.

Cùng bàn luận qua biểu tượng “song hỷ”

Cập nhật: 10:16, 24/05/2013 (GMT+7)

Vừa qua, tôi dự 2 đám cưới hoàn toàn không có liên quan gì với nhau, nhưng có một điểm trùng hợp ngẫu nhiên là đám nào cũng có “sự cố” về chuyện treo biểu tượng “song hỷ” (囍).

Ở  lễ “vu quy” nhà hàng xóm, vốn là chỗ thân tình nên tôi được chủ nhà trân trọng mời ngồi vào bàn giữa uống trà trước khi nhập tiệc mặn. Nhìn lên tường hai bên bàn thờ gia tiên có dán mấy chữ Quốc ngữ, một bên là “Lễ Vu quy”, còn bên kia là “Trăm năm hạnh phúc” và dưới hai hàng chữ đó cùng dán biểu tượng “song hỷ”… lộn ngược.

Vì là chỗ thân tình, tôi khều chủ nhà hỏi nhỏ: Ai dán “song hỷ” vậy anh? Chủ nhà vốn cũng là một người có học vấn: Con gái tôi dán. Ngược phải không chú? Tôi nói rồi mà nó không chịu. Quay vào, chủ nhà kêu con gái trao đổi, sau đó cả hai biểu tượng “song hỷ” được gỡ ra và dán lại cho đúng. Như vậy, ở đây do không biết mà dán ngược.

Một đám đón dâu treo biểu tượng “song hỷ” ngược. Ảnh: Internet
Một đám đón dâu treo biểu tượng “song hỷ” ngược. Ảnh: Internet

Ở lễ “tân hôn” nhà đồng nghiệp cũng có “song hỷ” dán ngược, nhưng “sự cố” được tranh cãi chẳng ai chịu ai. Lần này, người phát hiện và lên tiếng “chê” là một đồng nghiệp dạy Ngữ văn, cũng võ vẽ biết chút ít chữ Hán - Nôm. Nghe “chê”, đồng nghiệp là chủ nhà vốn là thầy giáo dạy Toán chạy đi mời ông anh họ, người trực tiếp dán “song hỷ” ngược ra tận bàn giải thích.

Người này bảo ông cố ý dán như vậy và nói rõ cái lý do vì sao mà mình dán ngược. Ông dán “song hỷ” ngược là sự cố tình, là cách chơi chữ cao siêu như người Tàu hay dán chữ “phúc” lộn ngược trước cửa vậy. Bởi lộn ngược chính là “đảo” (倒), chữ “đảo” trong tiếng Tàu vùng Sơn Đông (Trung Quốc) phát âm gần giống với “đáo” (到) có nghĩa là “đến”. Vì vậy, dán “song hỷ” lộn ngược có nghĩa là “hạnh phúc đến” (?!).

Vị khách là đồng nghiệp dạy Ngữ văn của tôi và người anh họ của chủ nhà cũng là thầy giáo đã không tìm được tiếng nói chung. Thế là hai bên lời qua tiếng lại, ai cũng đem “vốn liếng” Hán - Nôm ra để bảo vệ ý kiến của mình, nếu không có sự can ngăn của chủ nhà và mọi người thì sự thể không biết sẽ đi đến đâu.

Từ xưa đến nay và cả mai sau hễ đám cưới là có biểu tượng “song hỷ”. Chữ này được treo (dán) nơi dễ thấy nhất và tất nhiên được in trên thiệp cưới, được thêu trên thảm trải bàn, trên tấm vải đậy các mâm quả lễ vật… Có thể khẳng định biểu tượng “song hỷ” rất quen thuộc với mọi người và mọi người cũng hiểu ý nghĩa của nó như một mặc định: Đám cưới - vui - hạnh phúc.

Tuy nhiên, có lẽ số người biết về xuất xứ cũng như ý nghĩa ban đầu, đích thực của nó thì còn rất ít. Có nhiều người còn nói như đinh đóng cột rằng: Dán chữ “song hỷ” trong đám cưới là “tục lệ ông bà” không thể không có (!?). Và không ít người không biết treo, dán biểu tượng “song hỷ” như thế nào là đúng, bởi vậy mới sinh ra lắm chuyện bi hài liên quan tới cặp chữ “hỷ” này.

Vào mạng Google và cho lệnh “song hỷ”, tức khắc sẽ có rất nhiều thông tin liên quan cho biết “song hỷ” xuất hiện từ triều đại Bắc Tống bên Trung Quốc, do một danh sĩ nổi tiếng, sau trở thành tể tướng của vua Tống Thần Tông là Vương An Thạch viết ra bằng cách ghép hai chữ hỷ (喜: Vui, mừng) để nói về chuyện hai lần gặp may của mình cùng lúc vừa thi đỗ cao vừa được vợ hiền, thật đáng để gọi là “song hỷ lâm môn”.

Nhưng rõ ràng “song hỷ” là sự kiện hy hữu chỉ đến với Vương An Thạch, chứ không phải với mọi người đàn ông ở Trung Quốc. Tuy nhiên, “song hỷ” đã được người Hoa ở khắp nơi trên thế giới lấy làm biểu tượng hôn nhân.

Đối với người Việt Nam, có lẽ biểu tượng “song hỷ” cũng đã xuất hiện khá lâu trong quá trình giao thoa, tiếp biến, thậm chí bị cưỡng bức tiếp thu nền văn hóa Hán, nhưng trước đây nó chỉ xuất hiện trong đám cưới hỏi của những nhà quyền quý, danh gia vọng tộc chứ không thấy xuất hiện trong tầng lớp bình dân. Có một thời kỳ, việc dán biểu tượng “song hỷ” còn bị xem là điều cấm kỵ.

Từ khi đất nước đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển, đúng là “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều tục lệ cũ trong việc cưới được khôi phục, trong đó chuyện sử dụng biểu tượng “song hỷ” như là sự mặc định trong bất kỳ đám cưới nào của mọi tầng lớp dân cư mà không cần quan tâm đến nguồn gốc và ý nghĩa thực của biểu tượng này.

Trong thực tế, số người Việt chúng ta, nhất là những người trẻ biết chữ Hán rất ít, nhưng cứ có đám cưới là ra cửa hàng mua biểu tượng “song hỷ” được làm sẵn về treo, dán với mục đích chính là trang trí, làm đẹp hơn là ý nghĩa tâm linh, vì vậy mà chẳng cần biết xuôi, ngược thế nào.

Thiển nghĩ, việc treo dán biểu tượng “song hỷ” đúng hay sai, xuôi hay ngược cũng ít nhiều biểu hiện của văn hóa. Tuy nhiên không vì vậy mà chúng ta không thể có biểu tượng văn hóa cưới cho dân tộc Việt. Điều này dễ thấy ở phong tục cưới của mỗi dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt. Quan điểm của chúng ta về văn hóa là thống nhất trong đa dạng. Từ đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi viết trong Cáo bình Ngô rằng “phong tục Bắc - Nam cũng khác”. Điều này cho thấy cha ông chúng ta muốn khẳng định chủ quyền quốc gia về văn hóa.

Và trải qua đêm dài Bắc thuộc, đành rằng có sự giao thoa nhưng thật đau lòng khi nhiều người Việt chúng ta cứ nghĩ đó là “tục lệ ông bà tổ tiên phải theo”, cần phải thay đổi nếp nghĩ. Tất nhiên, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm người Việt sử dụng biểu tượng “song hỷ”, nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo ra và phổ biến rộng rãi một biểu tượng cưới hỏi mới, hoàn toàn bằng tiếng Việt, hình ảnh Việt thể hiện bản sắc dân tộc Việt. Đó cũng là cách để chúng ta thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ và tự hào dân tộc.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.