Thứ Năm, 24/04/2025, 08:53 (GMT+7)
.

Về thăm "địa chỉ đỏ"

50 năm trước, ngày 3-2-1975 đã diễn ra sự kiện 8 dân công đi tải đạn hy sinh tại xã Song Bình (huyện Chợ Gạo), có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với quân dân Tiền Giang nói chung và huyện Chợ Gạo nói riêng.

Đó là biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân địa phương tự nguyện vận chuyển đạn dược, vũ khí từ tuyến trên về cho bộ đội địa phương, để chuẩn bị cho chiến dịch mở mảng chuyển vùng giải phóng toàn huyện trong chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, góp phần to lớn vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ

Ngược dòng lịch sử 50 năm trước, cuối tháng 10-1974, đồng chí Lê Văn Phẩm, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 8 xuống trực tiếp chỉ đạo chiến trường Mỹ Tho - Gò Công. Theo đó, Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương mở chiến dịch mùa khô 1974 - 1975 trước 1 tháng; trọng điểm mở ra của tỉnh trong đợt hoạt động này là toàn bộ các xã phía Đông, Tây kinh Chợ Gạo. 

Trước tình hình đó, vấn đề mở rộng vùng kháng chiến tại huyện Chợ Gạo là một yêu cầu cấp bách, là mấu chốt quan trọng đưa phong trào cách mạng địa phương phát triển; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển lực lượng, vũ khí sang hướng Gò Công và vùng phía Nam tỉnh Long An.

Hành trình về “địa chỉ đỏ” của Huyện đoàn Chợ Gạo tại khu di tích. Nguồn: Huyện đoàn Chợ Gạo cung cấp.
Hành trình về “địa chỉ đỏ” của Huyện đoàn Chợ Gạo tại khu di tích. Nguồn: Huyện đoàn Chợ Gạo cung cấp.

Tháng 11-1974, ta bắt đầu vào chiến dịch mùa khô. Để đảm bảo đủ số lượng đạn dược cho chiến trường, hằng đêm có hàng trăm người tham gia tải đạn từ khắp nẻo đường các xã để mang đến địa điểm tập kết phục vụ chiến trường đánh giặc.

Ngày 3-2-1975, đồng chí Nguyễn Văn Võ, Tiểu đội phó khung huấn luyện Huyện đội Chợ Gạo phụ trách dân công cùng đồng chí Nguyễn Văn Chiêm hướng dẫn 18 dân công tải đạn từ nhà đồng chí Ba Tổng, cán bộ hậu cần huyện ở ấp Bình Hòa B, xã Song Bình đến điểm tập kết tại xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo) để vận chuyển các loại đạn dược như: Mìn định hướng DH10, đạn B40, lựu đạn và một ít đạn nhọn.

19 giờ cùng ngày, đoàn dân công đến nhà đồng chí Ba Tổng nhận hàng và lập tức lên đường. Khoảng 30 phút, sau khi đoàn dân công tải đạn đến khu vực nhà bà Nguyễn Thị Ba, ngụ ấp Bình Hiệp, xã Song Bình thì đạn phát nổ do va chạm.

Vụ nổ đã làm 8 người hy sinh, 5 người bị thương (trong số người hy sinh, dân công lớn tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Sáu 24 tuổi và trẻ nhất là chị Nguyễn Thị Kim mới 14 tuổi), cùng ngụ ấp Điền Mỹ, xã Long Bình Điền; các dân công còn lại tiếp tục tải đạn phục vụ chiến trường.

TIẾP NỐI MẠCH NGUỒN CÁCH MẠNG

Để phát huy truyền thống, trân trọng và gìn giữ những giá trị lịch sử, Bí thư Xã đoàn Song Bình Hồ Quang Thẩm cho biết: “Xã đoàn đã tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các bạn đoàn viên, học sinh tại địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền trực tiếp, thông qua trang mạng xã hội do Xã đoàn quản lý, phát động hành trình về với “địa chỉ đỏ”; đồng thời, kết hợp với Hội Cựu chiến binh xã tổ chức các buổi gặp gỡ, trò chuyện với các em học sinh tại các trường học trên địa bàn về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; khắc ghi công ơn của bậc cha ông, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Để từ đó, các bạn hiểu, trân trọng, gìn giữ những giá trị lịch sử và ý thức được trách nhiệm của mình, phấn đấu học tập, rèn luyện trong mỗi hành động, việc làm tích cực, không chỉ vì bản thân mà còn vì cộng đồng, xã hội…”.

 Để tưởng nhớ những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước, năm 2009, UBND huyện Chợ Gạo đã xây dựng bia với diện tích 520 m2, cách nơi xảy ra vụ nổ khoảng 150 m. Năm 2014, UBND huyện Chợ Gạo tiến hành mua thêm 480 m2 đất để mở rộng diện tích xây dựng bia, nâng diện tích xây dựng bia lên 1.000 m2

Ngày 27-1-2016, UBND tỉnh Tiền Giang đã ký Quyết định xếp hạng địa điểm xây dựng Bia tưởng niệm 8 dân công tải đạn hy sinh tại xã Song Bình là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. 

Đến ngày 15-12-2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chợ Gạo tổ chức Lễ khánh thành Bia tưởng niệm 8 dân công tải đạn xã Song Bình. Trong đó, Bia tưởng niệm được xây dựng với nhiều hạng mục: Nhà bia tưởng niệm, bia đá tạc hình 8 liệt sĩ, trụ cột, cổng chính, tường rào, đường nội bộ và các công trình phụ.

Thời gian qua, cùng với nhịp đập phát triển chung của huyện Chợ Gạo, xã Song Bình đã từng bước đổi mới, có những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đem lại những khởi sắc cho địa phương. 

Bí thư Đảng ủy xã Song Bình Nguyễn Văn Thưởng cho biết, hằng năm, nhất là vào các dịp lễ lớn, Đảng ủy, UBND xã cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, các hội, đoàn thể xã đều đến Bia tưởng niệm 8 dân công tải đạn để thắp hương, tri ân những thế hệ cha anh đã đánh đổi máu xương vì nền hòa bình, độc lập như hôm nay; đồng thời, nơi đây còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tự hào, tiếp nối thế hệ đi trước, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Song Bình đã tập trung xây dựng quê hương phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới. 

Trong phát triển kinh tế, địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho người dân; trong năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 70,55 triệu đồng… Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng được triển khai tích cực, đồng bộ, khẳng định rõ vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng trên các lĩnh vực đời sống của xã hội”.

Trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển quê hương đều ghi dấu đậm nét những cống hiến, hy sinh to lớn của cha ông ta ngày trước đã vẽ nên màu xanh Tổ quốc, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. 

Do đó, các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng nhau về thăm những “địa chỉ đỏ” để cùng hướng về cội nguồn của dân tộc, tìm hiểu những giá trị lịch sử; để từ đó, tự hào, giữ gìn và tiếp nối mạch nguồn cách mạng, cống hiến sức trẻ để xây dựng quê hương ngày càng tươi sáng.

HẢI ĐĂNG

.
.
.