Thứ Tư, 23/12/2015, 15:24 (GMT+7)
.

Giải pháp nào cho xuất khẩu nông sản trong hội nhập?

Nông sản được nhận định là sẽ mất dần lợi thế trong tương lai, còn ngành chăn nuôi liệu có bị tổn thương và chấp nhận hy sinh khi hội nhập TPP? Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Nông sản đang “mất dần lợi thế”

Trong khi các mặt hàng như điện tử, dệt may tăng trưởng tốt, thì các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông, thủy sản có sự sụt giảm mạnh. Ông nhận định như thế nào về thực trạng này?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiện nay, nông, lâm, thủy sản đang là thế mạnh của Việt Nam, nhưng nếu xét trong trung và dài hạn thì những mặt hàng này sẽ mất dần lợi thế trong sản xuất và kinh doanh.

Vì vậy, muốn xây dựng nền kinh tế vững mạnh, định hướng của chúng ta vẫn là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại theo hướng bền vững, lâu dài.

Việc thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng… là yêu cầu tất yếu. Điều này được khẳng định trong Chiến lược xuất khẩu đến 2020, tầm nhìn 2025.

Ông vừa nói đến việc nông sản sẽ “mất dần lợi thế”. Nguyên nhân vì đâu và giải pháp nào cho xuất khẩu nông sản, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2014, các mặt hàng nông nghiệp tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng trên 10%, vì vậy, đến năm 2015, sự tăng trưởng này đã đến giới hạn, dẫn đến việc ngành hàng này không có điều kiện tăng trưởng cả về quy mô và số lượng.

Một nguyên nhân nữa khiến cho nông sản mất dần lợi thế chính là áp lực cạnh tranh từ các quốc gia khác, ví dụ rõ nhất là mặt hàng gạo: Trong 9 tháng năm 2015, gạo chịu áp lực cạnh tranh lớn từ Thái Lan, Ấn Độ, Myamar.

Thêm vào đó là nỗ lực tiếp cận thị trường, các chính sách nông nghiệp của các quốc gia… đã khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và bị co hẹp.

Việc tranh chấp thương mại của các nước, như các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trong nông sản, thủy sản… cũng gây khó khăn lớn cho việc phát triển thị trường, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ.

Và một khó khăn khác đối với ngành nông sản chính là xu thế bảo hộ mậu dịch của nhiều thị trường khiến cho hàng rào kỹ thuật đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm rất cao. Những yêu cầu khắt khe này gây khó khăn cho Việt Nam, vốn là nước có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, nhưng lại có điểm yếu là sự ổn định chất lượng sản phẩm chưa cao.

Qua thực tế năm 2015 cho thấy, cuộc cạnh tranh về thị trường đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, kể cả những ngành hàng có thế mạnh như nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến… đã đặt ra vấn đề tái cơ cấu sản xuất. Nếu chúng ta không tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta sẽ thất bại.

Chăn nuôi cần chính sách đủ mạnh

Năm 2016 được đánh giá là năm của hội nhập, trong khi ngành chăn nuôi lại được nhận định sẽ gặp rất nhiều thách thức, dễ bị tổn thương và chấp nhận hy sinh vì việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ từ hàng chục năm qua. Ông có cho rằng trong năm tới chăn nuôi sẽ thay đổi để có sức “đề kháng” tốt hơn không?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Thực tế, khi chưa có Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA khác, từ năm 2014 đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi của ngành nông nghiệp.

Đầu tiên, về mặt vĩ mô, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, cũng như các bộ, ngành liên quan đã ý thức được sự khó khăn đặt ra cho ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng khi TPP và các FTA có hiệu lực.

Ai cũng biết, ngành chăn nuôi với quy mô sản xuất cá thể nhỏ lẻ như hiện nay thì hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp. Chưa kể đến việc ta quá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài về con giống, canh tác, chế biến, nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi…

Rõ ràng, chúng ta đang gặp bất lợi lớn, thậm chí có thể dẫn đến đổ vỡ, thiệt hại rất cao trong nhiều phân ngành của lĩnh vực chăn nuôi.

Thế nhưng, trong giai đoạn năm 2014-2015, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã có những đề án rất lớn, rất kiên quyết, với đầu mối là Bộ NN&PTNT, về việc định hướng lại ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Đột phá rõ nhất là những cơ chế cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và chăn nuôi.

Chúng ta đã thấy các mô hình của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bên cạnh trồng mía đã nuôi bò, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á cũng đầu tư phát triển nuôi bò và chế biến sữa, hay mô hình chăn nuôi-trồng rau sạch của VinGroup…

Chúng ta cũng đang có nhiều chính sách tiêu chuẩn hóa để một mặt nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm có điều kiện tiếp cận thị trường thế giới để cạnh tranh, mặt khác để tạo điều kiện cho thị trường nội địa bền vững và phát triển đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Phải thừa nhận rằng, chúng ta không thể làm được tất cả và cũng không thể một sớm một chiều có được ngành kinh tế đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp bên ngoài, nhưng chắc chắn chúng ta phải có lựa chọn và có chính sách đủ mạnh, đủ hiệu quả cả về hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thực hiện các cam kết hội nhập.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.