Trung Quốc xả nước thủy điện có "cứu" ĐBSCL thoát được hạn, mặn?
Trung Quốc tuyên bố xả nước các đập thủy điện để giúp những quốc gia hạ lưu sông Mekong đối phó với khô hạn, xâm nhập mặn. Thế nhưng, liệu việc này có thật sự "cứu" được Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thoát khỏi hạn, mặn hay không?
Trung Quốc xả đập thủy điện có cứu ĐBSCL thoát khỏi hạn, mặn hay không? Trong ảnh là người dân Tiền Giang bên thửa ruộng bị thiệt hại do hạn, mặn. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Tường thuật hôm 20-2 trên Báo Tuổi Trẻ trong bài viết “Trung Quốc tuyên bố xả nước đập thủy điện cứu sông Mekong” nhân cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần 5 (diễn ra ở Lào), ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết, quốc gia này đang tăng dòng chảy của sông Lan Thương (cách gọi sông Mekong đoạn qua Trung Quốc) để giúp các quốc gia phía hạ lưu đối phó với tình trạng khô hạn.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, liệu việc xả nước đập thủy điện của Trung Quốc có thật sự cứu được ĐBSCL của Việt Nam thoát khỏi hạn hán, xâm nhập mặn đang gay gắt như hiện nay hay không?
Trao đổi liên quan câu chuyện xả nước của thủy điện Trung Quốc, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập cho biết, sông Mekong được chia làm hai đoạn. Đoạn qua địa phận Trung Quốc dài hơn 2.000 km được gọi là Lan Thương và bên dưới được gọi là Mekong (có nghĩa là dòng sông mẹ vĩ đại trong tiếng Thái).
Theo ông Thiện, sông Mekong qua Trung Quốc dù rất dài, nhưng bề ngang vùng lưu vực khá hẹp, nên lượng nước không nhiều.
Cụ thể, phần của Trung Quốc đóng góp vào khoảng 16% lượng nước, phần của Myanmar đóng góp 2%. Còn lại 82% là ở hạ lưu vực, mà cụ thể phần Lào đóng góp đến 35%, Thái Lan và Campuchia, mỗi nơi đóng góp 18%, còn lại 11% là từ Tây Nguyên đổ xuống và mưa tại chỗ ở ĐBSCL.
“Thật ra thủy điện Trung Quốc tác động chủ yếu tới vấn đề phù sa và cát tại ĐBSCL. Lượng nước không phải là chuyện chính, nó chỉ thành vấn đề vào những năm khô hạn, mưa ít”, ông Thiện nhận định.
Theo ông Thiện, phần lớn lượng nước về ĐBSCL từ phần hạ lưu vực (tức phần 82%), mà nước ở hạ lưu phụ thuộc vào thời tiết và khí hậu.
Cụ thể, năm 2019, El Nino xảy ra nên lượng mưa rất thấp. Đây là nguyên nhân số một khiến ĐBSCL không có lũ và điều này dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng như hiện nay ở ĐBSCL.
Trong khi đó, đối với các đập thủy điện, theo ông Thiện, có ba tình huống xảy ra.
Thứ nhất, những năm lũ bình thường thì thủy điện tích nước mùa lũ, xả ra mùa khô để phát điện, tức nó làm giảm lũ, tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn mặn.
Thứ hai, những năm lũ cao, nhiều nước quá thì thủy điện khi tích đầy nước phải xả, gây ra lũ chồng lũ.
Thứ ba, vào những năm khô hạn (thực tế như những gì đã diễn ra từ năm 2019 đến nay), mưa ít thì thủy điện tích nước sẽ làm thiếu nước bên dưới, gây hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng. “Đập trên xả ra thì đập thứ hai bên dưới mới có nước để tích, đập thứ hai xả thì đập thứ ba mới có nước để tích, cứ như thế thì nước đi qua chuỗi đập rất lâu. Đập thủy điện làm hiện tượng cực đoan trở nên cực đoan hơn”, ông nêu nhận xét.
Rõ ràng, với việc lượng nước của Trung Quốc đóng góp chỉ 16% cho sông Mekong cũng như thực tế khô hạn đã và đang diễn ra như hiện nay, thì việc Trung Quốc có xả nước các đập thủy điện cũng không mang ý nghĩa lớn trong việc "cứu" ĐBSCL của Việt Nam thoát khỏi hạn, mặn.
(Theo thesaigontimes.vn)