Thứ Tư, 23/07/2025, 09:25 (GMT+7)
.

Đồng Tháp vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Với sự tập trung đồng bộ, quyết liệt cùng tinh thần trách nhiệm cao, đến thời điểm này, việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cơ bản thông suốt. Tỉnh cũng đang tập trung quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên trong năm 2025. 

100% XÃ, PHƯỜNG VẬN HÀNH THÔNG SUỐT

Theo đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đến nay, 102 xã, phường của tỉnh sau sắp xếp đã đi vào vận hành cơ bản thông suốt. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên đi kiểm tra cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế. Trên cơ sở đó sẽ giải quyết ngay những vấn đề khó khăn phát sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mỹ Hiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mỹ Hiệp.

Về mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng mô hình chuẩn, tốt để người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi, nhanh chóng tại các đơn vị. Tỉnh đang xây dựng khung toàn trình về chuyển đổi số của tỉnh; trong đó, đẩy mạnh chương trình dịch vụ công chủ động, người dân sẽ thực hiện các thủ tục hành chính công tại nhà.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có những biện pháp chủ động, quyết liệt thúc đẩy bình dân học vụ số, nâng cao chuyển đổi số cho người dân. Về bộ máy, hiện tỉnh Đồng Tháp còn khoảng 200 vị trí đang thiếu.

Hiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, quyết tâm trong tháng 7-2025 phải bổ sung nhân sự cho các vị trí còn thiếu ở các xã để đảm bảo hoạt động công việc chung, thông suốt, phục vụ tốt người dân. Về tổ chức Đại hội Đảng các cấp, đối với cấp xã, Đồng Tháp cố gắng phấn đấu hoàn thành trước 10 ngày so với tiến độ Trung ương yêu cầu. Cấp tỉnh sẽ tập trung tổ chức Đại hội vào cuối tháng 9-2025 nếu chuẩn bị đầy đủ và được Trung ương cho phép.

Cũng theo đồng chí Lê Quốc Phong, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Đồng Tháp đạt 7,2%. Thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao là đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên, tỉnh đã xây dựng kịch bản cho thời gian còn lại với tinh thần quyết liệt để thực hiện mục tiêu này.

Mỹ Hiệp là xã được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã Mỹ Long, Mỹ Hiệp và Hòa Bình. Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo triển khai kịp thời các văn bản của cấp ủy cấp trên về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo thông suốt, hiệu quả.

Tại buổi làm việc với xã Mỹ Hiệp vào chiều ngày 21-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần chuyển đổi từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính kiến tạo, phục vụ; có hướng dẫn, phát động phong trào, xây dựng quy hoạch, kế hoạch…; xây dựng thể chế, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách. Thủ tướng nhấn mạnh, nền hành chính bây giờ là phục vụ nhân dân nên phải đi theo và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Người dân có gì cần thì cán bộ, công chức phải hướng dẫn với thái độ vui vẻ, cầu thị, lắng nghe, tránh tình trạng “hách dịch”; làm sao để người dân sử dụng thành thạo điện thoại di động, vừa khai thác điện thoại hiệu quả vừa giúp kết nối với chính quyền; sử dụng đội ngũ sinh viên nghỉ hè tại địa phương, học sinh phổ thông… thành thạo về công nghệ thông tin để tư vấn cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị cần thiết làm sao đảm bảo yêu cầu làm việc. Xã cần tập trung chuyển đổi số; triển khai tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng; giải quyết thủ tục hành chính phải nhanh gọn, thông thoáng.

Đảng bộ, chính quyền xã phải đoàn kết, thống nhất, lắng nghe, cầu thị; lãnh đạo xã phải là trung tâm đoàn kết. Lãnh đạo xã phải gần dân, sát dân, vì dân; tích cực đi cơ sở, gần dân, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; những gì phát sinh mới phải khẩn trương xử lý theo thẩm quyền; hết sức năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng phù hợp với tình hình của xã.

Thủ tướng lưu ý xã cần tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ; khuyến khích, động viên nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất; tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần cùng cả nước tăng trưởng từ 8,3 - 8,5% trong năm 2025. Đồng thời, phải bảo đảm an sinh xã hội, không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng tới đời sống nhân dân; chăm lo y tế, giáo dục, văn hóa…

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ TUYẾN GIAO THÔNG “HUYẾT MẠCH”

Cùng với việc tập trung vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả, thông suốt, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Đồng Tháp cũng đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế công trường Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 tại nút giao đường tỉnh 850 (giao giữa Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2).
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế công trường Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 tại nút giao đường tỉnh 850 (giao giữa Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2).

Trong đó, Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 là một trong những dự án trọng điểm mà tỉnh đang triển khai. Tuyến đường “huyết mạch” này không những góp phần chia lửa cho tuyến Quốc lộ 30 đang bị quá tải, giúp kết nối giao thông nội tỉnh, mà còn kết nối giao thông liên tỉnh.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 769/QĐ-TTg ngày 24-6-2022 và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định 1640/QĐ-TTg ngày 19-12-2023. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 7.496 tỷ đồng, bao gồm 2 dự án thành phần. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.

Theo đó, Dự án thành phần 1 có chiều dài khoảng 16 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 11,45 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng. Dự án thành phần 1 được khởi công ngày 25-6-2023, gồm 16 gói thầu.

Nhà thầu thi công đã huy động hơn 300 kỹ sư và công nhân, trên 140 đầu thiết bị để tổ chức thi công. Phần đường đang đắp cát gia tải lớp 2 được 13,15/13,15 km. Riêng phần cầu sẽ xây dựng 19 cầu, với tổng chiều dài 2,6 km. Đến hết tháng 8-2025, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ phần cầu. Giá trị thực hiện đến nay đạt 65,2%.

Dự án thành phần 2 được triển khai thi công xây dựng vào ngày 27-8-2024. Lũy kế giải ngân của dự án đến nay là 2.338 tỷ đồng/2.941 tỷ đồng, đạt 79,49%. Hiện liên danh nhà thầu thi công đang triển khai 40 mũi thi công. Đối với phần tuyến, các nhà thầu đang thi công đường công vụ, đắp cát hoàn trả, cắm bấc thấm và đắp gia tải xử lý đất yếu.

Đối với thi công phần cầu, các nhà thầu tiếp tục đóng cọc thử, đóng cọc đại trà, thi công kết cấu phần dưới, sản xuất dầm, lao lắp dầm; thi công dầm sàn liên tục (xử lý đất yếu bằng giải pháp công trình). Giá trị thi công hoàn thành đến ngày 20-7 đạt khoảng 944,83 tỷ đồng/2.368 tỷ đồng, tỷ lệ 39,9% giá trị xây lắp.

Tại chuyến kiểm tra vào chiều ngày 21-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đến ngày 19-12-2025, phải thông xe kỹ thuật Dự án thành phần 1 và ngày 30-4-2026 thông xe kỹ thuật Dự án thành phần 2. Đối với kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp về việc bổ sung vốn cho dự án, Thủ tướng thống nhất bổ sung 500 tỷ đồng cho Dự án thành phần 1 trong năm 2025 và 1.500 tỷ đồng để đưa Dự án thành phần 2 thông xe kỹ thuật vào dịp ngày 30-4-2026.

Về kiến nghị hỗ trợ nguồn cung đá cho dự án, Thủ tướng đồng ý mở rộng trữ lượng khai thác mỏ đá tại tỉnh An Giang để cung cấp cho dự án. Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư cùng các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Tỉnh Đồng Tháp cũng đề xuất Chính phủ về việc triển khai giai đoạn 2 của dự án.

M. THÀNH 
 

.
.
.