Đưa tin về dịch COVID-19 như thế nào cho đúng?
Cập nhật: 21:42, 12/03/2020 (GMT+7)
Với các thông tin về dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm, các tòa soạn cần phải thể hiện trách nhiệm với xã hội qua từng bài viết, bức ảnh, đoạn video, chứ không phải là chuyện tăng lượng truy cập.
Ngày 12-3, trên trang FB cá nhân, Nhà báo, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh đã có bài viết chia sẻ vấn đề "Đưa tin về dịch COVID-19 như thế nào cho đúng?". ABO trân trọng giới thiệu bài chia sẻ này tới quý độc giả.
"Có thể nói đợt thông tin về dịch COVID-19 kéo dài suốt gần 2 tháng qua là một đợt thông tin chưa từng thấy trên báo chí toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện bất ngờ trên thế giới trong những năm qua – từ những vụ bê bối chính trị, những vụ tấn công quân sự, các vụ đảo chính, các cuộc khủng hoảng tài chính hay những thảm họa thiên nhiên, môi trường… vô cùng kinh khủng – nhưng có lẽ chẳng có sự kiện nào mà mỗi thông tin đều có thể liên quan đến cộng đồng như thông tin về con virus corona hiện nay.
Trong nhiều diễn đàn, nhiều nhóm trao đổi về báo chí, chúng ta thấy rõ không khí chống dịch như chống giặc của xã hội và sự nỗ lực to lớn của giới báo chí.
Nhưng đâu đó vẫn có những bài viết, những tiêu đề khiến người làm báo chúng ta phải chau mày, phải nghĩ suy; đâu đó vẫn có những đồng nghiệp mà mối quan tâm chính của họ đối với một bài viết vẫn là việc có bao nhiêu pageview; vẫn có những tranh luận rằng một thông tin có thực mà tại sao lại không nên đăng tải, một bài dịch kết quả nghiên cứu khoa học của nước ngoài tưởng chừng cung cấp thêm kiến thức cho độc giả thì lại gây nên một nỗi lo sợ rộng khắp.
Cần khẳng định rằng đưa tin về dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm, là việc không hề đơn giản, nó khác với lối làm báo thông thường. Và hơn bao giờ hết, các tòa soạn cần phải thể hiện trách nhiệm với xã hội qua từng bài viết, từng bức ảnh hay đoạn video, chứ không phải là chuyện tăng được lượng truy cập.
Bây giờ mới chính là lúc mà đứng trước một thông tin, phóng viên và tòa soạn phải quyết định có đăng tải hay không và đăng như thế nào để vừa cung cấp được thông tin cần thiết giúp mọi người không chủ quan với dịch bệnh, lại không làm cho xã hội hoảng loạn.
David Gillmor là một nhà văn đồng thời là cây viết kỳ cựu về lĩnh vực công nghệ, giám đốc của News Co/Lab – một sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức và nhận thức về tin tức, tại Trường Báo chí và Truyền thông đại chúng Walter Cronkite thuộc Đại học bang Arizona (Mỹ). Chuyên gia nghiên cứu về tương lai báo chí này cho rằng việc đưa tin về dịch COVID-19 đòi hỏi một sự tập trung đặc biệt, một lối tư duy khác, và phải cởi mở hơn để hợp tác với giới khoa học và chuyên môn. Ông khẳng định bất kỳ hoạt động đưa tin nào về dịch bệnh này cũng phải bình tĩnh, chính xác, minh bạch và hữu ích, và báo chí phải hợp tác với nhiều đơn vị khác.
Dưới đây là một số gợi ý của ông dành cho các tòa soạn khi đưa tin về dịch COVID-19:
Bình tĩnh nhưng quyết đoán, vì sự hoang mang có thể gây thêm nhiều thiệt hại hơn chính bản thân con virus, nếu sự hoang mang đó biến thành cơn hoảng loạn của xã hội. Cần phải bác bỏ những lời dối trả bằng sự thực, thúc đẩy những bản năng tốt đẹp bẩm sinh của cộng đồng, và ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử. Những nhà báo kích thích sự hoảng loạn chính là tự làm đôi tay họ vấy máu.
Rộng, nhưng phải sâu, vì đa phần những thông tin nông choèn mà chúng ta thấy trên báo chí thì chỉ có giá trị câu view chứ chẳng tốt đẹp gì cho công chúng. Cố gắng càng có nhiều góc nhìn càng tốt – với những bài viết đạt tiêu chuẩn cao – nhưng đừng quên nhiệm vụ tổng thể.
Chính xác, bởi mỗi lỗi lầm mà phóng viên mắc phải vào thời điểm như thế này thì sẽ tạo ra một vết thương nữa đối với niềm tin của độc giả, chưa nói đến nguy cơ gây hại cho các cộng đồng mà chúng ta đang phụng sự.
Minh bạch, vì ai cũng thể mắc sai lầm dù chúng ta đã rất cố gắng để làm cho đúng. Hãy cố gắng hơn nữa, nhưng khi mắc sai lầm thì hãy khắc phục ngay và thông báo cho những người đã chứng kiến sai lầm đó, nếu có thể. Minh bạch là cách để tạo niềm tin, chớ có che giấu hoặc lừa dối độc giả.
Tăng cường tương tác, nhất là ở cấp độ địa phương, hay nói cách khác là kết nối với mọi người và cộng đồng thông qua việc trao đổi sâu và hợp tác, chẳng hạn như các thư viện hoặc các hiệp hội.
Kiên quyết chỉ làm những việc hữu ích. Mặc kệ những người khác làm những chuyện lặt vặt, cho dù chúng giúp họ tăng lược truy cập. Hãy hành động có trách nhiệm để có thể giúp đỡ mọi người được nhiều nhất.
Hãy thiết lập “phòng chỉ huy chiến dịch” với thành phần là các biên tập viên kinh nghiệm, các chuyên gia về đồ họa, các phóng viên (nhất là các phóng viên chuyển theo dõi mảng khoa học, chứ không phải là phóng viên nội chính), các chuyên gia xử lý dữ liệu, cũng như những người có chuyên môn cao và tư duy phụng sự công chúng, nhằm tạo ra sự phối hợp hiệu quả nhất. Đứng đầu chiến dịch này phải là người hiểu rõ về báo chí đồng thời là chuyên gia điều phối các dự án phức tạp trong bối cảnh có khủng hoảng.
Sau đó thành lập một trang kiểu như Wikipedia, cung cấp từ những thông tin cơ bản, trong đó có các bài viết và video (ví dụ cách rửa tay đúng cách) với nhiều đường liên kết (link) được tổ chức gọn gàng, gắn với những thông tin chất lượng cao nhất từ các nguồn tin cậy, chẳng hạn như các cơ quan chính phủ, các nhà khoa học, các tạp chí y khoa, v,v...
Hãy lập một danh sách chi tiết những gì chúng ta đã biết và những gì chưa biết: không phải là phỏng đoán mà phải là những điều chắc chắn. Chẳng hạn sau đây là những điều chúng ta không biết: tỷ lệ tử vong – chúng ta không biết vì không hề nắm được có bao nhiêu người nhiễm, bao nhiêu người không có triệu chứng, v,v… Mỗi con số xuất hiện đều phải được đặt trong ngữ cảnh và giải thích, và nếu lời giải thích mới dừng ở phỏng đoán thì chớ có đăng tải. Đừng tạo thêm những nỗi sợ hãi không cần thiết.
Hãy lập một trang “Những câu hỏi thường gặp” (FAQ) và sắp xếp theo chủ đề.
Nếu các chuyên gia không nhất trí về điều gì đó thì hãy giải thích lý do tại sao họ không nhất trí, chứ đừng chỉ dẫn lời hai phía, bởi như vậy không phải là báo chí.
Đưa thông tin về virus corona và sự lây lan của nó thì đúng rồi, nhưng không chỉ có vậy mà nên gắn với những thông tin có thể giúp công chúng hiểu về tình hình chung và những gì sẽ xảy đến trong vài tháng hoặc vài năm nữa. Hãy mời các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đưa ra những ý kiến đóng góp về các chủ đề khác nữa ngoài những mối quan tâm về y tế. Mọi người đều muốn góp sức, và hãy tạo điều kiện cho họ.
Khi thông tin thay đổi, hãy cập nhật vào các bài viết. Những người lần đầu đọc các nội dung đó cần được cung cấp những thông tin đầy đủ nhất. Cũng cần có nút “Theo dõi” đề những người đã đọc cũng được bổ sung các chi tiết mới".
(Theo enternews.vn)