Vững tin vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã vươn tới những chiến thắng vĩ đại, nâng tầm vị thế, vai trò, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Kỷ nguyên mới, bối cảnh mới có cả những thời cơ lẫn khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ.
“SẮP XẾP LẠI GIANG SƠN” BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI
Xây dựng Đảng là vấn đề vừa cấp bách, vừa chiến lược, luôn được ưu tiên hàng đầu quyết định đến sự tồn vong của chế độ. Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII đến Đại hội XIII, rồi các hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tất cả đều cho thấy Đảng không né tránh khuyết điểm, càng không chối bỏ thách thức.
![]() |
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã bàn và quyết nghị về công tác xây dựng Đảng vừa cơ bản, lâu dài vừa tập trung trọng tâm, cấp bách và hợp lòng dân. Ảnh: Tư liệu |
Đảng thẳng thắn nhận ra những biểu hiện “suy thoái về tư tưởng chính trị”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và coi đó là hiểm họa nội sinh cần được khắc phục mạnh mẽ. Quyết tâm “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch” không chỉ dừng lại ở chủ trương, quan điểm, mà đã được khẳng định ngay trong thực tiễn.
Chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng, xử lý nghiêm các vụ án lớn để làm gương; đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới được thực hiện triệt để, dứt khoát, minh bạch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta.
Song song với công tác xây dựng Đảng toàn diện là quyết tâm tinh gọn hệ thống chính trị hướng tới Đại hội XIV của Đảng vào năm 2026 đưa đất nước tiến sâu vào kỷ nguyên mới. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đây là cuộc cách mạng rất hệ trọng, có tính lịch sử, không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ, mà còn phân cấp, phân quyền, bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ nguồn lực và tạo không gian phát triển cho các vùng, địa phương. 2 nhiệm vụ quan trọng quyết định thành công hay thất bại của việc chúng ta cất cánh và đạt được những mục tiêu trong kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc.
Đúng như tinh thần Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã chỉ ra, đó là cần phải “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng...; xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới công tác cán bộ, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18 ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, công tác sáp nhập đơn vị hành chính, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp được xem là bước “sắp xếp lại giang sơn” để đất nước bước vào giai đoạn mới.
Từ cấp Trung ương đến địa phương, hàng loạt đơn vị hành chính được sáp nhập, hàng ngàn đầu mối được tổ chức lại, nhiều cán bộ, công chức chủ động nghỉ chế độ, chuyển đổi vị trí công tác. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, “từ năm 2017 đến nay, cả nước đã giảm được 13 sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương tại các địa phương, cùng với việc giảm hơn 16.000 biên chế công chức, viên chức”.
Theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đã thông qua vào sáng 12-6, nước ta chính thức hoàn thành nhiệm vụ sáp nhập các tỉnh, thành phố. Theo đó, từ sau ngày 12-6-2025, nước ta giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố và bắt đầu hoàn thành tổ chức, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, chính thức đưa vào hoạt động cấp tỉnh, cấp xã từ 1-7-2025. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc cách mạng tinh gọn chính quyền địa phương. Một bộ máy hành chính tinh gọn hơn, linh hoạt hơn được kỳ vọng sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển quốc gia trong kỷ nguyên mới.
“KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ” XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG
Càng đến gần Đại hội XIV, công tác xây dựng Đảng càng phải được đẩy mạnh toàn diện vừa bảo đảm lựa chọn nhân sự tài - đức vẹn toàn vừa là cơ sở đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
![]() |
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: nhandan.vn |
Công tác nhân sự Đại hội XIV được tiến hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch và trên cơ sở các quy định cụ thể, thống nhất. Điều này được thể hiện rõ nét qua phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Không để cơ quan nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém”. Phát biểu trên không chỉ là định hướng, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của Đảng về việc kiên quyết loại bỏ những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất khỏi hàng ngũ lãnh đạo. Sự nghiêm khắc trong công tác cán bộ chính là yếu tố cốt lõi giữ vững niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhất là trong bối cảnh một số cán bộ cấp cao bị xử lý vì vi phạm thời gian qua.
Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam cần có sự hội tụ mẫu mực, tiên phong cả về đức, tâm, tầm, trí, lực, để hoàn thành xuất sắc trọng trách được lịch sử giao phó. Đảng xác định sẽ “kiên quyết, kiên trì” đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên mọi bình diện và ngày càng đi vào chiều sâu bằng nội dung, hình thức, phương pháp đồng bộ, khoa học, sát thực với yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; thường xuyên tăng cường sức mạnh, hiệu lực lãnh đạo, cầm quyền của hệ thống tổ chức Đảng các cấp trong sạch, vững mạnh toàn diện theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao; chú trọng xây dựng Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”, hội tụ sâu sắc hệ giá trị văn hiến dân tộc và văn minh nhân loại; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Công tác tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống hiệu quả “từ sớm, từ xa” những “căn bệnh” nảy sinh trong điều kiện Đảng cầm quyền cũng được Đảng chú trọng bằng cách hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả thể chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; làm tốt công tác kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thường xuyên tiến hành công khai, minh bạch và tổ chức giải trình khi có sự việc; quyết liệt và sẵn sàng đưa ra ánh sáng những tập thể, cá nhân vi phạm trên tinh thần “không có vùng cấm” cũng như ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chỉ hơn 1 năm gần đây, đã có hàng trăm cán bộ, trong đó có cả những đồng chí thuộc diện Trung ương, Ban Bí thư quản lý, đã bị xử lý kỷ luật nghiêm minh. Đây là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm chính trị rất cao, hành động nhất quán và không có vùng cấm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo kiên định của Đảng.
Càng đến gần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, các thế lực thù địch sẽ càng gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, nhất là công tác nhân sự với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm và có chủ đích rõ ràng.
Nhưng những kết quả trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua đã trở thành cơ sở thực tiễn khách quan, rõ ràng nhất để cán bộ, đảng viên và nhân dân đấu tranh, vạch trần những thủ đoạn chống phá đó. Củng cố và lan tỏa niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng là yếu tố quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước.
Hơn 95 năm qua đã khẳng định chân lý, Đảng Cộng sản Việt Nam là Người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đại hội XIV sẽ đánh dấu cột mốc mới trong lịch sử phát triển của dân tộc; đồng thời, đặt ra những yêu cầu cao đối với sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, công tác xây dựng Đảng và tinh gọn bộ máy hành chính sẽ là vấn đề cốt lõi quyết định thành công trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
LÊ MINH DŨNG