.

Năng lực sử dụng nhân tài: "Khéo chọn và khéo dùng"

Cập nhật: 11:17, 07/08/2019 (GMT+7)

Những năm đầu sau khi đất nước được độc lập (ngày 2-9-1945), trừ lĩnh vực chính trị, còn tất cả các lĩnh vực khác, nguồn nhân lực cho đất nước thời đó đều được đào tạo trong hệ thống các trường học của đế quốc, ở chính quốc cũng như ở thuộc địa.

Lấy đâu ra nhân tài để kháng chiến và kiến quốc? Bác Hồ đã đưa ra một nguyên lý, nay đọc lại vẫn tươi nguyên giá trị. Bác không nói tới việc đào tạo nhân tài, vì lúc đó Nhà nước ta mới bắt tay đào tạo, mà nói đến việc “khéo chọn” và “khéo sử dụng nhân tài”.

Trên Báo Cứu quốc, Bác giải thích rõ quan điểm của mình: “Việc dùng nhân tài không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe”, bởi “Tài to thì ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt vào việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì thì ta đặt vào việc ấy…

Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được. Biết dùng người ta sẽ không lo thiếu cán bộ”.

Như thế là, trong ý niệm của Bác Hồ, điều quan trọng là phải nhận biết và khai thác năng lực của mỗi người vào những mục tiêu đúng đắn.

Phát triển ý niệm ấy, Bác còn viết: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm”.

“Khéo dùng người”, như cách nói của Bác Hồ còn quan trọng hơn cả đào tạo nhân tài. Không bàn về việc bỏ ra bao nhiều tiền có thể đào tạo nhân tài được hay không. Vì lẽ, nhân tài là, nếu được đào tạo sẽ được sử dụng như thế nào và ai là người sử dụng họ.

Cứ theo cách tư duy của Bác Hồ thì vấn đề mấu chốt cho việc phát huy nhân tài là ở phía người sử dụng nhân tài, chứ không phải là chính nhân tài. Biết bao nhân tài đã không hay chưa được sử dụng? Trong chuyên mục “Chào buổi sáng” của Báo Văn hóa, tác giả Nguyễn Thế Thịnh có nêu vấn đề: Bằng cấp và nhân tài.

“Có hai vấn đề đặt ra ở đây, một là, vấn nạn bằng cấp giả, mua bán bằng cấp như hiện nay, lấy tiêu chí bằng cấp là chưa ổn; hai là, chúng ta từng biết, nếu bằng cấp đúng, thì người học giỏi chưa chắc đã là người ra trường làm việc xuất sắc, bởi vì, nếu người có cá tính, họ chỉ mê một vấn đề nào đó và thường coi nhẹ vấn đề khác nên không được điểm cao toàn diện để trở thành học sinh giỏi”.

Còn chuyện mới xảy ra năm trước, có khá nhiều thủ khoa “dỏm” được nâng điểm (gian lận thi cử) ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…, làm dư luận nghi ngờ về chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực - nhân tài của đất nước sau này.

Tiến sĩ Trần Văn Thọ làm việc tại Nhật Bản, trong lần nói chuyện với trí thức ở TP. Đà Nẵng, đã đặt ra vấn đề này. Theo ông, người có bằng cấp cao có thể là nhân tài, nhưng nhân tài thì không hẳn là người có bằng cấp cao.

Đơn cử, cách đây vài năm, có một nữ thủ môn tài năng, nhiều kinh nghiệm được giới chuyên môn tín nhiệm cử làm huấn luyện viên thủ môn cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, nhưng không được lãnh đạo ngành chấp nhận chỉ vì không có bằng cấp, để rồi chọn một ông có bằng cấp nhưng chưa bao giờ bắt gôn và huấn luyện thủ môn…

Thiết nghĩ, để đất nước phát triển với hàm lượng chất xám ngày càng cao, việc đào tạo nhân tài là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là việc nâng cao năng lực sử dụng nhân tài, mà Bác Hồ gọi là “khéo dùng nhân tài”.

Và, đừng quên rằng, nhân tài đời nào cũng có, vấn đề là sử dụng nhân tài như thế nào để phát huy năng lực của họ mới là điều quan trọng. Do vậy, đào tạo những người khéo dùng nhân tài còn khó hơn và cần hơn là đào tạo nhân tài.

LÊ HỒNG LÂM

.
.
.