"Bình dân học vụ số": Xây dựng nền tảng số cho kỷ nguyên mới
Lấy cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” (BDHV) do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945 nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí, phong trào “BDHV số” mang trong mình sứ mệnh mới: Phổ cập kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhận định: “Đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào “BDHV số” còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức, mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển”.
TỪ “BDHV” ĐẾN “BDHV SỐ”
Ngay sau khi nước nhà tuyên bố độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là “diệt giặc dốt” và Người đã phát động phong trào BDHV. Đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất để xóa nạn mù chữ cho dân; vì trình độ dân trí lúc bấy giờ rất thấp, có đến 95% số người mù chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
![]() |
Các cấp, các ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền phong trào “BDHV số” đến toàn thể hội viên phụ nữ và người dân. |
Ngày 8-9-1945, Chính phủ đã ban hành cùng lúc 3 sắc lệnh (số 17, số 19, số 20) liên quan đến BDHV. Từ đó, phong trào BDHV ra đời. 1 năm sau ngày phát động, với phương châm “Người biết chỉ cho người chưa biết, người biết nhiều chỉ cho người biết ít”, phong trào đã thu hút được trên 95.000 giáo viên, với 75.000 lớp học và trên 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Đến năm 1948, có 6 triệu người đã thoát nạn mù chữ và đến năm 1952 là 10 triệu người. Chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành. Sau này, qua các giai đoạn phát triển của đất nước, trình độ dân trí đòi hỏi ngày càng phải được nâng cao. Tuy vậy, nhìn lại những kết quả, phong trào BDHV có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với cả nước, phong trào BDHV ở các tỉnh, thành cũng phát triển mạnh ngay từ những năm đầu phát động. Công tác xóa mù chữ đã trở thành một bộ phận của cách mạng và gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của tỉnh, thành. Từ phong trào BDHV, xóa mù chữ, phong trào bổ túc văn hóa có nội dung, hình thức học tập đa dạng, phong phú. Từ thành thị đến nông thôn, từ nhà máy đến ruộng đồng, cán bộ, thanh niên, nhân dân các dân tộc thi đua đi học các lớp bổ túc văn hóa.
![]() |
Bước sang thời kỳ mới, nhằm thực hiện chủ trương xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập, Đồng Tháp tiếp tục phát triển giáo dục thường xuyên mà tiền thân là phong trào BDHV. Theo đó, cùng với việc củng cố và mở rộng hệ thống giáo dục chính quy, tỉnh đã thực hiện hiệu quả chủ trương thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn.
Trước bước chuyển mới của thời đại, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số đang diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có. Để quản lý, điều hành xã hội một cách có hiệu lực, hiệu quả cao, yêu cầu phải quyết liệt đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, đi đôi với cải cách hành chính, hướng đến toàn bộ các hoạt động của chính quyền được triển khai và vận hành trên nền tảng công nghệ số; vì thế đòi hỏi đối với công dân phải là công dân số để đáp ứng yêu cầu của một xã hội số với nền kinh tế số dưới sự điều hành của chính quyền số.
Mục tiêu của phong trào này là phổ cập tri thức số để mọi công dân có thể thích ứng với chuyển đổi số cũng như góp phần xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số trong thời đại số. Đây cũng được xem là “đòn bẩy” tạo đột phá về phổ cập tri thức số đến mọi tầng lớp nhân dân.
Là người phát động phong trào “BDHV số”, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ kế thừa di sản quý báu của lịch sử, mà còn phải biết ứng dụng nó vào thực tiễn hiện nay. Việc trang bị tri thức số sẽ giúp người dân tự tin hơn trong môi trường số, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển của công nghệ”.
Với phương châm “Kiến thức là nền tảng, công nghệ là công cụ để tiến xa”, phong trào này không chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, mà còn chú trọng nâng cao nhận thức, khuyến khích từng cá nhân tự học, chủ động tham gia vào không gian số, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
TỪ XÓA MÙ CHỮ ĐẾN XÓA MÙ CÔNG NGHỆ
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Đồng Tháp đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu toàn dân, toàn diện, vững bước tiến vào kỷ nguyên số. Trong đó, tỉnh tập trung vào mục tiêu xây dựng chính quyền số ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Các sở, ngành và UBND cấp xã tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu xử lý công việc chuyên môn trên môi trường số; các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành tiếp tục được xây dựng, phát triển hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên môi trường số.
![]() |
Phong trào “BDHV số” không đơn thuần là hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh hay truy cập Internet. Mục tiêu sâu xa hơn là nâng cao nhận thức số, kỹ năng số cơ bản, từ đó giúp người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, lao động phổ thông, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số tự tin hòa nhập vào xã hội số, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, học tập và làm việc trong môi trường số.
Đồng Tháp đã và đang có nhiều mô hình sáng tạo, trong đó lực lượng thanh niên, phụ nữ, đặc biệt là các đoàn viên, sinh viên tình nguyện, đã trở thành hạt nhân chính trong công cuộc “xóa mù công nghệ”, như: Ngày hội thanh niên chuyển đổi số; Tổ công nghệ số cộng đồng, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số, vận động và hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số phục vụ tiện ích cuộc sống hằng ngày.
Tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh, những ngày qua, đoàn viên, thanh niên, đội ngũ sinh viên tình nguyện và hội viên phụ nữ đã nhiệt tình hướng dẫn người dân thiết lập tài khoản định danh điện tử, cài đặt chữ ký số cá nhân phục vụ giao dịch số và các tiện ích khác trên điện thoại thông minh.
Theo kế hoạch năm 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Thuận Bình tổ chức 3 cụm tuyên truyền, hướng dẫn chị em hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào “BDHV số” với trên 150 hội viên, phụ nữ tham gia. Tại các buổi tuyên truyền, hội viên phụ nữ được hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, tích hợp các tính năng mới, thực hiện dịch vụ công trực tuyến…. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Bình Lưu Thị Thúy Hằng cho biết, thực hiện phong trào “BDHV số” không chỉ là nhiệm vụ nhất thời, mà là nội dung xuyên suốt trong công tác Hội năm 2025 và những năm tiếp theo.
Gắn với chủ đề năm 2025 “Phát huy vai trò phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới”, Hội chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Hội và đời sống thường ngày. Đồng thời, Hội phối hợp ngành Công an xã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào “BDHV số”.
Từ sự hỗ trợ này, người dân có thể thanh toán tiền điện, tiền nước qua app, đăng ký khám bệnh online, thực hiện thủ tục hành chính qua mạng… và dần cảm nhận được chuyển đổi số không phải là điều xa lạ, mà là công cụ thiết thực, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (xã Tân Thuận Bình) nói: Thời gian gần đây, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, nhiều thủ tục đã và đang dần chuyển sang thực hiện qua mạng, bằng điện thoại. Với người trẻ thì khá đơn giản nhưng với người lớn tuổi là cả vấn đề. Phong trào “BDHV số” giúp người dân làm quen và sử dụng công nghệ để thực hiện các thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian tối đa.
Phong trào “BDHV số” không chỉ mang ý nghĩa giáo dục, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi mỗi người dân làm chủ công nghệ, xã hội sẽ tiến nhanh hơn trên con đường hiện đại hóa. Từ tinh thần “BDHV” năm xưa đến “BDHV số” hôm nay, Đồng Tháp đã và đang viết tiếp một hành trình đáng tự hào với là mục tiêu trọng tâm trong phát triển xã hội số bền vững, khẳng định niềm tin và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
LÊ PHƯƠNG