Thứ Hai, 06/12/2021, 10:06 (GMT+7)
.

Tiền Giang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Qua thời gian triển khai Kế hoạch 179 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt kết quả tích cực. Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) vừa để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần minh bạch trong thanh toán, chống tham nhũng, tiêu cực.

KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Từ năm 2019, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được các tổ chức tín dụng chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh; hệ thống ATM, POS tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng.

Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 240 máy ATM và 737 điểm giao dịch chấp nhận thanh toán qua POS, với tổng số thẻ các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã phát hành là 945.515; 22/28 ngân hàng tham gia thực hiện thanh toán một số hình thức dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng. Tổng số giao dịch hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2019 đã tăng trên 260.000 giao dịch, với tổng giá trị giao dịch gần 2.300 tỷ đồng.

Tiền Giang thúc đẩy TTKDTM trong khu vực dịch vụ hành chính công.
Tiền Giang thúc đẩy TTKDTM trong khu vực dịch vụ hành chính công.

Theo đó, năm 2020, tỉnh Tiền Giang đã phấn đấu đạt được các mục tiêu: Đối với dịch vụ thu ngân sách nhà nước: 80% giao dịch nộp thuế thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước (KBNN) Tiền Giang, KBNN các huyện, thành, thị có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước.

Qua thực tế triển khai các giải pháp thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (TĐKDTM) đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi; đồng thời, góp phần nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sau thời gian triển khai, đến nay, tỷ lệ khách hàng thanh toán TĐKDTM trên địa bàn tỉnh đã đạt 97%, tương ứng với 590.000 khách hàng trong tổng số trên 650.000 khách hàng sử dụng điện.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang (viết tắt Công ty) Nguyễn Trung Trí cho biết: “Công ty đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến khách hàng về lợi ích của việc thanh toán TĐKDMT trên các kênh truyền thông, nhắn tin quảng bá cho khách hàng, nhằm thay đổi nhận thức, thói quen không dùng tiền mặt. Phân loại nhóm khách hàng để đưa ra các giải pháp và định hướng phù hợp, nhằm tăng tỷ lệ thanh toán cho từng nhóm đối tượng khách hàng.

Công ty đã triển khai hợp tác với 11 ngân hàng và 8 tổ chức trung gian thu hộ tiền điện, với đa dạng các hình thức như: Trích nợ tự động, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi, qua thẻ ATM, Mobile Banking, Internet Banking, website và ví điện tử của các ngân hàng. Bên cạnh đó, để khuyến khích khách hàng, Công ty đã tiến hành các hoạt động: Trao quà là thiết bị điện cho các khách hàng tiên phong tham gia thực hiện sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức Chương trình “Cài app ngay, quà liền tay”… Qua đó, có hơn 27% khách hàng cài APP chăm sóc khách hàng của Công ty trên điện thoại”.

Thông qua các hoạt động trên, Công ty vừa lồng ghép việc tuyên truyền, khuyến khích, vận động các khách hàng sử dụng công nghệ thanh toán tiền điện và các dịch vụ khác không dùng tiền mặt (KDTM); đồng thời, khẳng định các hoạt động của ngành Điện luôn hướng đến lợi ích cộng đồng, đem lại những tiện ích cho khách hàng và nâng cao năng suất lao động, nâng cao tính minh bạch của ngành Điện, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh được Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao.

Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước: Công ty TNHH MTV Cấp nước tỉnh Tiền Giang kết nối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí: 100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 80% sinh viên các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng. Dịch vụ thanh toán viện phí, chi trả an sinh xã hội cũng từng bước được thực hiện qua ngân hàng.

XU THẾ TẤT YẾU

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Thủ tướng vừa ký Quyết định 1813 phê duyệt Đề án Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu cụ thể, đến cuối năm 2025 giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm.

Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20% - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50%  - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80% -100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35% - 40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Hình thức giao dịch Mobile Banking là một trong nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phổ biến hiện nay.
Hình thức giao dịch Mobile Banking là một trong nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phổ biến hiện nay.

Tại Tiền Giang, nhận thức rõ tiện ích của TTKDTM, hệ thống siêu thị, các cửa hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng làm quen và sử dụng các hình thức thanh toán hiện đại.

Cụ thể, Công ty Xăng dầu Tiền Giang vừa triển khai dịch vụ TTKDTM, với Chương trình: “Thanh toán thông minh - Lợi ích đồng hành”, được áp dụng công nghệ mới nhất về Thanh toán - Xác thực - Tích điểm nhanh gọn, thuận tiện và tự động hóa cao. Đây được coi là bước đột phá trong chiến lược phát triển thị trường, đem lại nhiều trải nghiệm và giá trị gia tăng cho khách hàng.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì việc phát triển TTKDTM là cần thiết, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hình thức thanh toán này hiện không chỉ quẹt thẻ, mà còn có nhiều hình thức khác, như quét mã QR, ví điện tử MoMo…

Thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ như: Điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp; triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Đồng thời, thúc đẩy TTKDTM trong khu vực dịch vụ hành chính công; tăng tỷ lệ chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu thông qua các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán di động thông qua tài khoản (thanh toán qua POS và các dịch vụ thanh toán hiện đại sử dụng ứng dụng QR Code…).

Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển TTKDTM gắn kết chặt chẽ với Đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Đồng thời, tăng cường cơ chế phối hợp, thúc đẩy TTKDTM, nhằm minh bạch hóa các giao dịch thanh toán, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số... để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

LÊ PHƯƠNG

.
.
Liên kết hữu ích
.