Chuyện ít biết về nghệ nhân đúc tượng Bác Hồ
Tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” của nhà điêu khắc, họa sĩ Diệp Minh Châu rất nổi tiếng. Tượng từng được dựng trước trụ sở UBND TPHCM, nay được an vị trước Nhà Thiếu nhi Thành phố, nhưng rất ít người biết đến câu chuyện tạo tác tượng đài này.
1. Nhà điêu khắc, họa sĩ Diệp Minh Châu may mắn có nhiều năm được ở gần Bác. Ông đã thấu cảm sâu sắc tầm cao vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh dung hòa trong vẻ đẹp nhân hậu, bình dị với tình cảm bao la của Người dành cho đồng bào, đặc biệt là thế hệ mầm non của đất nước. Năm 1980, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu sáng tác bức tượng “Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc năm 1951” bằng chất liệu thạch cao.
Bức tượng đã thể hiện hình ảnh Bác ở Chiến khu Việt Bắc năm 1951, trong giai đoạn cách mạng vô cùng gian khó, nhưng Người vẫn luôn quan tâm, chăm lo cho thế hệ tương lai. Hình ảnh cháu bé ngoan ngoãn, đáng yêu nép vào bờ vai của Bác, được Bác dang vòng tay ôm vào lòng, mang tính biểu tượng và khái quát rất cao.
Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác, theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân TPHCM, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã đúc bức tượng “Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc năm 1951” bằng chất liệu đồng đỏ, nặng gần 9 tấn, cao 3,3m. Tượng được đặt ở phía trước trụ sở UBND TPHCM, hướng ra bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn.
Từ đó đến năm 2015, bức tượng trở nên quen thuộc với người dân TPHCM và được mọi người gọi với tên thân thuộc: “Bác Hồ với thiếu nhi”. Đây cũng là một trong những tác phẩm để đời của họa sĩ Diệp Minh Châu, và là một trong những tác phẩm xuất sắc của nghệ thuật điêu khắc nước nhà. Đến năm 2015, trong quá trình mở rộng khu vực trung tâm thành phố, bức tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” được cung thỉnh về an vị ở không gian trang trọng phía trước Nhà Thiếu nhi Thành phố (số 169 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3).
![]() |
Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (thứ 2 từ phải qua) bên tác phẩm Bác Hồ và các cháu thiếu nhi, đang được nghệ nhân Phạm Văn Hai (bìa trái) thi công. Ảnh: GĐCC |
Sau khi được thành phố “đặt hàng”, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã đi nhiều nơi trong nước, tìm gặp nhiều nghệ nhân ở các làng nghề đúc đồng nhưng tất cả đều không đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà ông đề ra. Trong khi thời gian hoàn thành công việc ngày càng hối thúc, một lần nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đi ngang một xưởng đúc trên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức). Tại đây, ông đã tìm được nghệ nhân đáp ứng được tốt nhất các yêu cầu của mình.
Nghệ nhân đó tên Phạm Văn Hai, sinh năm 1953, quê ở Bình Dương, đang mở xưởng đúc tại đây mang tên xưởng đúc Phương Nam, cho đến năm 2018 thì ông giải nghệ do tuổi cao sức yếu. Ông đã qua đời vào ngày 2-10-2024, hưởng thọ 72 tuổi.
2. Bà Trần Thanh Mỹ, vợ nghệ nhân Phạm Văn Hai, kể, chồng bà học nghề đúc khi mới 11 tuổi. Thời đó trẻ con không sướng như bây giờ, với nhiều gia đình thì trẻ phải học nghề từ nhỏ thay vì ngày hai buổi đến trường học văn hóa. Lớn lên, Phạm Văn Hai bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đi lính như nhiều thanh niên khác ở miền Nam trong tâm thế không thể lựa chọn công việc mong muốn cho cuộc đời mình.
Bà Trần Thanh Mỹ nhớ lại: Chồng tôi kể, năm 1975, tại Vũng Tàu, dù ông không biết bơi nhưng hai người bạn đã kè ông bơi ra tàu đậu ngoài xa để trốn ra nước ngoài. Lên tàu rồi, ông suy nghĩ mình đi nước khác thì làm gì để sống, tương lai sẽ ra sao… Ông nói với hai người bạn kè mình bơi lại vào bờ. Đưa chồng tôi vào bờ xong, hai người kia cũng bỏ luôn ý định quay trở lại tàu ra nước ngoài. Ba ông đi bộ từ Vũng Tàu về lại Thủ Đức.
Khi đó, cha của bà Trần Thanh Mỹ có xưởng cơ khí trên đường Kha Vạn Cân, đã nhận chàng trai Phạm Văn Hai vào làm thợ đúc tại đây. Nhận thấy thợ đúc Phạm Văn Hai hiền lành, chăm chỉ, giỏi nghề, cha của bà Trần Thanh Mỹ đã tác hợp cho hai người nên duyên chồng vợ. Một thời gian sau, vợ chồng ông Phạm Văn Hai ra riêng, mua mảnh đất gần đó mở xưởng. Nhiều năm liền, xưởng của ông bà chủ yếu đúc các chi tiết máy móc, cho đến khi nhà điêu khắc Diệp Minh Châu tìm đến.
Ban đầu, nghệ nhân Phạm Văn Hai từ chối vì ông chỉ biết đúc chi tiết máy móc bằng gang thép chứ chưa từng đúc tượng bằng đồng bao giờ. Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu thuộc lứa cha chú của Phạm Văn Hai, thuyết phục: “Mày làm đi, có gì còn tao bên cạnh”. Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã ăn ở tại xưởng, cùng nghệ nhân Phạm Văn Hai tạo tác công trình để đời.
“Khi đó, vợ chồng tôi chưa biết tính toán nên số tiền nhận được chỉ vừa đủ trả công thợ. Bác Diệp Minh Châu biết được đã đề nghị thành phố hỗ trợ thêm một khoản kha khá. Nhờ đó, chúng tôi có thêm động lực để hình thành nên xưởng đúc Phương Nam”, bà Trần Thanh Mỹ kể.
3. Sau công trình đầu tay rất thành công, tạo được tiếng vang và uy tín, nghệ nhân Phạm Văn Hai được nhiều nơi tìm đến, giao phó các công trình tượng đài bằng đồng cho ông. Tiêu biểu có các công trình: tượng Bác Hồ ở Bến Nhà Rồng, tượng Bác Tôn ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tượng Mẹ miền Nam đặt tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút, tượng Bồ tát Thích Quảng Đức ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu… và rất nhiều tượng đài danh nhân nước Việt, phù điêu đặt nhiều nơi ở TPHCM và vùng Nam bộ. Công trình gần nhất mà nghệ nhân Phạm Văn Hai thực hiện là tượng Bác Hồ - hiện ở trước trụ sở UBND TPHCM, do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới sáng tác.
Tại xưởng đúc này, gia đình nghệ nhân Phạm Văn Hai đã vinh dự được đón tiếp rất nhiều lãnh đạo Trung ương và TPHCM đến thăm. Đặc biệt, khi đang đúc tượng “Bác Hồ với thiếu nhi”, gia đình nghệ nhân Phạm Văn Hai đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ghé thăm để kiểm tra, đốc thúc tiến độ thực hiện. Bà Trần Thanh Mỹ cho chúng tôi xem album hình mà gia đình lưu giữ với nét mặt tự hào.
Năm 2018, nhận thấy chồng tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm, bà Trần Thanh Mỹ bàn với chồng giải nghệ, nghỉ ngơi. Xưởng đúc không còn hoạt động nhưng ngoài mặt tiền vẫn giữ bảng hiệu xưởng đúc Phương Nam làm kỷ niệm. Trên mảnh đất từng làm xưởng, vợ chồng nghệ nhân Phạm Văn Hai trồng rất nhiều cây xanh, nhất là hoa lan, với mong muốn cuộc sống ngày càng trong xanh.
Theo sggp.org.vn