.

Bán gạo nhiều cho thị trường Trung Quốc: Đáng mừng hay đáng lo?

Cập nhật: 10:57, 13/08/2018 (GMT+7)

Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc vừa vào tận vựa lúa miền Tây tìm kiếm cơ hội mua gạo với các doanh nghiệp trong nước cho thấy nhu cầu mặt hàng này từ quốc gia đông dân nhất thế giới rất lớn. Vậy, Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo Việt Nam liệu có đáng lo như đã xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp khác?

Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo Việt Nam liệu có đáng lo? Ảnh: Trung Chánh
Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo Việt Nam liệu có đáng lo? Ảnh: Trung Chánh

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho rằng, Trung Quốc là quốc gia lớn, đông dân nhất thế giới cho nên nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng là tất yếu.

Theo ông, việc mở rộng tiêu thụ gạo sang thị trường Trung Quốc là điều tốt, chứ không đáng lo như những mặt hàng nông sản khác. “Vấn đề quan trọng là phải có giá cạnh tranh và chất lượng tốt để khai thác thị trường này” - ông nhấn mạnh và nói rằng không có nơi nào tiêu thụ số lượng gạo lớn bằng thị trường Trung Quốc.

Có cùng quan điểm, một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xin không nêu tên cho rằng, đặc điểm của ngành ngành lúa gạo khác với những loại nông, thủy sản khác, cho nên, việc gia tăng nhập khẩu gạo từ Trung Quốc đáng mừng hơn là lo.

Cụ thể, theo vị này, diện tích sản xuất lúa hàng năm của Việt Nam trong một thời gian dài luôn duy trì ổn định, dù thị trường tiêu thụ lên hay xuống. Trong khi đó, với những loại cây trồng khác, thường xảy ra tình trạng biến động mạnh theo nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

“Chẳng hạn, với cây mít Thái hoặc khoai lang tím Nhật, thậm chí ngành cá tra hay chăn nuôi heo khi Trung Quốc gia tăng tiêu thụ, lập tức diện tích, sản lượng cũng được nông dân tăng mạnh, do phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc” - vị này dẫn chứng và cho rằng khi Trung Quốc “ngưng ăn hàng” lập tực phải “giải cứu” vì không còn nơi nào tiêu thụ cho hết.

Trong khi đó, với ngành lúa gạo, trong nhiều năm liền, diện tích sản xuất duy trì ổn định và Trung Quốc cũng luôn giữ nhịp độ nhập khẩu khoảng trên dưới 30% tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch hàng năm của Việt Nam.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích sản xuất lúa riêng ở ĐBSCL, nơi cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, luôn ổn định đối với vụ đông xuân và hè thu khoảng 1,5 - 1,6 triệu ha/vụ và vụ thu đông khoảng 800.000 - 900.000 ha.

Một điều quan trọng nữa đó là ngoài thị trường Trung Quốc, gạo Việt Nam vẫn được xuất khẩu mạnh sang các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Malaysia, Cuba, Ghana, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông…, cho nên, phần nào các thị trường này cũng tạo được thế cân bằng, ổn định cho ngành hàng này, không giống như những loại cây trồng khác là diện tích tăng đột biến, trong khi tiêu thụ địa chỉ duy nhất ở Trung Quốc.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi cho rằng, khi sản xuất không chạy theo nhu cầu, tức khi thị trường gia tăng, nhưng sản xuất vẫn giữ ổn định, thì việc tăng mạnh nhập khẩu của Trung Quốc là điều tốt.

“Khi đó, chúng ta sẽ có quyền quyết định nhiều hơn”, ông nói và cho rằng trong trường hợp Trung Quốc giảm nhập khẩu cũng không quá ảnh hưởng vì nhịp độ sản xuất vốn đã ổn định từ trước. “Tất nhiên, khi đó việc đàm phán sẽ có khó khăn hơn” - ông Phong nói.

Chẳng những không lo lắng việc Trung Quốc “ăn” nhiều gạo Việt, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ còn yêu cầu doanh nghiệp gia tăng đàm phán với phía Trung Quốc để được xuất khẩu chính ngạch nhiều hơn vào quốc gia này vì số doanh nghiệp của địa phương được bán trực tiếp vào Trung Quốc còn ít.

Ông Quỳnh cho biết, vấn đề đối với thị trường Trung Quốc: thứ nhất, là phải nâng cao được chất lượng sản phẩm; thứ hai, là phải có giá thành cạnh tranh. “Cái quan trọng là sản xuất của mình phải xây dựng theo hướng nông nghiệp bền vững, tức phải hạ giá thành, nâng cao chất lượng” - ông cho biết.

(Theo thesaigontimes.vn)
 

.
.
.