Nghĩ về lời cam kết của Chính phủ
Cập nhật: 21:51, 07/04/2019 (GMT+7)
(ABO) Là người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ai mà không trăn trở với hệ thống giao thông vẫn còn nhiều hạn chế của khu vực.
Điểm nghẽn về giao thông cũng là "điểm tắc" trong kết nối vựa lúa lớn nhất nước với thành phố Hồ Chí Minh và cả nước; qua đó kìm hãm sự phát triển của khu vực nhiều tiềm năng, thế mạnh. Nhìn dòng người, xe rồng rắn nối nhau, kẹt cứng trên QL1 mỗi dịp lễ, tết mới "cảm được" những phấn chấn, kỳ vọng của người dân miền Tây trước cam kết của người đứng đầu Chính phủ về việc triển khai các dự án giao thông khu vực ĐBSCL vào ngày 5-4-2019 tại Cần Thơ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ “ Hôm nay, Bộ trưởng Bộ GTVT đã công bố chương trình phát triển GTVT ở ĐBSCL, tuy còn điểm này, điểm khác cần điều chỉnh, nhưng có thể nói đó là một cam kết của Chính phủ, của Bộ GTVT trước 20 triệu người dân ĐBSCL về vấn đề hạ tầng ở đây". Thủ tướng nhấn mạnh, cam kết này sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời để giải quyết bức xúc hiện nay đối với ĐBSCL, trước hết là tuyến đường bộ Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, phải được thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021.
Trước đó Bộ GTVT đã trình bày các dự án hạ tầng kết nối khu vực ĐBSCL; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết đã có kế hoạch bố trí vốn khoảng 18.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những tín hiệu vui cho người dân ĐBSCL.
Bởi 44 năm sau ngày thống nhất đất nước, một chặng đường không phải ngắn của sự phát triển, ĐBSCL đã có nhiều thay đổi trên các lĩnh vực, trong đó có hệ thống giao thông. Nhưng với tốc độ phát triển, nhu cầu thực tế của khu vực trong xu thế hội nhập thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta đã có cây cầu huyết mạch, kết nối giao thông khu vực, đó là những nét chấm phá quan trọng cho bức tranh miền Tây sông nước thêm khởi sắc.
Tuy hạ tầng giao thông đã cơ bản, nhưng để hoàn thiện và là động lực thực sự cho sự “cất cánh” cho vùng đất chín Rồng, thì vẫn còn nhiều việc phía trước. Bởi nhiều dự án cầu đã xong, nhưng đường thì vẫn chưa đồng bộ và ngược lại; những tuyến quốc lộ về miền Tây vẫn còn nhiều điểm nghẽn, vẫn còn những quốc lộ mang dáng vóc “đồng bằng” nhỏ hẹp. Nhiều dự án giao thông quan trọng vẫn còn đang gặp khó khăn về vốn, trong đó đặc biệt là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ, một dự án đang được chờ đợi và kỳ vọng rất nhiều của người dân ĐBSCL.
Cảm nhận những thay đổi, nhìn thẳng vào thực tế hôm nay và suy nghĩ về ngày mai để cùng tin tưởng và kỳ vọng. Kỳ vọng vào cam kết của Chính phủ về một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, tạo động lực cho vùng đất được xem là nhiều tiềm năng, thế mạnh có điều kiện bứt phá vươn lên.
DS