Thứ Sáu, 22/11/2013, 07:27 (GMT+7)
.

Đưa hàng Việt về nông thôn: Cần những giải pháp có hiệu quả hơn

Trong thời gian qua, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn (HVVNT) đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình được xem là giải pháp “khai thông” HVVNT và đã tạo cầu nối để doanh nghiệp (DN) tiếp cận với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, Chương trình Đưa HVVNT đang rất cần những giải pháp có hiệu quả hơn, để hàng Việt ngày càng bám trụ và đứng vững ở thị trường nông thôn vốn từng bị “bỏ quên” này.

DN tham gia chương trình trước hết là nghiên cứu thị trường

Thực tế hiện nay, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ và hệ thống cửa hàng bán lẻ. Lượng hàng hóa phân phối thông qua các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi chủ yếu tại các thành phố lớn, còn lại là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng ra thị trường. Trong đó, hệ thống bán hàng của DN tại khu vực nông thôn chưa được chú ý, không muốn nói là đã bị “bỏ quên”. Do đó, khi Chương trình Đưa HVVNT ra đời đã tạo điều kiện cho các DN khi tham gia bán hàng sẽ tiếp cận được thị trường mới, mặt khác tiến hành nghiên cứu, định vị lại thị trường.

Chương trình đưa HVVNT cần những giải pháp hiệu quả hơn (Ảnh chụp tại Phiên chợ hàng Việt về huyện Gò Công Tây).
Chương trình đưa HVVNT cần những giải pháp hiệu quả hơn (Ảnh chụp tại Phiên chợ hàng Việt về huyện Gò Công Tây).

Giám đốc một DN chuyên sản xuất, kinh doanh hàng điện tử ở TP. Hồ Chí Minh từng tham gia Phiên chợ đưa HVVNT ở huyện Cai Lậy cho biết: “Hàng điện tử không dễ dàng bán được ở các phiên chợ hàng Việt ở nông thôn, nên ngay từ ban đầu khi tham gia các phiên chợ, công ty xác định rõ mục tiêu là để nghiên cứu thị trường, đo lường thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau thời gian tham gia nhiều Phiên chợ HVVNT, các sản phẩm điện tử, nhất là tivi của công ty cũng đã được người dân đón nhận”.

Cũng không ít DN sẵn sàng đồng hành cùng HVVNT do nhận thấy tính hiệu quả của chương trình về lâu dài. Bởi mức sống cũng như mức chi tiêu của người dân nông thôn đang từng ngày được nâng lên. Cụ thể là trong nhiều Phiên chợ HVVNT không chỉ có sự tham gia của các DN trong tỉnh mà có cả các DN ngoài tỉnh với nhiều ngành hàng như: Bột Vĩnh Thuận, bánh kẹo Bidrico, kem đánh răng Dạ Lan, nhựa Duy Tân, hàng điện tử VTB…

Có thể nói, nếu tính đến bài toán kinh tế, nhiều DN tham gia bán hàng ở các Chương trình Đưa HVVNT không có lời, thậm chí bị thua lỗ với các khó khăn như: Chi phí vận chuyển, thuê nhân viên bán hàng… Thực tế này là qua Phiên chợ HVVNT ở xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) vừa qua, tham gia bán hàng trong 3 ngày mà doanh thu của 11 DN chỉ đạt 150 triệu đồng.

Bà Phan Kim Hoàn, chủ cơ sở sản xuất nước rửa chén 9 Rồng (Vĩnh Long) từng tham gia bán hàng tại Phiên chợ hàng Việt về xã Phú Đông vừa qua cho biết: “Nếu quảng cáo trên các kênh thông tin đại chúng thì đòi hỏi một khoản kinh phí rất lớn mà các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không thể kham nổi. Do đó, tham gia các phiên chợ bán hàng ở nông thôn là cơ hội tốt nhất để các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường và đối tác để mở đại lý, chứ mục tiêu không phải là lợi nhuận. Theo tôi, nếu tính tới việc mở rộng thị phần tại thị trường nông thôn lâu dài thì cần phải chấp nhận đầu tư tốn kém”.

Cần những giải pháp hiệu quả hơn

Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA, một đơn vị từng phối hợp với tỉnh tổ chức hai Phiên chợ HVVNT ở huyện Cai Lậy và huyện Gò Công Đông; đồng thời tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại TP. Mỹ Tho vào tháng 7-2013) đã từng nhận định, mặc dù thị trường nông thôn có nhiều tiềm năng với 70% dân số sinh sống nhưng hiện nay chưa thực sự  thu hút các DN sản xuất kinh doanh trong nước đưa hàng về. Bởi thị trường này vẫn có doanh số thấp do thị trường phân tán, sức mua thấp, xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao…

Hiện chỉ có từ 10-15 công ty sản xuất hàng tiêu dùng có hàng hóa khá phổ biến tại thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhưng chủ yếu là các nhãn hàng của các tập đoàn đa quốc gia như: Uni-lever, Dutch Lady, P&G, Pepsi, Nestle… hoặc của các nhãn hiệu lớn trong nước như: Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Vina Acecook, Mỹ Hảo, Kinh Đô…

Làm thế nào để đưa hàng hóa Việt Nam về nông thôn ngày càng nhiều và đa dạng là vấn đề mà nhiều DN vẫn đang loay hoay. Do đó Chương trình Đưa HVVNT được triển khai thực hiện được xem như một giải pháp “khai thông” cho hàng Việt về nông thôn.

Trong 2 năm 2011 và 2012, Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch đã tổ chức 14 lượt điểm bán hàng Việt ở nông thôn và 3 Phiên chợ HVVNT tại 10 huyện, thị, thành của tỉnh thu hút 72.500 lượt người tham quan, mua sắm với tổng doanh thu 3,1 tỷ đồng.

Riêng 9 tháng năm 2013, Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch đã tổ chức 6 đợt đưa HVVNT với doanh thu 4,1 tỷ đồng, thu hút 66.300 lượt khách đến tham quan, mua sắm.

Ngoài ra, các DN còn tự tổ chức bán hàng lưu động được Sở Công thương chấp nhận và thực hiện từ đầu năm 2013 đến nay, doanh thu đạt 3,1 tỷ đồng, thu hút 29.450 lượt khách tham quan, mua sắm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua dù DN nhiệt tình tham gia hay tham gia với tinh thần “ủng hộ” thì Chương trình Đưa HVVNT diễn ra trên địa bàn tỉnh vẫn còn với quy mô nhỏ lẻ, sự liên kết yếu.

Cũng có không ít DN chỉ coi chương trình này như là “hội chợ quê” để bán hàng, thậm chí là hàng lỗi mốt, hàng tồn… không có nhiều DN tính đến phương án dài hơi là lên kế hoạch quảng bá sản phẩm phù hợp hay xây dựng hệ thống phân phối chân rết ở thị trường nông thôn.

Mặc dù vậy nhưng để thực hiện được kế hoạch này không hề đơn giản vì chi phí xây dựng hệ thống phân phối rất khó khăn, tốn kém và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Do đó, mặc dù tỉnh đã tổ chức nhiều Phiên chợ HVVNT nhưng chưa thấy bóng dáng của một chương trình lớn có tính chất dài hạn và sau các phiên chợ cũng không có nhiều DN đầu tư phát triển, mở thêm đại lý ở thị trường nông thôn.

Sau khi tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và 2 Phiên chợ HVVNT ở huyện Cai Lậy và huyện Gò Công Đông, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA đã từng trăn trở: “Nếu chúng ta không triển khai mạnh mẽ theo chiều sâu, Chương trình Đưa HVVNT chỉ có thể dừng lại ở mức phong trào. Vì vậy, Nhà nước và các ban, ngành có liên quan cần tiếp sức cho các DN trong nước để họ tiếp tục đưa hàng nhiều hơn về nông thôn”.

Còn theo nhận định của các DN thì đưa HVVNT là một chương trình hay. Tuy nhiên, sức người và nguồn vốn đều có hạn, để trụ lại và đồng hành cùng người dân ở nông thôn thì cần phải có một chương trình xúc tiến lớn, một chiến lược và sự hỗ trợ lâu dài hơn từ phía Nhà nước. Bởi vì, nếu các cơ quan Nhà nước chỉ tạo “cú hích” rồi để tự phát triển thì chắc chắn chương trình quan trọng này có thể sẽ bị đứt đoạn. 

PHƯƠNG NGHI

.
.
.