Thứ Hai, 25/11/2024, 09:39 (GMT+7)
.

Lan tỏa từ cuộc thi về cải cách hành chính

Cán bộ, công chức, viên chức là một mắt xích, chủ thể quan trọng trong quá trình cải cách hành chính (CCHC). Đội ngũ này có nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Chị Ngô Trần Bạch Loan, đoạt giải Nhất tuần thứ nhất của Cuộc thi.
Chị Ngô Trần Bạch Loan, đoạt giải Nhất tuần thứ nhất của Cuộc thi.

Do đó, để không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu công tác CCHC tỉnh Tiền Giang năm 2024 (gọi tắt là Cuộc thi). Cuộc thi do UBND tỉnh tổ chức trong bối cảnh toàn tỉnh đang nỗ lực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ CCHC gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) như: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; từ đó góp phần tác động, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi triển khai, xác định Cuộc thi là một sự kiện sinh hoạt rộng khắp, nên các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và 11/11 huyện, thị, thành đã quán triệt, đôn đốc trong toàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia.

Ban Tổ chức Cuộc thi đã xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm, nội dung liên quan đến các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác CCHC, về kết quả Chỉ số CCHC (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Thí sinh dự thi trả lời 40 câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm ứng dụng tích hợp trong website, App TiengiangS, trong thời gian tối đa 30 phút. Kết quả điểm thi trắc nghiệm được phần mềm chấm tự động và hiển thị ngay sau khi thí sinh hoàn thành phần thi.

Có thể khẳng định rằng, Cuộc thi được triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, tạo sức lan tỏa sâu rộng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra. Dù thời gian thi không dài nhưng Cuộc thi được tổ chức hằng tuần và diễn ra trong vòng 3 tuần. Thời gian tổ chức Cuộc thi chính thức từ ngày 4 đến hết ngày 24-11-2024.

Ngay trong tuần thứ nhất của Cuộc thi (từ ngày 4 đến ngày 10-11), có 6.048 bài dự thi, trong đó có 1.534 bài dự thi trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên, 7 thí sinh trả lời đúng 100% số câu hỏi (40/40 câu hỏi). Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có người tham gia dự thi.

Một số đơn vị có nhiều thí sinh tham gia Cuộc thi như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND TP. Mỹ Tho và các huyện Chợ Gạo, Cai Lậy, Tân Phước, Cái Bè.

Chị Ngô Trần Bạch Loan, thí sinh ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, đoạt giải Nhất tuần thứ nhất của Cuộc thi chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi tham gia Cuộc thi. Trước khi tham gia, tôi đã dành thời gian tìm hiểu, cũng như cập nhật các kiến thức mới.

Qua Cuộc thi, tôi nhận thấy công tác CCHC có tầm quan trọng lớn trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội. Cuộc thi cần được tổ chức nhiều lần hơn nữa để cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận, nắm rõ hơn các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng CCHC nhà nước của tỉnh; từ đó chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà trung ương và tỉnh đề ra…”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi UBND tỉnh phát động Cuộc thi, đội ngũ cán bộ, đảng viên và giáo viên ngành Giáo dục đã tích cực tham gia. Sở phân công cán bộ theo dõi, nắm số lượng người tham gia thi hằng tuần.

Đặc biệt, phát huy vai trò nêu gương, lãnh đạo trong cấp ủy luôn gương mẫu thi trước, từ đó phát huy tinh thần tự giác trong cán bộ, đảng viên, giáo viên, bởi Cuộc thi là hoạt động thiết thực, giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên nắm vững mục tiêu, nội dung, các nhiệm vụ CCHC, nêu cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cuộc thi không chỉ thể hiện ở số lượng hay dừng lại ở các giải thưởng, mà quan trọng là đã tạo nên một phong trào tìm hiểu về các nội dung liên quan đến công tác CCHC. Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chung tay xây dựng nền hành chính minh bạch, công khai, hiện đại...

P. MAI


 

.
.
.