Nghị quyết 35 - Sức mạnh từ nhận thức đến hành động - Bài 1: Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc chống phá Đảng, Nhà nước
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhất là từ khi Nghị quyết 35 ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được ban hành, toàn hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực triển khai hiệu quả các giải pháp, tạo “rào chắn” vững chắc trước thông tin độc hại, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH), thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc chống phá Đảng, Nhà nước. Từ đó nâng cao hiệu quả “làm sạch” không gian mạng, đập tan các thủ đoạn, phương thức xuyên tạc mới của các thế lực thù địch.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA MẠNG XÃ HỘI ĐẶT RA NHIỀU THÁCH THỨC
MXH đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống cá nhân, kinh tế, chính trị và xã hội. Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của Internet và điện thoại thông minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ của các nền tảng MXH, mang đến nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức.
![]() |
Tác phẩm chất lượng cao của đội ngũ làm công tác báo chí đã đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. |
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet và ứng dụng MXH hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo của Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam), tính đến năm 2024, số người Việt Nam dùng MXH là 72,7 triệu người, tương đương với 73,3% tổng dân số.
Các nền tảng MXH được dùng nhiều nhất là Facebook (89,7%), Zalo (88,5%), Tiktok (77,8%)… Điều này chứng tỏ sự phổ biến rộng rãi của các nền tảng MXH đối với công dân Việt Nam ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhất là thanh niên trẻ, học sinh, sinh viên.
Với những ưu thế vượt trội về nội dung phong phú, cách thức sử dụng dễ dàng, đối tượng tiếp cận rộng lớn, là một nguồn cung cấp thông tin khổng lồ và đa dạng, cập nhật tin tức nhanh chóng, được xem như một phương tiện truyền thông đại chúng của mọi đối tượng trong xã hội, MXH đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc lan tỏa các vấn đề xã hội, kêu gọi sự chú ý của cộng đồng và tạo ra những phong trào vận động tích cực, giúp các vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận và thúc đẩy hành động.
Tuy nhiên, MXH cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, thậm chí đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chức năng khi một số cá nhân, tổ chức lợi dụng tầm ảnh hưởng của MXH để lừa đảo, lan truyền những thông tin không chính thống, sai lệch, kích động nhân dân; đồng thời, là môi trường “thuận lợi” để các thế lực thù địch lợi dụng, thực hiện âm mưu chống phá, xuyên tạc Đảng, Nhà nước, tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận.
Việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân trên MXH đặt ra những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật thông tin. Tài khoản MXH có thể bị tấn công và sử dụng cho các mục đích xấu. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi trên MXH, gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe tinh thần cho người dùng…
Đặc biệt, công nghệ “Deepfake”, AI tạo sinh, các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh và âm thanh tiên tiến được các đối tượng xấu khai thác triệt để. Chúng có thể tạo ra những video, âm thanh giả mạo tinh vi đến mức người dùng thông thường khó phát hiện. Điều này làm gia tăng mức độ nguy hiểm của các thông tin sai lệch được lan truyền trên MXH.
CHỦ ĐỘNG PHÁT HIỆN, XỬ LÝ KỊP THỜI
Nhận thức sâu sắc về những thách thức tiềm ẩn từ MXH, là môi trường các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, xuyên tạc Đảng, Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, thời gian qua, Công an tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn.
Theo Công an Tiền Giang, các đối tượng lợi dụng sự kiện liên quan các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thôi giữ chức vụ; chủ trương sắp xếp, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18 để xuyên tạc; lợi dụng việc Đảng, Nhà nước ta tổ chức các hoạt động chào mừng các sự kiện lớn của dân tộc như: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... để tuyên truyền, xuyên tạc lịch sử.
"Nhìn chung qua triển khai, lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các mặt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; qua đó góp phần đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Tuy nhiên, cuộc chiến trên không gian mạng là cuộc chiến không có hồi kết, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức để nhận diện thông tin xấu độc. Đây chính là “vắc xin” hiệu quả nhất để phòng ngừa “vi rút” thông tin xấu, độc đang lan truyền mạnh mẽ trên không gian mạng hiện nay” |
Các chiến dịch được thực hiện với phương thức công khai cùng cường độ, tần suất thông tin dày đặc, trọng tâm là tuyên truyền trên nền tảng các MXH như: Facebook, Youtube, Tiktok, Telegram, Twitter và qua các đài, báo đặt ở nước ngoài nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.
Trước vấn đề trên, Công an tỉnh Tiền Giang xác định, các thế lực thù địch lợi dụng các vụ việc, sự kiện đang được dư luận quan tâm để đưa tin, bình luận hướng dư luận nhìn nhận theo quan điểm sai lệch; dẫn nguồn thông tin từ báo chí chính thống, pha trộn thông tin thật giả, xuyên tạc tình hình chính trị trong nước; triệt để sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng; trước khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, phát tán ồ ạt những tin, bài để xuyên tạc, bóp méo sự thật.
Đồng thời, nhiều đối tượng có xu hướng chuyển đổi dần sang sử dụng các nhóm kín trên MXH; sử dụng tên, hình ảnh của các mục tiêu, cơ quan Đảng, Nhà nước, hội nhóm theo các sự kiện, vấn đề phức tạp hoặc các đồng chí lãnh đạo cấp cao, Lực lượng vũ trang để đăng tin “giật tít, câu like”, lan truyền thông tin xấu, độc, sai sự thật.
Đại tá Phan Văn Trảng, Phó Giám đốc Công an Tiền Giang cho biết: “Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Đồng thời, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh, Nhóm Cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh làm nòng cốt trong thực hiện các mặt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Cùng với đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo nhận diện các thủ đoạn, phương thức chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng nhằm có giải pháp xử lý kịp thời”.
Theo số liệu thống kê từ Công an tỉnh Tiền Giang, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hình sự 6 vụ án với 10 bị can; xử phạt hành chính 19 đối tượng; gọi hỏi, răn đe 138 đối tượng tham gia các hội, nhóm chống đối trên không gian mạng có hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước, tung tin giả, sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Trong đó, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được Công an tỉnh Tiền Giang điều tra, xử lý triệt để.
Từ khi Nghị quyết 35 được ban hành, tỉnh Tiền Giang đã nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Với sự quyết tâm của lực lượng Công an và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể cùng toàn dân, công tác đấu tranh phòng, chống các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng đã đạt được kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.
NHÓM PV
(còn tiếp)