Thứ Sáu, 01/03/2013, 08:42 (GMT+7)
.
Hội LHPN các huyện (thành, thị) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang:

Đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

* Liên tục từ ngày 19 đến 22-2, Hội LHPN tỉnh chủ trì phối hợp với Hội LHPN các huyện (thành, thị) tổ chức 10 cuộc lấy ý kiến của cán bộ Hội chuyên trách cấp huyện và cán bộ chủ chốt cấp xã đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Có trên 350 cán bộ Hội tham gia các buổi lấy ý kiến đóng góp.

Đại biểu đã nghe giới thiệu tổng quan về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu và nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; những vấn đề cần tập trung cho ý kiến và thảo luận sâu một số điều, khoản liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và Hội LHPN Việt Nam.

Cụ thể như: Điều 9 quy định về Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; Khoản 2 - Điều 15 về các trường hợp giới hạn trong quyền con người, quyền công dân; Điều 27 quy định về quyền của công dân nam - nữ trong chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình;

Điều 39 quy định về Hôn nhân và gia đình; Khoản 1 - Điều 89 về Quyền trình dự án Luật trước Quốc hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; vấn đề trách nhiệm của Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại Khoản 8 - Điều 101 và Điều 119.

Từ ngày 20-2 đến 8-3, Hội sẽ đồng loạt tổ chức các buổi họp tại cấp xã, chi hội hoặc tổ hội để lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo kế hoạch đã đề ra.

* Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại hội nghị, sau khi triển khai báo cáo thuyết minh Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992, đa số ý kiến của các đại biểu đều thống nhất quan điểm sửa đổi, bổ sung một số chương, điều và tiến hành thảo luận nội dung một số chương, điều trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trong đó tập trung vào một số điều ở các Chương 1, Chương 2, Chương 4 quy định về chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Một số ý kiến đề nghị, đối với một số điều trong Chương 2 cần quy định và xác định một cách cụ thể, rõ ràng về quyền sống, môi trường sống; ngành nghề, đối tượng kinh doanh; đối tượng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của công dân.

Đề nghị bổ sung vào chế độ chính sách hậu phương đối với lực lượng vũ trang nói chung, không phân biệt quân đội hay công an nhằm đảm bảo tính công bằng trong thực hiện chế độ, chính sách đối với những người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Mặt khác, Hiến pháp cần nêu rõ trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nói chung phải tinh nhuệ, hiện đại để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

NGỌC LAN - ĐOÀN PHÁT

.
.
.