Thứ Bảy, 15/04/2017, 06:59 (GMT+7)
.

Xuất khẩu thủy sản: Cơ hội và những rủi ro tiềm ẩn

Thị trường Trung Quốc đang được xem là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Sau nhiều năm, thủy sản XK, một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh đã “quay đầu” tăng tốc. Theo số liệu của Sở Công thương, tính đến hết quý I-2017, thủy sản XK thực hiện đạt trên 44.000 tấn, trị giá trên 88 triệu USD, tăng hơn 57% về lượng và tăng hơn 56% về trị giá. Đây cũng được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng trong cơ cấu hàng XK trong những tháng đầu năm 2017 của Tiền Giang.

Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam.
Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam.

Là DN chuyên chế biến XK thủy sản, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền nhận định, trong thời gian qua tình hình XK thủy sản có tăng cả về doanh số lẫn giá cả, kèm theo đó hiệu quả kinh doanh trong quý I-2017 của công ty cũng tốt hơn so với cùng kỳ. Đánh giá về thị trường XK, theo bà Ánh, Mỹ luôn là thị trường chủ lực, có giá bán tốt nhưng hiện nay chưa có nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất sang thị trường này. Phần lớn các DN thủy sản XK xuất sang thị trường châu Âu. Thị trường này có mức tiêu thụ ổn định nhưng chủ yếu tiêu thụ loại cá có kích cỡ nhỏ, ít tiêu thụ loại cá vượt đàn; giá bán cá vào thị trường này có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với mức tăng giá của nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, một số thị trường tiêu thụ khác có dấu hiệu lạc quan hơn trong những tháng đầu năm 2017 như: Trung Đông, Ai Cập và đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Đánh giá về sự tăng trưởng XK thủy sản gần đây, đặc biệt là những ẩn số về thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng đưa ra nhận định, tình hình XK thủy sản trong quý I có khởi sắc. Điểm đặc biệt năm nay là có yếu tố thị trường Trung Quốc. Chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, tỷ lệ sản phẩm XK của công ty sang thị trường Trung Quốc đã chiếm khoảng 15 - 20% trong cơ cấu thủy sản XK. Thị trường này thời gian gần đây chiếm thị phần rất lớn lượng thủy sản của Việt Nam nói chung và cá tra XK nói riêng. Trên bình diện tổng thể, từ đầu năm 2017 đến nay, tăng trưởng về XK thủy sản so với cùng kỳ khoảng 10 - 15%, trong khi đó thị trường Trung Quốc tăng thị phần gấp 2 lần và hiện tăng hơn 25% chỉ riêng đối với mặt hàng cá tra. “Từ nay đến cuối năm, XK thủy sản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, dự kiến vẫn duy trì mức tăng từ 10 - 15%. Nếu thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh hơn nữa thì tỷ lệ tăng trưởng XK thủy sản sẽ cao hơn”- ông Nguyễn Văn Đạo nhận định.
Theo đánh giá của các DN chế biến XK, trên bình diện chung, hiện nay nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ vẫn ở mức cao, thị trường châu Âu cũng ở mức tương đối nhưng thị trường Trung Quốc lại rất cao.

Thị trường Trung Quốc vẫn còn hứa hẹn nhiều tiềm năng nhờ dân số đông, thị trường rộng và mặt hàng cá tra có lẽ phù hợp với túi tiền của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, dự báo cũng được đưa ra là các DN XK cũng cần cân đối lượng tiêu thụ ở các thị trường, chứ không thể dồn hết vào thị trường Trung Quốc. Theo quan điểm của DN, Trung Quốc là thị trường dễ tính nhưng DN cũng cần duy trì chất lượng sản phẩm mang tính ổn định để có thương hiệu cá tra Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ các thị trường tiêu thụ khác, đối với thị trường Trung Quốc cần được thực hiện một cách bài bản từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến việc chế biến, nuôi trồng đảm bảo việc tiêu thụ tăng trưởng tốt, ổn định và bền vững.

Tuy nhiên, theo nhận định của các DN chế biến thủy sản XK, không thể lấy thị trường Trung Quốc làm chuẩn. Bởi điểm cơ bản đối với thị trường này là chất lượng sản phẩm không ổn định, chủ yếu tiêu thụ loại cá có kích cỡ nhỏ. Điều đặc biệt của thị trường Trung Quốc là tiêu thụ loại cá xẻ bướm, có kích cỡ từ 300 - 400 g/con. Nếu DN đổ xô bán cho thị trường này càng làm tăng tính khan hiếm của các nguyên liệu trong nước. Nếu nhìn trước mắt bán cho thị trường Trung Quốc có giá tương đối cao nhưng về lâu dài sẽ không có hiệu quả. Bởi bắt đầu con cá giống từ 1 cm (tính theo chiều ngang - PV) cho đến 300 - 400 g mất đến 4 tháng nuôi, trong khi trong 3 tháng nuôi còn lại, mỗi tháng cá có thể tăng 200 g. Nếu bán cho thị trường Trung Quốc khi cá cỡ 300 - 400 g tính ra hiệu quả không cao do giá con giống hiện tại cũng khoảng 1.000 đồng/con. “Đối với thị trường Trung Quốc, trước tiên là không mang tính ổn định. Nếu nhà máy sản xuất cứ chạy theo tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc thì tay nghề của công nhân bị ảnh hưởng. Điểm cần lưu ý thứ hai, Trung Quốc không là thị trường chính mà chỉ mang tính tạm thời và trong giao dịch với thị trường này các DN cần cẩn thận trong việc thanh toán”- bà Ánh khuyến cáo.

PHƯƠNG ANH

XK thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thị trường cá tra nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn biến sôi động trong tháng 3 với mức tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước và hiện ở mức 24.000 - 26.500 đồng/kg tùy loại. Do khan hiếm nguồn cung, người nuôi và bán cá tra hiện nay đã có lãi từ 500 - 1.000 đồng/kg. Lý giải về hiện tượng khan hiếm nguyên liệu, bà Nguyễn Thị Ánh cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, người dân đổ xô nuôi cá tra nguyên liệu nhưng Nhà nước chưa cân đối được cung cầu nên sau từ 6 - 7 tháng bắt đầu thu hoạch rộ với số lượng lớn dẫn đến giá nguyên liệu giảm xuống, người nuôi bị lỗ, bỏ ao. Do đó, từ tháng 6 năm 2016, người dân đã ngưng thả giống dẫn đến đầu năm 2017 không có nguồn cá nguyên liệu. Cùng lúc đó, người làm cá giống cũng bị lỗ nên không ương giống. Đến thời điểm hiện tại, con giống vẫn thiếu, chưa kể những cơn mưa đầu mùa làm cho tỷ lệ hao hụt cá giống ở mức rất cao so với nhiều năm trước. Điều này dẫn đến tình trạng giá cá tra giống hiện tại cũng ở mức rất cao, hút hàng.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, giá trị XK thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016. Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Các thị trường có giá trị XK thủy sản tăng mạnh là: Brazil (67,6%), Hà Lan (55,6%), Nhật Bản (28,5%), Canada (24,3%), Trung Quốc (19,5%) và Hàn Quốc (13,5%)...

 

.
.
.