Thứ Sáu, 13/12/2013, 16:27 (GMT+7)
.

Học sinh sử dụng xe đạp điện và vấn đề ATGT

Hiện nay, học sinh đi xe đạp điện (XĐĐ), xe máy điện (XMĐ) đến trường đã trở nên phổ biến. Có không ít trường, nhìn vào bãi giữ xe, mọi người không khỏi bất ngờ khi lượng XĐĐ chiếm hơn một nửa. Do thiếu hành lang pháp lý, cộng với sự tiện lợi nên tình trạng học sinh phổ thông sử dụng XĐĐ tham gia giao thông trên đường đang gia tăng và luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Tình trạng học sinh “làm xiếc” đối với XĐĐ, gây nguy hiểm cho bản thân người lái và người tham gia giao thông hiện nay như: Chở 3, chở 4, vượt đèn đỏ, đánh võng, dàn hàng ngang, không đội nón bảo hiểm (NBH), vừa đi vừa nghe nhạc… khó kiểm soát.

Đi xe đạp điện đội nón bảo hiểm để  đảm bảo an toàn. Ảnh: Ngọc Trung
Đi xe đạp điện đội nón bảo hiểm để đảm bảo an toàn. Ảnh: Ngọc Trung

Do bận công việc làm ăn, giá cả lại phải chăng (từ 7 - 10 triệu đồng 1 chiếc) nên nhiều phụ huynh đã chọn mua XĐĐ cho con em mình, vừa đỡ công đưa, đón, lại giúp con em chủ động trong các buổi học chính khóa, cũng như các giờ học thêm... XĐĐ được học sinh sử dụng nhiều vì phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu đi lại và khả năng kinh tế của các em. Gọi là “xe đạp”, nhưng nó chạy  nhanh không kém gì mô tô, bởi tốc độ tối đa lên đến 40-50 km/giờ.

Nguy hiểm hơn là XĐĐ chạy rất êm, hệ thống đèn xi nhan, còi phanh lại “phập phù”, không có gương chiếu hậu, không tạo ra tiếng nổ động cơ nên không gây được chú ý phòng tránh cho những người cùng tham gia giao thông.

Chính vì vậy, nguy cơ gây TNGT của XĐĐ không kém xe máy, trong khi phần lớn người điều khiển lại là học sinh, kỹ năng vận hành phương tiện chưa cao. Đặc biệt, dù luật đã quy định, người điều khiển XĐĐ phải đội NBH, nhưng đại đa số không đội. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ va chạm, TNGT do XĐĐ gây ra.

Một phụ huynh là tài xế ô tô lo ngại: “Hàng ngày lái xe trên đường, tôi sợ nhất là cảnh học sinh chở nhau trên XĐĐ đùa giỡn với bạn bè, bất chấp xe cộ lưu thông. Tôi thấy việc để cho các cháu tùy tiện sử dụng XĐĐ là rất nguy hiểm.

Thứ nhất, các cháu không được thi sát hạch, không phải lấy bằng như xe máy, nên việc hiểu biết về luật giao thông rất yếu, trong khi đó tốc độ vận hành trên đường phố của XĐĐ cũng bằng xe máy.

Thứ hai, đa phần các cháu đi XĐĐ đều không đội NBH, vì vậy khi xảy ra tai nạn thường là nghiêm trọng.

Thứ ba, ở tuổi của các cháu chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của tốc độ và TNGT, thiếu kinh nghiệm khi tham gia giao thông ở tốc độ cao”.

Gánh nặng cho xã hội là một chuyện, chỉ đáng tiếc và đáng trách là nhiều em đã tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của mình hoặc bị thương tật, dở dang việc học, sự nghiệp khi tương lai đang còn rất dài phía trước.

Học sinh là đối tượng đang sử dụng XĐĐ nhiều nhất. Chính vì vậy, việc phòng ngừa tai nạn và vi phạm pháp luật về giao thông luôn được quan tâm. Mỗi gia đình nên nhắc nhở, uốn nắn con cái về ý thức chấp hành ATGT khi sử dụng XĐĐ.

Ngành Công an cần phối hợp với các trường học xây dựng các biện pháp phòng ngừa, tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về việc tham gia giao thông bằng XĐĐ đến tận trường học và trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là việc phải đội NBH khi sử dụng xe đạp điện. Nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng trường học an toàn, lực lượng Cảnh sát giao thông yêu cầu các đơn vị, trường học phải quản lý, thống kê số lượng học sinh sử dụng phương tiện XĐĐ đến trường.

Những trường hợp vi phạm sẽ được thông báo về cho trường học, gia đình để cùng phối hợp giáo dục. Nghị định 34/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định rõ những hành vi vi phạm đối với xe đạp điện như: Không đội NBH, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, đi không đúng làn đường, đeo biển kiểm soát giả... sẽ bị xử phạt tiền, cao nhất có thể tịch thu phương tiện.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm vẫn khó xử lý, vì người sử dụng XĐĐ không cần có bằng lái nên không thể tạm giữ bằng; XĐĐ không cần giấy đăng ký nên không thể lập biên bản vi phạm và thu giữ giấy tờ xe… Việc áp dụng hình thức xử phạt tại chỗ cũng khó khăn vì đa phần đối tượng vi phạm là học sinh.

Lỗi vi phạm chủ yếu hiện nay là người sử dụng XĐĐ không đội NBH, nhưng luật không quy định không đội NBH thì bị tịch thu phương tiện… Do đó, nhiều trường hợp đi XĐĐ vi phạm quy định về ATGT, nhưng lực lượng CSGT chỉ nhắc nhở mà không áp dụng xử phạt theo quy định và lâu dần, việc chấp hành luật bị coi nhẹ.

Mới đây, trong cuộc họp rà soát và đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung liên quan nhằm đảm bảo ATGT cho người sử dụng XĐĐ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh sẽ siết chặt quản lý liên quan đến XĐĐ, xe máy điện. Đặc biệt, Vụ ATGT đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo thông tư quy định tốc độ của XĐĐ tham gia giao thông trên đường bộ và đường đô thị.

LÊ QUANG HUY

.
.
.