Một số vấn đề về giải thích pháp luật, xét xử theo án lệ
* Về giải thích pháp luật: Tại Khoản 2, Điều 79 (sửa đổi, bổ sung Điều 91) có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) như sau: “Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh”.
Xoay quanh quy định này, chúng tôi thấy rằng, khái niệm về giải thích pháp luật được hiểu như sau: Giải thích pháp luật là hoạt động của chủ thể có thẩm quyền hoặc không có thẩm quyền nhằm làm sáng tỏ tư tưởng, nội dung và ý nghĩa của các quy phạm pháp luật, hướng đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật được đồng bộ, thống nhất.
Trên thực tế thời gian qua, UBTVQH mới có khoảng 4 - 5 lần giải thích pháp luật, ví dụ: Nghị quyết 746/2005/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Điều 241 Luật Thương mại năm 2005, trong khi đó ở nhiều nước việc giải thích pháp luật là công việc thường xuyên và thẩm quyền này chủ yếu được giao cho tòa án.
Thực tiễn ở nước ta, tuy quy định là như vậy, nhưng thật sự chưa có cơ chế bảo đảm việc UBTVQH thực hiện nhiệm vụ giải thích pháp luật, mà chủ yếu do Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) thực hiện thông qua Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất nên quy định trong Hiến pháp sửa đổi lần này giao việc giải thích pháp luật cho TANDTC là hợp lý nhất.
* Về xét xử theo án lệ: Đề xuất bổ sung vào Khoản 3 Điều 109 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: Cho phép TAND xét xử theo án lệ.
Trong các văn bản pháp luật của nước ta chưa có quy định cho phép tòa án xét xử theo án lệ. Quốc hội cũng đã có lần từ chối việc cho phép Tòa án nhân dân áp dụng án lệ trong xét xử, không phải không có lý do chính đáng. Về bản chất, thừa nhận án lệ là thừa nhận thẩm quyền làm luật của Tòa án nhân dân tối cao.
Hiện nay, các bộ, ngành đều muốn “làm luật” và sản phẩm như chúng ta đã biết, đều rất có lợi cho “lợi ích nhóm” và có thể mang nhiều thiệt hại đến xã hội, liệu Tòa án nhân dân tối cao đã vượt ra khỏi tầm đó để Quốc hội có thể tin tưởng giao cho trọng trách làm luật? Hơn nữa, việc trao thẩm quyền này cho Tòa án nhân dân tối cao thì cơ chế nào để Quốc hội có thể còn giữ được thẩm quyền làm luật theo Hiến pháp quy định.
Tuy nhiên, án lệ không phải tự nhiên được hình thành mà nó cũng phải xây dựng trên những cơ sở lý thuyết vững chắc, chẳng hạn xuất phát từ những học thuyết pháp lý mà hệ thống pháp luật quốc gia đang theo đuổi và thừa nhận.
Ví dụ, việc theo đuổi hệ tư tưởng Mác xít trong việc xây dựng pháp luật ở nước ta đòi hỏi việc hình thành các án lệ phải tuân thủ các tư tưởng của học thuyết này. Ngược lại, các học thuyết pháp lý cho dù là kinh điển nhưng đi trái các tư tưởng pháp lý Mác xít liệu có được thừa nhận khi nó được Tòa án nhân dân tối cao công nhận là án lệ và nó sẽ được lý giải như thế nào trước các cơ quan lập pháp?
Do vậy, thời gian qua, ở nước ta việc chưa thể áp dụng án lệ cũng có cơ sở của nó. Về thẩm quyền để ra một bản án có cơ sở áp dụng lâu dài (án lệ) có lẽ là điều thiếu thực tế, vì thẩm quyền ban hành luật và thẩm quyền phê chuẩn các điều ước quốc tế đều nằm trong tay Quốc hội, do đó việc sáng tạo luật chắc cũng khó có cơ chế dành cho tòa án.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn xét xử ở nước ta từ trước đến nay cũng chưa thấy viện dẫn được những trường hợp cụ thể về việc thiếu quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc xung đột pháp luật để làm cơ sở chính đáng cho việc ra đời một bản án lệ.
Mọi sự việc không phải nhất thành bất biến mà nó luôn vận động. Án lệ cũng vậy, khi lỗ hổng pháp luật được các cơ quan lập pháp “lấp đầy” hoặc “vá” nó bằng các quy định pháp luật mới thì án lệ không được áp dụng nữa, mà nó phải được áp dụng bằng pháp luật thực định. Do đó, điều kiện tồn tại án lệ trong những khoảng thời gian hạn chế và quy định cơ chế hữu hiệu để xóa bỏ sự tồn tại của một án lệ là vấn đề cần được quy định rõ.
* Về một vài vấn đề có liên quan đến Hội đồng Hiến pháp: Tại Điều 120 (mới) của Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có quy định:
1. Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
2. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.
3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định”.
Việc bổ sung quy định mới này là thật sự cần thiết, nhưng bản thân tên gọi Hội đồng Hiến pháp chưa nói lên điều gì. Hơn nữa, theo Khoản 2 của dự thảo, chức năng chủ yếu của Hội đồng này là “kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật” của một số cơ quan Nhà nước và “yêu cầu” các cơ quan Nhà nước ấy “sửa đổi hoặc hủy bỏ”. Với nhiệm vụ ấy, chưa đủ để nói rằng Hội đồng Hiến pháp có chức năng “bảo hiến” như người dân mong đợi. Mặt khác, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp lại do luật định.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, Hội đồng này vẫn chưa được chế định rõ cả chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn, trong Dự thảo chỉ có Hội đồng nhân dân ở các địa phương mới có nhiệm vụ thi hành Hiến pháp và pháp luật, các cơ quan Nhà nước khác chỉ được ghi “thực thi pháp luật”.
Với suy nghĩ như vậy, theo tôi Dự thảo lần này Hiến pháp vẫn chưa được bảo vệ, mà cần có tư duy dứt khoát và triệt để về cơ chế “bảo hiến” và cần có một chế định Hiến pháp về bảo vệ Hiến pháp. Hay nói rõ hơn, đó là quy định trong Hiến pháp việc thành lập Tòa án Hiến pháp vì:
Một là, xét về vị trí, tính chất: Tòa án Hiến pháp Việt Nam là một cơ cấu trong tổ chức của Quốc hội nhưng vẫn là một cơ quan độc lập đối với chính Quốc hội và các cơ quan thực hiện chức năng hành pháp, tư pháp do Hiến pháp thiết lập. Tức là Tòa án Hiến pháp chỉ phụ thuộc Quốc hội về mặt cơ cấu tổ chức, ngoài ra trong quá trình thực hiện chức năng của mình Tòa án Hiến pháp hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật Tòa án Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp có ngân sách độc lập do chính cơ quan này quản lý, được thông qua trong cơ cấu ngân sách Nhà nước.
Hai là, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Tòa án Hiến pháp:
* Chức năng: Giám sát và bảo vệ Hiến pháp Việt Nam. Tòa án Hiến pháp có nhiệm vụ song đôi, một mặt là cơ quan bảo hiến độc lập, mặt khác là một phần quyền tư pháp quốc gia trên lĩnh vực đặc biệt của luật Hiến pháp và công pháp quốc tế.
* Nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Tòa án Hiến pháp được quy định tại Khoản 2 như trên chưa thật hợp lý vì: Trong các nhiệm vụ kể trên, hoạt động xem xét, phán quyết tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên là chủ yếu và phạm vi của loại văn bản quy phạm pháp luật được Tòa án Hiến pháp xem xét, ra phán quyết là tất cả các văn bản trong hệ thống pháp luật và việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện cả trước khi văn bản quy phạm pháp luật được công bố, cả sau khi văn bản đó được ban hành và có hiệu lực thi hành (giám sát trước, giám sát sau, giám sát cụ thể, giám sát trừu tượng).
Như vậy, trong trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp thì chủ thể có thẩm quyền đề nghị cơ quan bảo hiến xem xét, ra phán quyết về văn bản đó bao gồm: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, UBTVQH hoặc có 1/10 số đại biểu Quốc hội (giám sát trừu tượng và giám sát cụ thể) và thậm chí công dân trong từng vụ việc cụ thể có thể yêu cầu Hội đồng Hiến pháp xem xét và ra phán quyết về tính hợp hiến của một văn bản quy phạm pháp luật (giám sát cụ thể).
Trong quá trình xem xét và giải quyết, Tòa án Hiến pháp có thể ra phán quyết một văn bản quy phạm pháp luật nào đó trái với Hiến pháp và đương nhiên có thẩm quyền hủy bỏ nó. Tuy nhiên, đối với loại văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành trái với Hiến pháp thì Tòa án Hiến pháp chỉ có thể đình chỉ thi hành và đề nghị Quốc hội xem xét quyết định. Điều này sẽ bảo đảm nguyên tắc tập trung quyền lực của Nhà nước ta và phán quyết của Tòa án Hiến pháp là chung thẩm, có hiệu lực bắt buộc đối với các chủ thể kể từ khi một quy phạm, một chế định hoặc một văn bản nào đó bị tuyên bố là vi hiến.
Ba là, về cơ cấu tổ chức của Tòa án Hiến pháp: Với tính chất là cơ quan bảo hiến chuyên trách, Tòa án Hiến pháp có một vị trí đặc biệt trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, khi mà tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đang có xu hướng trở thành quy luật chung của mọi Nhà nước thì nhu cầu thiết lập một cơ chế bảo hiến hữu hiệu ngày càng trở nên cần thiết và tất yếu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam chúng ta đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.
Vì lẽ đó, thiết nghĩ việc xây dựng Tòa án Hiến pháp để thực hiện chức năng giám sát và bảo vệ tính tối thượng của Hiến pháp và các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được Hiến pháp ghi nhận là một giải pháp để thúc đẩy dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền mà chúng ta cần nhanh chóng và mạnh dạn thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
LÊ VĂN SUA
(Tòa án Quân sự Khu vực 1 - QK 9)