.

Tiền Giang: Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Cập nhật: 16:47, 26/11/2024 (GMT+7)

Trong những năm qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; tập trung xây dựng chính quyền điện tử từ tỉnh đến cơ sở dần chuyển sang chính quyền số.

Từ đó, công tác ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Tiền Giang đạt được nhiều kết quả toàn diện, góp phần phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đặc biệt là trong cải cách hành chính (CCHC).

ĐẦY MẠNH ỨNG DỤNG CNTT

Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh Tiền Giang được kết nối, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, ngành và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật và Hệ thống cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp)…

Cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng CNTT trong công việc và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng CNTT trong công việc và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hệ thống được vận hành đáp ứng tiêu chí của hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình hoạt động. Cổng Dịch vụ công của tỉnh hiện cung cấp trên 1.800 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có 1.121 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 62,04% và 593 dịch vụ công trực tuyến một phần… Qua đó, tạo điều kiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến thuận lợi nhanh chóng.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh được trang bị máy tính; 100% các sở, ban, ngành đã xây dựng hệ thống mạng nội bộ LAN, 100% máy tính của các đơn vị kết nối Internet đường truyền tốc độ cao.

100% cơ quan đều thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi/đến trên phần mềm; 100% cơ quan thực hiện gửi nhận văn bản điện tử có ký số liên thông trên phần mềm. Đó là những con số ấn tượng của Tiền Giang trong ứng dụng CNTT vào thực hiện công vụ.

Tiền Giang còn tổ chức hiệu quả hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại cấp huyện, cấp xã; đồng thời, tiếp tục kiện toàn hoạt động Tổng đài Dịch vụ công 1022 tỉnh và hệ thống công nghệ hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn TTHC và quản lý, giám sát công tác giải quyết phản ánh kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp.

HIỆU QUẢ TỪ ỨNG DỤNG CNTT

Tính từ ngày 1-1-2024 đến ngày 30-8-2024, tỉnh Tiền Giang có gần 1,8 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận trên hệ thống, trong đó có trên 1.326.000 văn bản đến và 369.680 văn bản đi; tỷ lệ ký số trên phần mềm của tỉnh trên 97%. Hệ thống Cổng Dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.tiengiang.gov.vn cung cấp trên 1.800 TTHC, trong đó có 593 dịch vụ công trực tuyến một phần, đạt tỷ lệ 32,81%; 1.121 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 62,04% và 93 dịch vụ công cung cấp thông tin trực tuyến, đạt tỷ lệ  5,15%.

Hệ thống giám sát, điều hành an ninh trật tự của tỉnh Tiền Giang được tích hợp từ các hệ thống camera của ngành Công an với 335 camera quan sát; trong đó, có 80 camera thông minh phục vụ công tác xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh hiện có 207 điểm cầu phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư, triển khai thực hiện. Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang tại địa chỉ: https://tiengiang.gov.vn là kênh thông tin chính thức của UBND tỉnh cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hoạt động quản lý, điều hành của tỉnh.

Theo các sở, ngành của tỉnh Tiền Giang, trước đây, một ngày đơn vị phải sử dụng tốn kém rất nhiều giấy, bì thư, tem thư, sau đó dùng dịch vụ bưu chính để chuyển phát văn bản đi với thời gian lưu chuyển 1 văn bản có thể mất 1 - 2 ngày trong tỉnh, 3 - 5 ngày ngoài tỉnh, chưa kể trường hợp không may bị thất lạc.

Đến khi áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý văn bản điện tử, tất cả các văn bản đi đều trình bằng văn bản điện tử, lãnh đạo đơn vị sẽ sử dụng chữ ký số, chứng thư số, sau đó chuyển qua bộ phận văn thư đóng dấu cơ quan bằng điện tử và phát hành văn bản điện tử. Văn bản có thể gửi đi một lúc nhiều địa chỉ.

Từ đó, giúp giảm chi phí giấy tờ, dịch vụ bưu chính, nhanh chóng, chính xác trong chỉ đạo điều hành, góp phần xây dựng nền hành chính công thực sự minh bạch, hiệu quả; cách thức tiếp cận, giao dịch giữa tổ chức, người dân và chính quyền cũng được chuyển từ phương thức truyền thống sang các phương thức hiện đại.

CNTT đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực của tỉnh Tiền Giang phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Hiện nay, Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang có 1 cổng chính, 31 cổng thành phần của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành, thị, 170 cổng/trang thông tin điện tử thành phần của các xã, phường, thị trấn.

Hệ thống Tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị 1022 tỉnh Tiền Giang là kênh tiếp nhận, xử lý, phản hồi các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, từng bước tạo được niềm tin của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đến nay, đã tiếp nhận và xử lý trên 3.000 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.

Ứng dụng CNTT trong các ngành: Giáo dục và đào tạo, y tế, tài nguyên và môi trường, thuế tiếp tục được lãnh đạo các đơn vị tập trung triển khai thực hiện. Đơn cử đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, bước đầu triển khai các nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa.

Hiện tại, 100% các cơ sở giáo dục đã sử dụng nhiều nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa từ bậc THCS trở lên; ứng dụng hiệu quả các nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho tất cả các đối tượng.

Việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ. Theo đó, các doanh nghiệp đã tiếp cận và sử dụng các nền tảng ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, có 5.555/6.066 doanh nghiệp nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 91,57%.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã ứng dụng CNTT trong quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm; các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, bưu chính, viễn thông đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng dịch vụ.

Việc phát triển nguồn nhân lực CNTT là yếu tố then chốt có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển và ứng dụng CNTT. Vì vậy, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực CNTT đảm bảo số lượng, chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng CNTT ngày càng cao.

Hiện nay, có 20/20 sở, ngành và 10/11 UBND huyện, thành, thị đã bố trí cán bộ làm nhiệm vụ chuyên trách CNTT. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT và bồi dưỡng kỹ năng về ứng dụng CNTT cho CBCCVC.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam, từ năm 2014 - 2022, tỉnh Tiền Giang được xếp trong nhóm khá các tỉnh, thành phố trên cả nước về ứng dụng CNTT. Với những bước tiến trong ứng dụng CNTT vào CCHC, Tiền Giang đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc hiện đại hóa hành chính công. Đây không chỉ là bước tiến trong quản lý, mà còn là sự cam kết vì lợi ích của cộng đồng.

PHƯƠNG MAI

.
.
.