Chuyện về mẹ Phẩm - con dâu của họ Phạm hào hùng
Ngôi nhà tình nghĩa gọn gàng, sạch sẽ nằm trong con hẻm nhỏ đông đúc của thôn Đông An Vĩnh ( An Vĩnh, Lý Sơn). Đập vào mắt tôi là một bà mẹ dáng gầy gò đang ngồi xem báo. Nghe tôi chào hỏi, mẹ lột kính lão, ngẩng lên nhìn tôi với nụ cười và ánh mắt đầy thân thiện:
- Con ở đâu mới tới, có mệt lắm không?
Sau lời giới thiệu và thăm hỏi của tôi, mẹ đưa đôi tay gầy ấp vào má tôi giọng đầy cảm xúc:
- Tội nghiệp, thân gái một mình ở xa đến thăm mẹ là quý lắm!
Tác giả bên Mẹ VNAH Trần Thị Phẩm. |
Qua câu chuyện của đời mình, mẹ đưa tôi về cái thuở mẹ còn son trẻ: Năm 1944, mẹ lập gia đình ở tuổi 19. Đám cưới không rình rang nhưng đủ cho họ hàng biết rằng cô Trần Thị Phẩm đã về làm dâu họ Phạm - một dòng tộc tiếng tăm trên đảo, là hậu duệ của Phạm Hữu Nhật, Chánh Đội trưởng thủy quân Hoàng Sa thời vua Minh Mạng.
Một thời gian sau, mẹ mới biết Phạm Chánh - chồng mình là cán bộ Công an thời đầu cách mạng. Sau ngày cưới 5 năm, chồng bị địch bắt nhốt ở Đà Nẵng, sau đó ông vượt ngục và tập kết ra Bắc. Lúc ông chuẩn bị ra Bắc thì mẹ được cơ sở cách mạng móc nối đưa 2 mẹ con gặp cha một lần, lúc đó Hồng Thiên chưa đầy 4 tuổi, cũng là lần đầu tiên cha con gặp nhau và lần cuối vợ chồng được gặp lại.
Sau khi trở về Nam chiến đấu, ông Phạm Chánh đã hy sinh vào tháng 5-1962, ở chiến trường Gò Đá (Đông Sơn,Quảng Ngãi). Lúc ấy Hồng Thiên chưa tròn 11 tuổi, đang gởi đi học ở Đà Nẵng. Mẹ đã một mình ôm lấy nỗi đau!
Học xong phổ thông, Hồng Thiên về nghỉ hè và trước khi trở lại trường đã nói với mẹ rằng: “Mẹ ở nhà, con đi 3 tháng con sẽ về!”, nhưng rồi mãi đến 3 năm sau mẹ nhận được tin báo tử: “Phạm Hồng Thiên đã hy sinh trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ ném bom hủy diệt làng Sơn Quang (Đông Sơn,Quảng Ngãi) vào tháng 10-1972!”. Còn gì đau hơn khi nước mắt phải chảy ngược vào tim!
Biến nỗi đau riêng thành nỗi đau chung, bởi mẹ cũng là cán bộ cách mạng cơ sở, được kết nạp vào Đảng ngày 10-12-1963. Mẹ cũng đã trải qua những ngày tháng khốc liệt nhất trên đảo Lý Sơn do bọn chỉ điểm: Phù Hoàn, Đặng Khá, Tiêu Khả… dẫn giặc về hoành hành dân trên đảo. Chúng bắt người, bắt gà vịt, hãm hiếp phụ nữ… Là người hoạt động khôn khéo nên mẹ đã không sa vào tay giặc.
Sau năm 1975, mẹ Trần Thị Phẩm tiếp tục làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã An Vĩnh (Lý Sơn). Nay mẹ đã 88 tuổi, vẫn còn tham gia công tác xã hội - từ thiện. Mẹ nói: “Mẹ làm như vậy là mong tất cả các cháu đều được học hành và đỗ đạt để xây dựng huyện đảo mình phát triển theo kịp các huyện ở đất liền. Hàng ngày mẹ đi chợ 30 ngàn đồng, dành lại 1 ngàn đồng bỏ ống heo tiết kiệm để đóng góp vào quỹ khuyến học của xã…”.
Hài cốt chồng và con trai của mẹ đã được cải táng về nghĩa trang liệt sĩ huyện, mẹ cảm thấy an lòng! Bà con ở đây vẫn luôn thấy cái dáng nhỏ nhắn, gầy gò, già nua của mẹ Phẩm đến với các buổi lễ hội, họp hành và kêu gọi đóng góp quỹ khuyến học của xã.
Có thể nói, mẹ VNAH Trần Thị Phẩm đã làm rạng rỡ thêm tiếng tăm của dòng họ Phạm và là niềm tự hào của người dân huyện đảo Lý Sơn.
NGỌC LỆ