Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ Quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
(ABO) Chiều 24-7, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức Phiên họp thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Phiên họp do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì tại điểm cầu Chính phủ và trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Dự Phiên họp thứ nhất tại điểm cầu Chính phủ còn có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Trần Đức Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia...
Thời gian qua, thiên tai diễn biến thất thường gây thiệt hại lớn về người và kinh tế do thiên tai gây ra. Năm 2024, thiên tai đã làm 519 người chết, mất tích (gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và 2,5 lần trung bình 10 năm từ 2014 - 2023); 2.212 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng (gấp hơn 9,8 lần so với năm 2023 và 4,3 lần trung bình 10 năm từ 2014 - 2023).
Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, các bộ, ngành, địa phương đã điều động 1.105.639 lượt người/58.754 lượt phương tiện tham gia ứng phó, xử lý 9.159 vụ, cứu được 7.079 người và 735 phương tiện; dập cháy 1.873 nhà xưởng và 3.292 ha rừng; hỗ trợ di dời 110.447 hộ dân/421.594 nhân khẩu tới nơi an toàn; kêu gọi, thông báo cho 795.930 phương tiện/4.850.620 người biết thông tin, diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời di chuyển, vòng tránh, neo đậu vào nơi an toàn.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, nhất là sau cơn bão số 3, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp. |
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân đồng loạt triển khai các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng thiên tai. Chủ trì họp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, huy động nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là bão số 3 và mưa lũ sau bão, bao gồm 5.530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024; 1.052 tấn gạo, 629 tấn hạt giống các loại, 90.000 lít hóa chất khử trùng. Huy động 2.675 tỷ đồng ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhiều hiện vật để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng do bão số 3.
Sau bão số 3 Yagi và mưa lũ sau bão, các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ đã hỗ trợ trên 25 triệu USD cho Việt Nam, trong đó 16,7 triệu USD thông qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trực tiếp tiếp nhận 222 tấn hàng cứu trợ (giá trị 2,3 triệu USD) từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và được vận chuyển ngay đến các địa phương để kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân người bị nạn, đặc biệt là thân nhân gia đình có người thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 tại vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và do mưa bão, lũ lụt cũng như những mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản của bà con tỉnh Nghệ An những ngày qua.
Theo Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức Phiên họp thứ nhất để bàn về một trong những nội dung rất quan trọng là triển khai phòng, chống thiên tai. Phòng, chống thiên tai là hoạt động phòng thủ đặc biệt vì đặc thù địa hình nước ta có diện tích trải dài phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai. Tác động biến đổi khí hậu khiến thời tiết thiên tai ngày càng cực đoan, khó dự đoán. Thời gian qua các cấp, các ngành đã nỗ lực thực hiện công tác dự báo, ứng phó, thông tin tuyên truyền về phòng, chống thiên tai. Thủ tướng cũng nhắc nhở công tác thông tin, công tác báo cáo và ứng phó kịp thời vì tính mạng, tài sản của nhân dân trong các trường hợp cấp bách, đột xuất, bất ngờ.
Cùng với đó các đại biểu tham dự hội nghị phải thảo luận, trao đổi công tác phân công, phân định nhiệm vụ tham mưu công tác phòng, chống thiên tai tới đây; phân công cho các đồng chí giúp việc theo tinh thần “6 rõ” để kiểm điểm đánh giá, sát tình hình thực tế. Công tác phối hợp giữa việc Bộ Quốc phòng chủ trì và Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong triển khai thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự sao cho kịp thời, đạt kết quả tốt nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong hoạt động phòng thủ dân sự thì phải tuân thủ nguyên tắc “ba phải”: Phòng thủ từ sớm, từ xa từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tỉnh sáng suốt kịp thời phù hợp an toàn, hiệu quả; khắc phục phải chung tay cơ bản toàn diện, toàn dân và toàn phần. Thủ tướng cũng cho biết, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vẫn còn một số tồn tại như thiệt hại về người vẫn rất lớn, đó là nỗi đau của chúng ta.
Công tác dự báo, cảnh báo và truyền thông còn một số bất cập chưa kịp thời. Sự chủ quan của người dân là rất lơ là, như người dân chưa thấy sự đe dọa tính mạng của mình thì còn rất bình tĩnh, nhất là đi làm trên biển và các vị trí xung yếu. Hạ tầng phòng, chống lụt bão, giao thông, viễn thông vẫn còn nhiều hạn chế. Trang thiết bị phòng, chống thiên tai cứu nạn, cứu hộ còn thiếu, còn thô sơ, chưa có nhiều kinh nghiệm...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm như: Cần làm tốt hơn nữa công tác cảnh báo dự báo tình hình, công tác phân tích tình hình; khi ứng phó phải bình tĩnh bám sát thực tiễn tình hình khi quyết định phải cẩn trọng; khi quyết định tình hình phải coi trọng tính mạng của người dân là trên hết, phải kiên quyết cưỡng chế di dời đảm bảo an toàn cho người dân. Phải chuyển đổi tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó linh hoạt kịp thời, khắc phục hiệu quả cụ thể lấy con người làm trung tâm, chủ thể; xây dựng xã, phường đặc khu là pháo đài; quản lý rủi ro thiên tai là trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội.
Các cơ quan tiếp tục hoàn thiện thể chế trong tình hình mới; đột phá năng lực dự báo, ứng phó và khắc phục hậu quả, tập trung vào các hạ tầng cần thiết để có đủ công cụ và điều kiện để đánh giá phù hợp và có giải pháp hiệu quả. Xã, phường, đặc khu là “pháo đài”, người dân là trung tâm thì công tác “4 tại chỗ” phải thực hiện cho hiệu quả. Phải hoàn thiện bộ máy phòng thủ dân sự quốc gia từ trung ương đến địa phương. Lãnh đạo các cấp, bộ ngành trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên kiểm tra đôn đốc triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các hoạt động phòng thủ dân sự, không để bị động bất ngờ, không để gián đoạn chỉ đạo, lãnh đạo.
C.THẮNG