Tổng Bí thư Tô Lâm nêu sứ mệnh cho TPHCM mới sau sắp xếp, hợp nhất
Sứ mệnh mới cho TPHCM mở rộng không chỉ là trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng, trong đó các tỉnh phía Nam không chỉ đồng hành mà còn chủ động đóng góp vai trò đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian phát triển kinh tế, văn hóa xã hội nói chung.
Sáng 21-4, tại TPHCM, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì hội nghị gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
TPHCM luôn là động lực tăng trưởng của cả nước
Trong buổi họp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ những vấn đề nhân dân đang rất quan tâm, nhất là những chủ trương liên quan đến quốc kế dân sinh.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Tổng Bí thư nêu rõ, thành phố đã được giải phóng tròn 50 năm và đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Bộ mặt của TPHCM đã có nhiều thay đổi tích cực, hiện đại hơn, văn minh hơn, giàu mạnh hơn. Nhưng để TPHCM rực rỡ tên vàng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.
Tổng Bí thư nêu rõ, TPHCM luôn luôn là động lực tăng trưởng của cả nước và của khu vực, luôn luôn là một trung tâm đổi mới sáng tạo nhất của cả nước.
Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng xuất phát từ TPHCM. TPHCM cần giữ vững vai trò này, vừa là động lực trung tâm phát triển của cả nước và khu vực, vừa là trung tâm đổi mới sáng tạo, không đâu có lợi thế hơn TPHCM để làm việc này.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu dự họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, TPHCM phải xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh và quốc phòng; xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại với vai trò là đô thị đặc biệt đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn cho khu vực và cả nước.
Trong không gian phát triển mới, các địa phương sẽ bổ sung hỗ trợ liên kết, đồng hành cùng tiến bước, TPHCM mở rộng không chỉ bao gồm TPHCM hiện nay cùng với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang để tái thiết kế được chiến lược phát triển vùng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc này rất quan trọng nhằm huy động tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tạo nên một tổng thể mới vượt trội hơn là tổng các phần cộng lại.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi các đại biểu dự họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
TPHCM mới sẽ là đầu tàu, là động lực lan tỏa cho sự phát triển mạnh mẽ của toàn vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ nhưng đồng thời chính sự tham gia hợp tác bổ sung nguồn lực từ các tỉnh, thành phía Nam với thế mạnh về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, logistics, du lịch, văn hóa cũng sẽ là nguồn lực thiết yếu để làm mạnh mẽ hơn sức bật và tầm vóc của TPHCM mới. Đây cũng là quá trình cùng phát triển, cùng nâng tầm với mối quan hệ bổ sung lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là hình thành một cực tăng trưởng mới, có sức cạnh tranh toàn cầu, thân thiện, bền vững và giàu bản sắc.
Trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực
Sứ mệnh mới cho TPHCM mở rộng không chỉ là trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực mà còn là một trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng, trong đó các tỉnh phía Nam không chỉ đồng hành mà còn chủ động đóng góp vai trò đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian phát triển kinh tế, văn hóa xã hội nói chung.
TPHCM mới sẽ thành công nếu cả vùng cùng phát triển và cả vùng sẽ thăng hoa khi có TPHCM dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ và cùng nhau tiến về phía trước. TPHCM mở rộng sẽ là trung tâm tài chính, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô ở khu vực, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới kinh tế và sáng tạo quốc gia, khu vực.
![]() |
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Định hướng phát triển của thành phố dựa trên nền tảng công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy phát triển bền vững môi trường, xây dựng xã hội hài hòa, mở rộng, gắn kết và văn minh, tích hợp kết tinh những giá trị tiên tiến nhất, tinh hoa nhất của châu Á và thế giới.
TPHCM mở rộng sẽ đóng vai trò hạt nhân, động lực lan tỏa cho sự phát triển toàn diện vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và rộng hơn nữa là Tây Nguyên và Trung Nam bộ, gắn liền và tương hỗ với sự phát triển của các tỉnh trong vùng.
TPHCM không chỉ dẫn dắt mà còn liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa lợi thế bổ sung lẫn nhau, xây dựng một không gian kinh tế văn hóa liên vùng, tạo thành cực tăng trưởng mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Trong quá trình sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành, Tổng Bí thư lưu ý 5 yêu cầu, thứ nhất là, phải phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao. Tất cả các địa phương liên quan đến việc bố trí cán bộ phải được chọn những người có năng lực tốt, bảo đảm cân đối, hài hòa và đoàn kết, khai thác tối đa tiềm năng, kinh nghiệm quản lý từ nhiều địa phương, là cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung.
![]() |
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thứ hai là, phải đồng bộ hóa quy hoạch không gian phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng liên thông hiện đại và thích hợp, kể cả hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp, không chỉ trong phạm vi một đơn vị hành chính mới mà còn kết nối hiệu quả giữa các tỉnh trong vùng, hình thành mạng lưới hạ tầng đồng bộ của cả vùng.
Thứ ba là, phải thống nhất về hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính, phải xây dựng bộ quy chuẩn chung cho đơn vị hành chính mới trên cơ sở hài hòa, kế thừa và nâng cấp từ thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời cần kiểm soát toàn bộ các quy định hiện hành, đảm bảo cho sự minh bạch, thuận tiện, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp trong và ngoài cả đơn vị hành chính.
Thứ tư là, phải quản lý đất đai và tài sản công một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, đặc biệt là lưu ý các khu vực có tiềm năng phát triển lớn, tránh được thất thoát, lãng phí và lợi ích nhóm.
Thứ năm là, phải lắng nghe, giải thích, đối thoại và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp và các địa phương trong vùng; làm cho người dân hiểu đúng, tin tưởng, tự hào và tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu các đơn vị hành chính mới là nhiệm vụ chung, cơ hội chung của tất cả mọi người, mọi cơ quan, mọi tổ chức, đơn vị.
Theo sggp.org.vn