức độ cao (Việc này Trung ương chỉ đạo rất quyết liệt, bởi vì muốn tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các đồng chí cần suy nghĩ thêm để có phương án, giải pháp triển khai thực hiện ngay từ bây giờ).
Thứ sáu: Theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời tình hình hạn, xâm nhập mặn; vận hành tốt các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân gắn với phòng ngừa ngập úng; chủ động xây dựng phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả thiên tai, lốc xoáy xảy ra bất thường (vào đầu mùa mưa thường xảy ra). Khẩn trương rà soát, kiểm tra, nâng chất các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thiện các tiêu chí của tỉnh nông thôn mới để đạt mục tiêu xây dựng tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước khi thực hiện việc sáp nhập tỉnh theo chủ trương của Trung ương.
Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm; các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết các hoạt động để tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, nhất là tổ chức các sự kiện, lễ tân...
Thứ bảy: Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và hướng dẫn công tác Đại hội Đảng bộ các cấp ngay khi Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương ban hành chỉ thị và hướng dẫn về sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; việc tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ xã, phường nhiệm kỳ 2025 - 2030, chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã, phường nhiệm kỳ 2025 - 2030 đồng bộ với chuẩn bị nhân sự HĐND xã, phường nhiệm kỳ 2026 - 2031; việc chuẩn bị các văn kiện của cấp ủy tỉnh và các công việc chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 (phần của Tiền Giang sau khi sáp nhập).
Thứ tám: Từng đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cần tích cực, chủ động hơn trong giải quyết, xử lý công việc với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” và “làm việc nào thì dứt điểm việc đó”; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương; chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện dao động, băn khoăn, lo lắng, sa sút ý chí, buông xuôi, làm việc cầm chừng, thiếu tích cực trong công việc dẫn tới bê trễ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp, làm ảnh hưởng đến uy tín, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức mới thành lập, được giao thêm nhiệm vụ sau sáp nhập, hợp nhất tăng cường kiểm tra, rà soát từng đầu công việc, ổn định tổ chức bên trong, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc để hoạt động ổn định, đạt kết quả cao. Bác Hồ kính yêu đã dạy chúng ta: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm cao, tính tự giác cao chính là phẩm chất quan trọng của cán bộ, đảng viên”. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cần phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác ngay ở thời điểm này; ngay tại từng cơ quan, từng đơn vị, từng địa phương của chúng ta.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, giao Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp và có văn bản báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo từng vấn đề cụ thể.
Hội nghị sơ kết quý I năm 2025 đến đây kết thúc. Chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
NGUYỄN VĂN DANH (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang)
(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt.