Thứ Hai, 21/10/2024, 10:13 (GMT+7)
.

Tiền Giang phấn đấu nâng hạng các chỉ số cải cách hành chính

Cải cách hành chính (CCHC) là mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của doanh nghiệp trong việc tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và các cơ quan hành chính Nhà nước.

Để đánh giá khách quan những nội dung trên, Chính phủ đã sử dụng các chỉ số đánh giá như Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Với mục tiêu tạo bước đột phá trong CCHC, hướng tới xây dựng chính quyền số, từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

ĐIỂM SÁNG TRONG CCHC

Năm 2023, Chỉ số PAR Index của tỉnh Tiền Giang đạt 85,77 điểm, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 3,19 điểm; tăng 3 bậc so với năm 2022); xếp vị trí 8/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này cho thấy, những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh CCHC của tỉnh đã từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, thực chất hơn.

Đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ phát biểu trong buổi làm việc tại Tiền Giang về công tác CCHC. Ảnh: LÊ Minh
Đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ phát biểu trong buổi làm việc tại Tiền Giang về công tác CCHC. Ảnh: LÊ Minh

Theo báo cáo của tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2024 đến ngày 17-9, Tiền Giang đã hoàn thành 67/144 nhiệm vụ CCHC được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao; đang thực hiện trong hạn 68 nhiệm vụ. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện được 14/53 nhiệm vụ trong Kế hoạch CCHC năm 2024 của tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 33 quyết định để công bố danh mục 1.052 TTHC, nâng tổng số TTHC của tỉnh hiện có lên 1.807 TTHC (trong đó cấp tỉnh 1.497, cấp huyện 218, cấp xã 92).

Tính đến ngày 31-8, các sở, ngành của tỉnh đã giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn đạt tỷ lệ trên 98%; cấp huyện trên 89%; cấp xã trên 99%. Đến nay, hồ sơ Đề án Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 đang được Bộ Nội vụ thẩm định và trình Chính phủ.

Cổng Dịch vụ công của tỉnh hiện cung cấp trên 1.800 TTHC, trong đó có 1.121 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 62,04% và 593 dịch vụ công trực tuyến một phần…

Đối với Chỉ số SIPAS của tỉnh Tiền Giang, năm 2023, SIPAS của tỉnh đạt 80,25%, xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố (tăng 3,69%; tăng 7 bậc so với năm 2022); xếp vị trí 10/13 các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả đánh giá các chỉ số trên cho thấy, quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh với tinh thần đổi mới, quyết liệt, thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Sự quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân không chỉ được thể hiện ở việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách mà qua đó đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các ngành, địa phương.

Nhiều giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả trên từng lĩnh vực, nhất là cải cách TTHC, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai đã phát huy hiệu quả.

Năm 2023 và trong 8 tháng năm 2024, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Tiền Giang vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; dự kiến cả năm 2024, GRDP tăng 6,15%. Các chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt.

Tiền Giang luôn được đánh giá là địa phương sớm bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án không chỉ tạo dư địa phát triển cho tỉnh, mà còn tạo động lực tăng trưởng cho cả vùng.

Trong công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Tiền Giang luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, hấp dẫn. Toàn tỉnh hiện có 6.115 doanh nghiệp (trong đó có 30 doanh nghiệp là công ty hợp danh, công ty luật) và 5.103 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp đang hoạt động.

Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh thu hút được 43 dự án đầu tư (có 17 dự án vốn đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 ngàn tỷ đồng. Trong 6 tháng năm 2024, tỉnh thu hút được 6 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.788 tỷ đồng; có 8 dự án đăng ký tăng vốn 1.292 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút 6 tháng năm 2024 đạt 8.080 tỷ đồng, tăng 4,15 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cho đến mỗi người dân, Tiền Giang đã có những bước tiến quan trọng trong CCHC, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.

QUYẾT LIỆT NÂNG CAO CHỈ SỐ CCHC

Bên cạnh những tiêu chí, tiêu chí thành phần đã tăng điểm, góp phần cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số CCHC, vẫn còn nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần giảm điểm. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người đứng đầu chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

Công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số cơ quan, đơn vị còn bị động, thiếu quyết liệt. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo kết nối liên thông tại một số lĩnh vực.

Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ khảo sát công tác CCHC tại huyện Cai Lậy. 	                                                                  	                                                                                                                                                  Ảnh: SỬU MINH
Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ khảo sát công tác CCHC tại huyện Cai Lậy. Ảnh: SỬU MINH

Bên cạnh đó, do điều kiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác số hóa dữ liệu còn hạn chế, thiết bị số hóa đã cũ. Nguồn nhân lực chuyên trách về chuyển đổi số có trình độ chuyên môn cao còn thiếu, nhất là nguồn nhân lực về an toàn thông tin, đa số cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện phải kiêm nhiệm các công tác khác. Việc đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên các thiết bị di động, máy tính còn nhiều thao tác, rườm rà…

Kết luận tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai công tác CCHC, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 trong 8 tháng năm 2024 và việc thực hiện các chỉ số, Chủ  tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ:

Tiếp tục phát huy và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các cấp. Người đứng đầu phải quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra đôn đốc, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật và chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong phân công giao việc phải đảm bảo: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả”. Chỉ đạo điều hành và tổ chức triển khai đồng bộ, linh hoạt, khoa học, bài bản, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, công chức, viên chức về “Chính quyền phục vụ nhân dân”, “Chính quyền đồng hành cùng nhân dân” biến thành hành động cụ thể. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền và phản biện xã hội. Các sở, ngành được giao tham mưu các chỉ số tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; đồng thời, chủ động, thường xuyên rà soát các công việc phải thực hiện để đạt mục tiêu đề ra.

Tập trung số hóa dữ liệu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ đối với các TTHC, bảo đảm cắt giảm tối đa giấy tờ, thời gian đi lại, chi phí thực hiện cho người dân, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC và thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày liên quan hoạt động của các ngành, các cấp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện các nhiệm vụ trên, nhất là các ngành, lĩnh vực chính này phải tăng cường công tác kiểm tra, chủ động tham mưu, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, tổ thanh tra, kiểm tra, nhất là thường xuyên kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; giám sát, phản biện xã hội về kết quả đánh giá, xác định các chỉ số PAR Index, SIPAS tại các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các cấp.

Quan tâm hơn việc thông tin, tuyên truyền chính sách cho người dân, đảm bảo người dân nắm bắt được các chính sách, từ đó tích cực tham gia giám sát, phản hồi ý kiến với chính quyền để nâng cao chất lượng chính sách, phục vụ người dân tốt hơn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia góp ý các chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích của người dân nhằm tăng cường sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở.

Triển khai và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ; giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thực chất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực; kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp với phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp với trách nhiệm cao, tin rằng trong thời gian tới, Chỉ số PAR Index của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Thông qua CCHC góp phần tạo động lực cho sự phát triển trong những năm tới, sớm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đưa Tiền Giang đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.