Thứ Tư, 18/02/2015, 23:56 (GMT+7)
.

Huyện Chợ Gạo: Hiệu quả từ mô hình "Một cửa điện tử "

Cách đây 1 năm, khi chia sẻ về những thành quả hoạt động của huyện, ông Ngô Hữu Thệ, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết: “Huyện đang triển khai thực hiện những hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa. Trong đó, một trong những nét mới mang tính ưu việt là mô hình “Một cửa điện tử”.

Với mô hình này, người dân đến làm các thủ tục hành chính chỉ cần nộp hồ sơ tại một cửa giao dịch và nhận kết quả cũng tại cửa giao dịch đó. Ngoài ra, người dân cũng có thể biết tình trạng hồ sơ của mình chỉ với vài cái nhấp chuột trên máy tính hoặc một tin nhắn trên điện thoại…”.

Sau một năm, mô hình “Một cửa điện tử” đã hoạt động và đi vào quỹ đạo. Tuy chỉ mới triển khai được trên các lĩnh vực: Đất đai, nhà ở và xây dựng (trong đó, chủ yếu là đất đai), nhưng bước đầu  mô hình được đánh giá là hiệu quả, người dân rất đồng tình.

Ông Ngô Hữu Thệ, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo chia sẻ: “Tuy mới đưa vào ứng dụng không lâu nhưng hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn nâng lên rất nhiều. Hay nhất là bất cứ lúc nào lãnh đạo huyện, xã cũng có thể kiểm tra tiến độ hoạt động của các bộ phận có liên quan từ xã đến huyện, tránh được tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu làm chậm tiến độ giải quyết hồ sơ của người dân”.

Ông Đặng Thái Hòa, Phó Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “Năm 2013, UBND huyện đã phối hợp với Viễn thông Tiền Giang thiết kế, xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ “Một cửa điện tử” trên các lĩnh vực: Đất đai, nhà ở và xây dựng. Đến tháng 12-2013, huyện đã đưa vào vận hành chính thức, sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ liên thông trên 3 lĩnh vực này.

Với mô hình này, người dân chỉ nộp và nhận hồ sơ ở một nơi và có thể theo dõi hồ sơ của mình đã được giải quyết đến đâu, bao giờ có thể nhận lại. Đặc biệt hơn, khi trả kết quả qua hệ thống một cửa điện tử, các nơi đều có nhắn tin đến tổ chức, công dân về kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Cái hay nhất là mô hình được triển khai đồng bộ từ xã đến huyện nên ở đâu người dân của huyện cũng được thụ hưởng hiệu quả của mô hình”.

Hiện nay các cơ quan hành chính, đơn vị có liên quan, xã, thị trấn đã ứng dụng và giải quyết 100% hồ sơ theo cơ chế một cửa, đã đem lại kết quả tốt. Tất cả hồ sơ giải quyết liên thông đều giải quyết đúng theo quy trình. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận được giải quyết trong năm đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ trả trước hạn, đúng hạn nâng lên.

Trong năm 2014, tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua phần mềm quản lý hồ sơ “Một cửa điện tử” là 3.657 hồ sơ, bao gồm: lĩnh vực đất đai tiếp nhận 3.585 hồ sơ, giải quyết trả kết quả 3.585 hồ sơ (đạt 100%), trong đó có 2.996 hồ sơ trả trước hạn (chiếm 83,57%), đúng hạn 570 hồ sơ (chiếm 15,90%), trễ hạn 19 hồ sơ (chiếm 0,53%); lĩnh vực xây dựng nhận 72 hồ sơ, giải quyết và trả 72 hồ sơ (đạt 100%), trong đó có 67 hồ sơ được trả trước hạn.

Ông Lê Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình Điền nhận xét: “Từ khi thực hiện mô hình, người dân rất đồng tình do thời gian đi lại, giải quyết thủ tục giảm rất nhiều.

Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên liên quan có ý thức và trách nhiệm hơn; làm việc khoa học và hiệu quả hơn. Tình trạng chậm trễ hồ sơ được khắc phục (do phải tuân thủ các bước, quy trình qua phần mềm máy vi tính).

Đặc biệt, thông qua quy trình “một cửa điện tử” lãnh đạo xã sẽ giám sát được hoạt động của các bộ phận xem công việc đến đâu, vướng mắc chỗ nào để có chỉ đạo giải quyết kịp thời, tránh việc trễ hạn giao trả hồ sơ, gây phiền hà cho người dân”.

Theo đánh giá của các xã, hiệu quả nổi bật của ứng dụng phần mềm đó là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn thuận lợi kiểm tra, kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ theo quy trình, nắm bắt được việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ở các lĩnh vực.

Việc kiểm tra này sẽ được thực hiện đối với tất cả cán bộ, công chức và bất kỳ thời gian nào. Từ đó, lãnh đạo còn kiểm tra được ý thức chấp hành, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn và việc chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, phần mềm “một cửa điện tử” còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, công dân có thể tra cứu hồ sơ, theo dõi kiểm tra được các bước thực hiện trong quá trình xử lý hồ sơ của từng cán bộ, công chức, viên chức đã được phân công công việc trong giải quyết thủ tục hành chính của từng cơ quan, đơn vị (từ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đến lãnh đạo UBND huyện), qua đó có thể giảm được kinh phí, thời gian đi lại của người dân và của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra quy trình giải quyết hồ sơ ở cơ sở mà vẫn bảo đảm kiểm soát được quy trình.

Đặc biệt, mô hình này còn góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc; công khai, minh bạch hồ sơ, quy trình, thời gian giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân và giảm thời gian ghi chép sổ sách của cán bộ tiếp nhận và trả kết quả cấp xã so với trước.

Ông Đặng Thái Hòa cho biết thêm: Từ những hiệu quả này, huyện sẽ tiếp tục hoàn chỉnh việc xây dựng và ứng dụng phần mềm “một cửa điện tử”. Năm 2015, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng của huyện đưa các thủ tục hành chính còn lại (các thủ tục hành chính đã được công bố theo quy định của Đề án 30) vào phần mềm “Một cửa điện tử”.

MINH CHÂU

.
.
.