Thứ Sáu, 18/12/2015, 14:38 (GMT+7)
.

Liên kết chuỗi giá trị: Yếu tố sống còn cho nông nghiệp thời hội nhập

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã có nhiều cơ chế, chính sách trong xây dựng và phát triển chuỗi giá trị. Đây được xem là bước đi thích hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và toàn diện.

Tuy nhiên, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu tính bền vững. Vậy đâu là “chìa khóa” để xây dựng và phát triển hiệu quả các mô hình chuỗi giá trị, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững?

Liên kết chuỗi giá trị là yếu tố sống còn cho nông nghiệp trong thời hội nhập.
Liên kết chuỗi giá trị là yếu tố sống còn cho nông nghiệp trong thời hội nhập.

YÊU CẦU BỨC BÁCH

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, những năm gần đây, sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) với các doanh nghiệp (DN) ngày càng phát triển.

Tuy vậy, theo những đánh giá mới nhất cho thấy, gần đây nền nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng nông sản thấp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nguyên nhân là do sau những thành công đổi mới thể chế kinh tế và cơ chế quản lý trong nông nghiệp ở thập kỷ 1990 và 2000, giờ đây ngành Nông nghiệp đang gặp phải những thách thức lớn. Nhiều cơ chế, chính sách trước đây mang lại những thành công nhưng ngày nay lại trở thành rào cản cho sự phát triển.

Trong khi lực lượng sản xuất (số lượng các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, khoa học - công nghệ…) liên tục phát triển thì các quan hệ sản xuất trong nông nghiệp lại chưa có sự đổi mới tương thích. Tình trạng sản xuất manh mún chưa được khắc phục, các mối liên kết dọc và ngang phát triển khó khăn. Những mối liên kết giữa DN và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn chậm phát triển.

Từ đó, ông Lê Quốc Doanh cho rằng chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu. “Từng người nông dân hoặc các THT, HTX nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế mà cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ (tổ chức của nông dân) với các DN thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế; đồng thời làm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Thấy rõ được ý nghĩa quan trọng này, thời gian qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng liên quan đến chính sách liên kết sản xuất nông sản.

Đặc biệt, sau khi Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, các tỉnh tích cực triển khai liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng Cánh đồng lớn (CĐL). Kết quả, đã có nhiều doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu gạo liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng tiêu thụ, cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật...

Không dừng lại ở cây lúa, mô hình CĐL đã bắt đầu mở rộng ra với nhiều cây trồng khác như trên rau, cây ăn quả và cây công nghiệp (như ngô, lạc, mía, chè, cà phê…). Không chỉ thế, giờ đây CĐL đã trở thành địa bàn của sự hợp tác, liên kết, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp dịch vụ công, nhất là đào tạo nghề nông nghiệp.

Liên kết sản xuất theo mô hình CĐL còn góp phần thúc đẩy sự phát triển các tổ chức nông dân. Tất nhiên, qua quá trình triển khai, tốc độ mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn chậm. Song qua đây có thể thấy rằng, bước đầu mô hình chuỗi giá trị đã mở ra cơ hội, điều kiện, tiền đề để phát triển, nhân rộng mạnh mẽ các hình thức liên kết này trên lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai.

CHỌN KHÂU ĐỘT PHÁ

Dù thời gian qua, Đảng và Nhà nước có những cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, các DN đã bắt đầu có hứng thú muốn tham gia sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, thế nhưng việc triển khai thực hiện việc phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thành công trong liên kết theo chuỗi giá trị thấp, tiến độ triển khai khá chậm, nhiều mô hình gặp khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song theo các chuyên gia, nguyên nhân quan trọng là vai trò của Nhà nước; cơ chế, chính sách cũng như trách nhiệm của các bên có liên quan tham gia liên kết. Và trong liên kết, không chỉ có hình thức liên kết dọc giữa nông dân với DN, mà còn là liên kết ngang giữa nông dân với nông dân, DN với DN.

Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc có hàng ngàn mô hình CĐL được liên kết, xây dựng ở các địa phương với khoảng 556,9 ngàn ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 452,7 ngàn ha.

Với quy mô diện tích gieo cấy lớn, thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hình thức liên kết theo mô hình CĐL đã giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và thời gian cho người dân.

Theo đánh giá, ở ĐBSCL mỗi ha lúa trong mô hình CĐL có năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với diện tích ngoài mô hình và nông dân tham gia mô hình thu lời thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình CĐL còn giúp tạo ra các vùng lúa đặc thù phục vụ xuất khẩu gạo cao cấp.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, trong thời giao thương quốc tế, nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu.

Thế nhưng sản phẩm phải đạt chuẩn chất lượng an toàn quốc tế, giá thành cạnh tranh, khối lượng lớn và giao hàng đúng lúc theo hợp đồng là thách thức rất lớn đối với nông dân ta. Bởi do phần lớn nông dân ta còn làm ăn cá thể theo kinh nghiệm. Nếu không muốn bị thua thiệt (do làm ăn riêng lẻ và chỉ bán sản phẩm nguyên liệu thô), không còn cách nào khác là các cá thể nông dân phải tập hợp lại với nhau để làm.

Nghị quyết 26 của Trung ương và Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý để tổ chức sản xuất và chế biến sản phẩm có đầu ra ổn định. Nhưng ai là người đứng ra tổ chức? Tổ chức phải như thế nào? Theo ông, vai trò của Nhà nước là tạo điều kiện cho các DN có tâm huyết và kỹ thuật chuyên môn, kết hợp với chương trình công nghiệp hóa khâu sản xuất từng sản phẩm nông nghiệp đặc thù của từng vùng lãnh thổ. 

“Chuỗi giá trị trong nông nghiệp đầu tiên là kiểm soát chất lượng sản phẩm để tồn tại và cạnh tranh” - TS. Trần Du Lịch nói. Thế nhưng, theo ông, hiện nay việc triển khai và nhân rộng mô hình liên kết chuỗi giá trị còn rất khó khăn.

Để phát triển chuỗi giá trị, ông cho rằng, chúng ta cần phải xác định yếu tố quyết định hình thành và phát triển chuỗi giá trị. Đó là DN, HTX cộng với những chính sách “đòn bẩy”, cùng sự tham gia trách nhiệm của các bên.

Nhưng vấn đề ở chỗ là HTX nông nghiệp đang rất khó khăn, vì thế chúng ta cần phải tổ chức lại các đơn vị của thành phần kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng, đòi hỏi phải có “cái đầu của một nhà DN và trái tim của một nhà từ thiện”.

NGÔ VĂN

.
.
.