Cảnh giác với âm mưu, luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Chống phá cách mạng Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch, phản động; trong đó, trọng tâm hàng đầu là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với sự nghiệp cách mạng. Điều này được thể hiện thông qua những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, nham hiểm đòi hỏi mỗi người cần đề cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: Đăng Khoa). |
Trong hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với Nhân dân, phấn đấu đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Thông qua việc đề ra đường lối đúng đắn, sáng suốt, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam lập nên những chiến công lẫy lừng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, với tinh thần sáng tạo, Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới và tiếp tục lãnh đạo Nhân dân giành được những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt; vị thế, uy tín của của Việt Nam không ngừng được nâng lên trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, với định kiến chính trị và góc nhìn phiến diện, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thủ đoạn mà các thế lực này thường sử dụng đó là xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận cơ sở lý luận về vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ra sức tuyên truyền cho luận điệu “chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời”; “chủ nghĩa Mác - Lênin là lý thuyết suông về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không có thực”,... Chúng đồng nhất sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô với bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp với thế kỷ XXI, không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay và cần loại bỏ khỏi đời sống tư tưởng chính trị xã hội. Chúng cũng tầm thường hóa tư tưởng Hồ Chí Minh,… Mục đích sâu xa là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với vai trò là nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Không khó để nhận ra tính phi lý của các luận điệu nêu trên. Bởi vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc. Đảng ra đời không chỉ chấm dứt cuộc khủng hoảng thiếu về lực lượng lãnh đạo, mà còn trở thành hạt nhân đoàn kết, thống nhất. Từ đó, tập hợp các lực lượng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đưa toàn dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tiễn cũng chứng minh, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô chỉ là sụp đổ của một mô hình cụ thể chứ không phải sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng không phải sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Bằng chứng là dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã thu được những thành tựu to lớn. Tính chất ưu việt, vì Nhân dân của chế độ chủ nghĩa xã hội được thể hiện ngày càng rõ nét trong thực tiễn công tác an sinh xã hội trên phạm vi cả nước, nhất là qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua.
Không dừng lại ở việc xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận cơ sở lý luận về vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng, các thế lực thù địch, phản động còn ra sức lợi dụng những tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng,... để gây “nhiễu” dư luận, xuyên tạc bản chất của chế độ; coi những tiêu cực đó có nguyên nhân là do sự lãnh đạo của Đảng. Nguy hiểm hơn, chúng đưa ra luận điệu “tham nhũng là hệ quả tất yếu của chế độ độc đảng”; “việc phòng chống tham nhũng thực chất là đấu đá trong nội bộ Đảng”. Từ đó, các thế lực này lớn tiếng hô hào đòi “thay đổi chế độ”, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.
Cần nhận thấy, tham nhũng là hiện tượng xã hội tồn tại trong mọi chế độ chính trị khác nhau, gắn liền với nhà nước và quyền lực. Bản chất của tham nhũng gắn liền với quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Do đó, dù chế độ chính trị nào, chủ nghĩa xã hội hay tư bản chủ nghĩa, chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì vẫn có nạn tham nhũng. Trong bối cảnh hiện nay, tham nhũng đang là “vấn nạn” đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, luận điệu cho rằng tham nhũng là “hệ quả tất yếu của chế độ độc đảng” đã cho thấy động cơ chính trị đen tối của các thế lực thù địch, phản động. Các thế lực này đang cố tình bỏ qua bản chất, tính xã hội của hiện tượng tham nhũng để chống phá cách mạng Việt Nam; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ với quan điểm “không có vùng cấm” và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Từ năm 2013 đến 2020, cả nước đã có hơn 1.900 vụ án tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; 131.000 đảng viên, trong đó có hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang) bị xử lý kỷ luật. Chỉ tính riêng năm 2021, cơ quan có thẩm quyền đã kỷ luật 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 trường hợp so với năm 2020), trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý1 .
Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ 2. Trong đó, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý. Những kết quả nói trên không chỉ khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà còn cho thấy rõ tính chất quyết liệt, "không có ngoại lệ”; “không có vùng cấm” của cuộc đấu tranh này. Thành quả đó đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Đồng thời, cũng là minh chứng rõ ràng, đập tan mọi âm mưu lợi dụng vấn đề tham nhũng để chống phá cách mạng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Việt Nam.
Tổng kết 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện” 3; “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” 4. Những thành tựu trên có được trước hết là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích và nguyện vọng của Nhân dân; tạo được niềm tin và động viên Nhân dân quyết tâm thực hiện con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Do đó, mọi âm mưu, luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đều là biểu hiện của động cơ chính trị đen tối, mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần đề cao cảnh giác; tích cực vạch trần và kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, luận điệu nói trên để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Nhân dân./.
TS Tạ Quang Đạo
Tài liệu tham khảo:
(1). Luận điệu sai trái về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Báo Công an nhân dân, ngày 30/5/2022.
(2). Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 23/5/2022
(3), (4). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H. 2021, tr. 103, 104.
Theo báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam