Những hầm bí mật cất giấu vũ khí của Đoàn tàu không số
Đường Hồ Chí Minh trên biển và những con tàu không số được ví như huyền thoại hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Từ miền Bắc, những con tàu vận chuyển vũ khí vào Nam và điểm đến là các bến: Bến Tre, Cà Mau, Vũng Tàu và các huyện: Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Gò Công. Trong đó, khu vực rừng Ông Kim thuộc xã Phú Thạnh Đông trước kia (nay thuộc ấp Bà Từ và ấp Pháo Đài thuộc xã Phú Tân của huyện Tân Phú Đông) được chọn làm nơi cất giấu vũ khí tạm thời trong những hầm bí mật.
ĐI TÌM
Trong “Hội nghị biểu dương những gia đình có công tiêu biểu trên địa bàn huyện” vừa qua, chú Nguyễn Văn Đước, thương bệnh binh ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Tân (nguyên là cán bộ Tiểu đội B8, lực lượng A100, thuộc Đoàn 962), cho biết hiện tại ở các ấp: Bà Từ, Cồn Cống, Phú Hữu vẫn còn những hầm bí mật cất giấu vũ khí của Đoàn tàu Không số năm xưa. Các cơ quan có thẩm quyền cần phải giữ gìn và bảo vệ những hầm trên để giáo dục cho thế hệ mai sau.
Theo hướng dẫn của chú Năm, chúng tôi tìm đến 1 nhà dân ở ấp Pháo Đài. Phía sau nhà có cái hầm dài khoảng 2,5 m, bề ngang chừng 1,5 m, chiều cao khoảng 1,2 m, độ dày bê tông gần 4 cm. Hầm được gia đình dùng thuyền bè về để làm hồ chứa nước sinh hoạt. Thể tích hầm chứa khoảng 3 m3 nước.
Chú Nguyễn Văn Đước (bên trái) cùng cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện khảo sát hầm đã được hộ dân mang về đựng nước sinh hoạt. |
Hầm thứ 2 tại ấp Phú Hữu, nằm ở một khu đất bỏ hoang và bị cây che khuất xung quanh. Hầm này có diện tích lớn hơn cái hầm đầu tiên và vẫn còn nằm dưới lòng đất, bên trong chứa đầy nước.
Sau khi hướng dẫn chúng tôi tham quan xong hai cái hầm, chú Năm Đước còn cho biết: “Vẫn còn một số hầm nữa nằm rải rác ngoài khu vực ấp Cồn Cống. Cần có xuồng máy mới có thể đi đến đó được.
LỜI KỂ CỦA NHÂN CHỨNG SỐNG
Theo lời của chú Năm Đước, nhiệm vụ của đơn vị chú là chặn đánh các tàu địch để mở đường, bảo vệ cho các tàu không số rút lui an toàn khi bị địch phát hiện; đồng thời nhận vũ khí từ Thạnh Phú (Bến Tre) chuyển sang, rồi vận chuyển tới một địa điểm tập kết nào đó được cho biết trước. Sau đó, có người bí mật tới mang đi cất giấu. Để đảm bảo bí mật, bản thân chú cũng không biết ai là người cất giấu tiếp theo và cất giấu vũ khí ở đâu.
Cô Trần Thị Thanh Tuyết (dì Tư), một cán bộ giao liên từng bị địch bắt tù đày, cho biết thêm: Vào những năm 1961-1962 (lúc đó cô còn rất trẻ), các anh bảo cô gánh nước, vác các thùng được bọc rất chắc chắn tới điểm nào đó rồi về. Còn sau đó có người tới mang đi đâu, làm gì, cô cũng không được biết. Mãi sau này, cô mới biết mình gánh nước ngọt để các anh đổ vào các hầm chứa vũ khí.
Nhà dì Trần Thị Tươi, con của liệt sĩ Trần Văn Chung và em liệt sĩ Trần Văn Hùng (bộ đội đặc công Tiểu đoàn 514, hy sinh năm 1961) trước đây cũng có hầm chứa vũ khí.
Dì kể: Trước đây, bên dưới bồ lúa nhà tôi có một cái hầm chứa được khoảng 300 đôi nước. Khi vũ khí chuyển về, trong đêm đó tôi và các anh phải mang hết lúa ra ngoài, đưa vũ khí cất vào, rồi mang lúa đổ trở lại như lúc ban đầu. Về sau, địch phát hiện đã đốt nhà tôi.
Dì cho biết, để không bị địch phát hiện, hầm được đúc vào ban đêm và sử dụng đèn cầy để thắp sáng hoặc tận dụng ánh sáng của trăng. Những cái hầm được đúc bằng bê tông, bên trong có sử dụng kẽm để không bị nứt và bể. Thể tích của những cái hầm lớn, nhỏ tùy theo nơi để chôn giấu hầm. Điều đặc biệt, những cái hầm được đúc sát lòng sông hoặc kinh rạch khi nước thủy chiều xuống thấp; sau đó người ta đào rãnh để bè vào địa điểm đặt hầm.
Ông Lê Văn Hinh, cán bộ hưu trí sống từ nhỏ đến lớn trên địa bàn xã Phú Tân, cho biết lúc ông còn làm ở nông trường, để có đủ nước dùng trong mùa khô, các cán bộ nông trường đã đào đất lấy lên 7 cái hầm để làm hồ chứa nước uống và sinh hoạt. Hiện nay, một số hộ dân ở ấp Pháo Đài và ấp Bà Từ dùng ghe bè về nhà tô lại xi măng để chứa nước.
Trải qua mấy mươi năm, những hầm cất giấu vũ khí từ đường dây con tàu không số là chứng tích oai hùng năm xưa. Theo thời gian, những hầm ấy dù được bà con sử dụng hữu ích, song cũng cần chọn lọc và lưu giữ lại như một minh chứng về những nơi mà Phú Thạnh Đông năm xưa - Tân Phú Đông ngày nay góp phần làm nên trang sử hào hùng.
HIẾU TRUNG