"Nhà trường gắn liền với chiến trường"
Ở Khu 8, tình hình đầu năm 1946 gặp nhiều khó khăn vì không còn lực lượng vũ trang (LLVT) tập trung và chưa có Bộ Chỉ huy. Trước tình hình trên, sau Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, trên đường ra Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn đến Sở Chỉ huy Liên quận Hóc Môn - Đức Hòa phổ biến tình hình và cử đồng chí Trần Văn Trà - chỉ huy giải phóng quân Liên quận về Khu 8 xây dựng lực lượng kháng chiến. Cùng đi với đồng chí Trần Văn Trà có 2 phân đội giải phóng quân Liên quận được trang bị mạnh, làm nòng cốt xây dựng LLVT Chiến khu.
Tượng đài Chiến thắng Cổ Cò Ảnh: T.L |
Tháng 11-1946, Bộ Chỉ huy Chiến khu 8 mở Hội nghị Ấp Bắc để thống nhất sự lãnh đạo, chỉ huy trong toàn khu, bố trí sắp xếp lại LLVT; đồng thời ra Chỉ thị phát động mạnh mẽ phong trào du kích chiến tiêu diệt địch. Thời gian này, Trường Quân chính Khu 8 (nay là Trường Quân sự Quân khu 9) được thành lập, huấn luyện cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội, do đồng chí Nguyễn Văn Quạn - Tham mưu trưởng phụ trách. Giúp việc cho Tham mưu trưởng còn có chức danh Tham mưu chủ nhiệm, do đồng chí Nguyễn Văn Hoạch đảm nhiệm. Đầu tháng 1-1947, đúng vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Trường Quân chính Khu 8 khai giảng khóa đầu tiên tại kinh Larăng, sau này gọi là kinh Nguyễn Văn Tiếp (Cai Lậy, Mỹ Tho), học viên có 150 đồng chí. Khóa học đang huấn luyện thì nhận được lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến khu 8 điều 1 đại đội học viên phối hợp cùng với Chi đội 17 (Mỹ Tho), Chi đội 18 (Sa Đéc) của chiến khu tổ chức một trận phục kích liên quân trên Quốc lộ Đông Dương (Quốc lộ 1A ngày nay).
Mặt trận bố trí từ cầu Bà Tồn (xã Mỹ Thành - Cai Lậy) kéo dài đến bắc Mỹ Thuận dài 23 km, nằm trên địa bàn huyện Cái Bè - Mỹ Tho. Khu vực chính từ xã An Khánh đến An Hữu, quyết chiến điểm từ Bà Lâm đến Cổ Cò. Chi đội 18 (3 đại đội) và đại đội học viên phụ trách khu vực quyết chiến điểm, bố trí ở xã An Thái Trung, do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Chi đội trưởng Chi đội 18 chỉ huy. 10 giờ ngày 22-1-1947 (tức mùng 1 Tết âm lịch) đoàn xe quân sự của tiểu đoàn Nêon (một trong những tiểu đoàn anh hùng của quân đội Pháp trong chiến tranh thế giới thứ II) hành quân trở về Sài Gòn sau cuộc càn quét dài ngày ở Chợ Mới, tỉnh Long Châu Tiền lọt vào trận địa phục kích của ta. Mìn khóa đầu ở cầu Rạch Miễu nổ diệt ngay chiếc xe đi đầu, chặn đoàn xe lại. Các đơn vị đồng loạt nổ súng xung phong mãnh liệt. Bị đánh bất ngờ, lúc đầu địch chống trả yếu ớt, nhưng sau đó dựa vào vỏ thép dày của xe bọc thép chúng bắn trả dữ dội.
Sau 45 phút chiến đấu ngoan cường, các đơn vị lần lượt đè bẹp sức đề kháng của địch, đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Số sống sót chạy ngược về hướng Mỹ Thuận, nhưng cũng bị các LLVT địa phượng chặn diệt gần hết. Sau gần 2 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt đại bộ phận tiểu đoàn này, diệt 170 tên, bắt sống 17 tên (trong đó có trung úy Bernad người Đức), phá hủy 14 xe quân sự (có 8 xe thiết giáp), thu trên 100 súng (có 15 trung liên, 8 đại liên, 12 súng ngắn). Về phía ta, có 3 đồng chí học viên hy sinh và 2 đồng chí khác bị thương.
Trận phục kích giao thông trên lộ tại Cổ Cò (Cái Bè - Mỹ Tho) tiêu diệt 1 tiểu đoàn quân viễn chinh Pháp là một trận đánh xuất sắc, hiệu suất chiến đấu cao - một chiến công vang dội trên chiến trường Nam bộ vào đầu thời kỳ kháng chiến toàn quốc, mở đầu cho chiến thắng lớn quân địch sau này. Chiến thắng trận Cổ Cò đã để lại những kinh nghiệm quý về công tác tham mưu nắm địch, phối hợp nhiều đơn vị, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ trên diện rộng, thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy và trình độ kỹ chiến thuật của LLVT Khu 8. Đối với nhà trường quân sự, trận Cổ Cò là một bài học thực tiễn sinh động nhất, góp phần làm phong phú lý luận du kích chiến lúc bấy giờ, mở ra truyền thống “Nhà trường gắn liền với chiến trường”.
Thực tiễn luôn vận động biến đổi, nhất là thực tiễn chiến tranh “một ngày bằng 20 năm”, không gian, thời gian luôn thay đổi, tình huống diễn biến phức tạp, phương thức tác chiến, quy mô, mức độ ác liệt không thể hoàn toàn giống nhau, lý luận không thể theo kịp, sách không thể dạy hết được. Do đó việc kết hợp giữa nhà trường với chiến trường, lý luận với thực tiễn không chỉ là bài học kinh nghiệm, mà còn là vấn đề có tính quy luật trong huấn luyện, đào tạo cán bộ. Thực tiễn cho thấy, ở đâu, lúc nào xa rời thực tiễn thì ở đó cách mạng gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Đối với Trường Quân chính Khu 8, bài học này không xa lạ. Sinh ra trong lòng chiến trường ác liệt, cán bộ, giáo viên có lúc phải vừa huấn luyện vừa chiến đấu, bên cạnh khung huấn luyện, có cả khung chiến đấu. Nhiều cán bộ, giáo viên phải trực tiếp xuống đơn vị, địa phương nắm thực tế địa bàn chiến trường để tìm hiểu, phân tích tình hình thực tiễn theo lý luận học tập ở trường, dùng những hiểu biết qua nội dung huấn luyện để xử trí tình huống theo dự kiến, rồi tổng kết thành chiến lệ bài giảng.
Hiện nay, trước những thách thức của thời kỳ đổi mới và hội nhập thế giới, trước xu thế phải đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bài học về sự kết hợp lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với đơn vị và xã hội vẫn luôn là bài học quý giá.
VĂN ĐẠO