Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững
Cùng với việc ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này cũng là bước cụ thể hóa sinh động trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh.
Khách du lịch đến với Tiền Giang ngày càng tăng. Ảnh: Vân Anh |
Nằm ở cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là một vùng sông nước có phong cảnh hữu tình. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh (21 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 125 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 24 khu và điểm du lịch chính cùng 14 làng nghề truyền thống) và là điểm đến của các tour du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng khu vực phía Nam được biết đến với loại hình du lịch xanh. Những năm gần đây, lượng du khách đến tỉnh tăng nhanh, với mức tăng bình quân 10%/năm. Năm 2016, tỉnh đón khoảng 1,6 triệu lượt du khách trong và ngoài nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra quan điểm về phát triển du lịch phải trên cơ sở khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên, sinh thái truyền thống văn hóa lịch sử của tỉnh; đầu tư và thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch tiềm năng; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ du lịch. Xúc tiến mời gọi đầu tư để xây dựng các khách sạn cao cấp; nâng cấp, cải tạo các cơ sở lưu trú và phát triển các mô hình dịch vụ nghỉ đêm tại nhà dân. Đầu tư phát triển các nhà hàng ẩm thực tập hợp các món ăn đặc sản của các địa phương trong tỉnh. Trong Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, quan điểm chính là phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử của tỉnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững. Phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp; lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm động lực thu hút khách du lịch; đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác, như du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch thể thao... Phát triển du lịch phải thực sự được xem là ngành kinh tế tổng hợp, có tính ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của Tiền Giang...
Nghị quyết đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2020 đón khoảng 2,2 triệu lượt khách, tăng bình quân 8 - 10%, trong đó có trên 900.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 7.300 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%; có ít nhất 290 cơ sở lưu trú và 34.800 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 7.000 lao động trực tiếp. Trong Nghị quyết, Tỉnh ủy cũng đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm có tính khả thi để thực hiện trong thời gian tới như: Coi trọng thực hiện đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát triển du lịch xanh bền vững, mời gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với du lịch cộng đồng; tăng cường xã hội hóa hoạt động du lịch; huy động vốn của các thành phần kinh tế, của người dân tham gia kinh doanh du lịch thông qua việc xây dựng tuyến - điểm du lịch, homestay…
Tin tưởng rằng, Nghị quyết 11-NQ/TU đúng đắn, được chuẩn bị chu đáo sẽ được các cấp, các ngành triển khai chặt chẽ, bài bản, khoa học, nhằm tạo sự phát triển về chất trong phát triển du lịch tỉnh nhà theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững trong thời gian tới.
NHƯ NGỌC