Thứ Sáu, 18/07/2025, 12:16 (GMT+7)
.

Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành hành động "tự giác", "tự nguyện"

Trong mọi giai đoạn cách mạng, tiết kiệm luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là quốc sách hàng đầu. Vừa qua, trong bài viết “Thực hành tiết kiệm”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh “đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”. Để làm được điều đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. 

“HÒN ĐÁ TẢNG” XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI VĂN MINH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, lối sống tiết kiệm, giản dị luôn được đề cao và trân trọng: “Nên ăn có chừng, nên dùng có mực”… Những lời dạy mộc mạc ấy không chỉ phản ánh kinh nghiệm sống quý báu của cha ông, mà còn gửi gắm bài học sâu sắc về lối sống tiết kiệm trong cuộc sống hằng ngày; đồng thời, còn là một nét đẹp văn hóa - yếu tố góp phần làm nên sức mạnh nội lực dân tộc, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, thử thách.

Chính vì thế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là điều cần làm trong cuộc sống của từng cá nhân và toàn xã hội, là “hòn đá tảng” góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững”.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: nhandan.vn
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: nhandan.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực về thực hành tiết kiệm. Lúc sinh thời, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu được Hồ Chí Minh rất quan tâm và là quan điểm tư tưởng lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng.

Người đã nhiều lần giải thích rõ về tiết kiệm để mọi người hiểu cho đúng, để thực hiện cho tốt: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi…; Tiết kiệm không phải là bủn xỉn... Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm…”. Cho đến khi trước lúc đi xa, Người vẫn không quên căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Thực hiện lời dạy của Người, trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự đi đầu nêu gương của Người và những đồng chí lãnh đạo cách mạng, các cán bộ, đảng viên và mỗi người dân đã thực hiện tốt việc chi tiêu hợp lý, thực hành tiết kiệm, hy sinh mọi quyền lợi vật chất cá nhân để dồn sức với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, làm nên những thắng lợi vẻ vang, giải phóng đất nước. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, ban hành nhiều chỉ thị về vấn đề này, như: Chỉ thị 27, ngày 25-12-2023 của Bộ Chính trị khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị 05, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xác định rõ “Tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng… các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về:… cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”…

Đồng thời, cụ thể hóa thành những quy định của pháp luật như Luật Ngân sách nhà nước; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Đầu tư công; những quy định về đấu thầu, mua sắm công... là các hành lang pháp lý để thực hiện chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.

TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc đến vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm: “Các tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, đảng viên đã chú trọng thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao vai trò của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm”, “có hình thức xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, đảng viên chưa thực hiện đầy đủ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”…

Trung tâm Phục vụ hành chính công của chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả, giải quyết thủ thục hành chính cho doanh nghiệp và người dân.
Trung tâm Phục vụ hành chính công của chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả, giải quyết thủ thục hành chính cho doanh nghiệp và người dân.

Do đó, thực hành tiết kiệm, siết chặt chi tiêu ngân sách, chống lãng phí không chỉ là chủ trương lớn, mà còn là thông điệp, mệnh lệnh mang tính cấp thiết của người đứng đầu Đảng ta trong bối cảnh hiện nay.

Đây là yêu cầu trực tiếp đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong quản lý và sử dụng nguồn lực công phải công khai, minh bạch, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là hết sức quan trọng.

Để từng bước hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu công, Đảng, Nhà nước và tỉnh ta đã đề ra những chủ trương, chính sách hết sức cụ thể trong việc thực hiện chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm.

Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tiết kiệm chi thường xuyên… Điển hình từ việc Đảng ta triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cũng là một cách để thực hành tiết kiệm, dồn nguồn lực cho đầu tư phát triển; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị triển khai sáp nhập các cơ quan, đơn vị, sáp nhập các phòng, ban, tinh giản biên chế để phát huy tối đa nguồn nhân lực trong thực hiện nhiệm vụ, thực hành tiết kiệm nguồn chi phí chi trả của ngân sách.

Theo tính toán sơ bộ, riêng khoản tiết kiệm chi thường xuyên hằng năm của ngân sách nhà nước giai đoạn 2025 - 2030 là hơn 20.000 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2030 trở đi mỗi năm tiết kiệm trên 30.000 tỷ đồng; chưa tính giá trị cụ thể của hơn 18.500 trụ sở các cơ quan, đơn vị không còn chức năng “công sở” sau sắp xếp cũng mở ra nhiều cơ hội tận dụng tài sản công, tránh lãng phí. Đây chính là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi được triển khai một cách nghiêm túc, bài bản và có lộ trình cụ thể.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong thực hiện việc này, như: Các chủ trương, chính sách tiết kiệm chưa thật sự phát huy hiệu quả; thực hành tiết kiệm chưa thành nền nếp thường xuyên; tiết kiệm chưa trở thành ý thức thường trực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân…

Chính vì thế, trong giai đoạn cách mạng mới - bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của đất nước, yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng trở nên cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược. Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần thống nhất nhận thức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai mạnh mẽ các giải pháp căn bản nhằm tạo chuyển biến thực chất trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt là xây dựng văn hóa tiết kiệm; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.

Đồng thời, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tấm gương cán bộ, chiến sĩ, người dân có những sáng kiến trong công tác, phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hành tiết kiệm, có hình thức xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, đảng viên chưa thực hiện đầy đủ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lấy đây là một trong những giải pháp căn cơ góp phần xây dựng văn hóa tiết kiệm…

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm là một tuyên ngôn mạnh mẽ, mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa; kim chỉ nam về chính sách; đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao. Tuy nhiên, để mệnh lệnh đó thực sự thấm sâu vào thực tiễn, đòi hỏi có sự kết hợp đồng bộ, thống nhất nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, nhất là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của bộ máy công quyền.

Từ đó, góp phần hiện thực hóa tinh thần “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trở thành một phần của văn hóa ứng xử, thói quen sinh hoạt và lối sống trong xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững của tỉnh ta nói riêng và của đất nước nói chung.

HẢI ĐĂNG 
 

.
.
.