Cần bổ sung quy định để thực hiện quyền con người và quyền công dân
Văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định rõ ràng, cụ thể về quyền con người và quyền công dân là để khẳng định bản chất của Nhà nước ta. Cụ thể, trong Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013) quy định các nội dung cơ bản về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định Nhà nước, xã hội có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ các quyền này. Điểm mới trong Chương II có sự phân biệt giữa quyền con người với quyền công dân.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Hiến pháp chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ về các thiết chế của Nhà nước trong việc thực hiện quyền con người và quyền công dân. Đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của các cơ quan dân cử, cơ quan hành chính Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong việc đảm bảo cho công dân thực hiện quyền của mình; cần nêu cụ thể, tách riêng thành nhiều nhóm đối tượng như: quyền của trẻ em, quyền của phụ nữ, quyền của người khuyết tật…
Vì trong cuộc sống xã hội không phải người dân nào cũng có khả năng, điều kiện để làm chủ xã hội như nhau. Hiến pháp có quy định cụ thể về đảm bảo quyền con người, thì các quyền ấy phải được thực hiện đầy đủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.
Mặt khác, đề nghị tại Điều 16 mới nên bổ sung thêm Khoản 3, với nội dung như sau: Tổ chức, cá nhân có hành vi ngăn cản, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, từ chối phục vụ công dân sẽ bị xử lý theo pháp luật. Bổ sung thêm khoản này là cần thiết, vì trong xã hội vẫn còn phần tử tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân phục vụ, ngăn ngừa hành vi vi phạm, bảo vệ quyền con người và quyền công dân.
Tại Điều 21 và Điều 22 có nội dung cơ bản thống nhất với nhau. Đề nghị nhập Điều 21 “Mọi người có quyền sống” vào Khoản 1 - Điều 22 thành Khoản 1 “Mọi người có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”.
Đề nghị sửa đổi Điều 30, bổ sung thêm một số nội dung cụ thể như sau:
- Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân với các vấn đề hệ trọng của quốc gia.
- Các địa phương tổ chức trưng cầu ý dân các vấn đề quan trọng của địa phương.
- Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Thể hiện nội dung trưng cầu ý dân theo cách nêu trên là nhằm tăng cường quyền làm chủ trực tiếp của công dân; đồng thời phân cấp quản lý Nhà nước cho chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Về mặt kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp, đề nghị Chương II cần tách ra thành hai mục như sau:
Mục I: Quyền con người.
Mục II: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tách thành hai mục giúp cho người dân dễ hiểu về sự khác nhau giữa quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đồng thời đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
TRẦN BÌNH
(Hội Luật gia tỉnh)