Lợi ích nhóm trong báo chí hôm nay - nhận diện, giải pháp đấu tranh
Quan tâm đến lợi ích là thuộc tính của con người vì đó là bản năng sinh tồn. Đứa bé chưa có ý thức nhưng đã có hành vi bảo vệ bầu sữa mẹ. Thực ra lợi ích nhóm thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Loài vật cô kết thành bầy để săn mồi tốt hơn. Con người cô kết thành nhóm cộng đồng để sống văn minh hơn. Rồi “buôn có bạn, bán có phường”... lợi ích nhóm mà làm tốt cho nhau, cho nhân dân, cho đất nước thì đáng hoan nghênh.
Nhưng rất nên phê phán lợi ích nhóm làm lợi cho một số ít người mà làm hại cho tập thể. Đặc trưng của lợi ích nhóm là cơ hội, thông đồng, móc nối, móc ngoặc, tìm kẽ hở của luật pháp để mưu lợi cá nhân, làm tổn hại đến lợi ích chung. Bài viết xin đi vào vấn đề này trong báo chí hôm nay.
Thế giới đang coi sự nguy hiểm của lợi ích nhóm trong báo chí làm sai lệch, biến dạng thông tin gây hậu quả khôn lường: Xã hội mất niềm tin, tổn hại kinh tế, uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân... chỉ sau việc rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng làm lũng đoạn thị trường tài chính, tiền tệ.
Ảnh minh họa/ Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Biểu hiện “tình cảm” nhẹ nhàng dễ thấy trong “làng báo chí” ta là đăng bài cho nhau mà không vì chất lượng. Tôi đăng bài anh ở báo/tạp chí tôi thì anh phải có “nghĩa vụ” ngược lại, dù bài của tôi/bạn/người quen tôi có thể nhạt. Để “vui vẻ”, tôi mời anh đi “bia bọt”, “ý tứ” hơn, gửi anh cái “phong bì”...
Loại bài “lăng xê” thường liên quan đến văn chương. Bạn của bạn "tôi" là một văn sĩ mới cho ra lò “tác phẩm”. Sợ mang tiếng “cánh hẩu”, bạn "tôi" nhờ "tôi" viết bài giới thiệu/điểm sách. Đây là kiểu bài “vô thưởng vô phạt”, khen một tí, bình một tí, không cần tốn công đọc kỹ, "tôi" liền có bài... Vừa được nhuận bút (dù không cao), vừa được bạn, rồi bạn của bạn cảm ơn! Dần dần “tôi” quen kiểu này... Ngược hẳn với “quy trình lăng xê” là “đánh hội đồng”. Có khi nguyên nhân đơn giản là thấy “ghét” tay tác giả nọ. Nó “nổi” làm “chìm” đi “người nhà” mình. Thế là “tay kia” bị “tối mắt, tối mũi”. Nhưng “lăng xê” cao thủ lại cũng dùng thuật này, tức “đánh giả vờ” để gây chú ý của dư luận. Thành ra có “tác giả” lại đi “nhờ” người khác “đánh” mình...!
Loại thứ ba là mượn chiêu bài “đấu tranh chống tiêu cực”, như số ít “nhà báo” cho mình có quyền mạt sát, hạ bệ người khác. Một số Facebook cá nhân cố tình đăng tải thông tin thiếu xác thực, lôi kéo một vài người tự nhận là “báo chí sạch” xuyên tạc cơ quan điều tra gây chia rẽ nhân dân với cơ quan công quyền, tung hỏa mù gây mất niềm tin về công lý qua một vài phiên tòa. Lại nhiều kẻ hùa nhau cùng tẩy chay một bản báo nào đó có bài đi ngược lại lợi ích của nhóm mình...
Loại thứ tư nguy hiểm là ăn tiền của doanh nghiệp/cá nhân này rồi “khen vống” cách làm ăn, sản phẩm “cực tốt”, cực “uy tín”, đồng thời chê bai, tung tin thất thiệt về doanh nghiệp/cá nhân kia để hạ bệ uy tín, gây tổn hại về kinh tế, danh dự. Chúng ta không quên việc lợi dụng sự thiếu rõ ràng khi công bố tiêu chuẩn sản phẩm của cơ quan có trách nhiệm, hàng chục tờ báo, bản tin cùng vào hùa chê bai, hạ bệ một nghề truyền thống làm nghề này gần như đứng trên bờ vực phá sản. Trong khi đó, kẻ hưởng lợi thì ai cũng thấy!
Loại thứ năm là trắng trợn “tống tiền” tổ chức, cá nhân theo “quy trình” sắp đặt. Không chỉ một cá nhân “phóng viên” làm việc này mà có khi là sự cấu kết ma quỷ của “nhóm”. Ngay mới đây, công an tỉnh nọ bắt quả tang “phóng viên” nhận hàng trăm triệu đồng của doanh nghiệp bất động sản đang “tuân thủ quy trình” trên. “Phóng viên” này khai “có sự tiếp tay của một số người có trách nhiệm khác”.
Loại thứ sáu phản động ra mặt hoặc “ném đá giấu tay” là nhận tiền của một số tổ chức phản động rồi viết bài đăng trên mạng xã hội, hoặc gửi ra nước ngoài có nội dung xuyên tạc tình hình chính trị, nói xấu, bịa đặt, vu khống một số tổ chức, cá nhân trong nước. Chúng thường núp dưới chiêu bài “phản biện xã hội”, “dân oan”... lôi kéo một số phần tử phản động, bất mãn khác cùng hùa theo, a dua để kích động, gây chia rẽ nhằm tạo sự mất ổn định...
Cần có những biện pháp đấu tranh nào?
Một là, giáo dục tư tưởng chính trị. Đây là nguyên tắc bao trùm, quyết định, cũng là biện pháp cơ bản, vì mấy lẽ. Từ góc nhìn lý thuyết đối thoại thì nhà báo là người làm công tác tuyên truyền đường lối, là cầu nối ý Đảng, lòng dân. Họ là một tiếng nói có vị thế trong xã hội. Từ góc độ chủ thể thì có thể ví nhà báo như cái cần ăng-ten thu phát những tín hiệu đổi thay của cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có một "sức đề kháng", một “bộ lọc” hoàn hảo để thu phát những tín hiệu tích cực, lành mạnh nên có người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng mà trở thành cái loa tuyên truyền, gieo rắc những mầm mống tiêu cực. Nhìn từ góc độ tác phẩm thì một bài báo thuyết phục luôn là sự kết tinh của một tâm hồn trong sáng, trách nhiệm xã hội cao, một tình yêu nhân dân, một thái độ đúng đắn, một trí tuệ sáng suốt... Thế nên phải coi việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho phóng viên là việc làm quan trọng, thường xuyên, liên tục. Nhiều sách mới nhất về báo chí của thế giới có lý khi coi ngôi nhà nhân cách của nhà báo thời nay phải được xây dựng trên 4 cột chống vững chãi: Tâm (tình yêu), tín (trung thực), tài (kỹ thuật viết), tầm (thích ứng thời 4.0, xứng tầm với độc giả). Họ vẫn nhấn mạnh chữ “tâm” đầu tiên, thứ nhất.
Là người đi tìm và nói lên sự thật nên nhà báo phải có phẩm chất dũng cảm, bản lĩnh vững vàng, yêu đến tận cùng sự thật và cái đẹp kết hợp với sự nhạy cảm chính trị mới có thể viết được bài báo hay, tác động tức thời đến dư luận xã hội. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, lấy cây bút làm vũ khí viết nên những “bài hịch cách mạng” phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, vì mục tiêu chân-thiện-mỹ mà đấu tranh loại bỏ cái lỗi thời, phản động, tiêu cực. Muốn vậy, họ phải được trang bị chắc chắn về tư tưởng cách mạng.
Hai là, với tư cách chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, nhà báo cần thấm nhuần sâu sắc việc “nâng cao đạo đức cách mạng” để “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong nghề nghiệp. Lợi ích nhóm có gốc rễ là sự ích kỷ cá nhân đáng ghét mà biểu hiện là lòng tham vật chất, thích thể hiện, tự huyễn hoặc mình, là “quen biết”, “cánh hẩu”... Ở phương Tây, cuối thế kỷ trước xuất hiện quan niệm báo chí có vai trò như “quyền lực thứ tư” (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp). Khi bước vào thời 4.0 khủng hoảng (nhất là báo in) thì người ta mới nhận thấy “quyền lực” đích thực của báo chí là độc giả. Nhưng ở ta vẫn thấy còn ảnh hưởng của quan niệm lạc hậu này. Một số phóng viên kém tài, thiếu tâm lại cứ tưởng mình “quyền lực”, có quyền “hành hạ”, “đe nẹt” rồi “vòi vĩnh”. Chúng ta lại càng thấy tư tưởng của Bác Hồ về báo chí đi trước thời đại khi Bác quan niệm đề cao người đọc là nhân dân (viết cho ai), coi trọng mục đích phục vụ dân (viết để làm gì).
Người Việt Nam ta rất coi trọng lời ăn tiếng nói. “Lời nói đọi máu”. Máu là quý giá, thiêng liêng, gắn liền với danh dự. Lời cũng như máu vậy nên “lựa lời mà nói”. Máu còn là sự trả giá. Lời nói có khi dẫn đến đổ máu... nên ai cũng phải hết sức thận trọng khi cất lời. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã bắt vào mạch nguồn dân tộc khi Bác dạy: Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết!
Truyền thống nhân ái, yêu người, trọng người, quý người cùng với đạo đức cách mạng của thời đại mới và tư tưởng Hồ Chí Minh quan hệ hữu cơ, thống nhất, hài hòa chuyển hóa, xuyên thấm, nâng đỡ nhau trong cơ thể xã hội. Nhà báo Việt Nam phải triệt để học và làm theo tư tưởng Bác Hồ để là công bộc của dân, vì dân mà viết!
Ba là, nâng cao, chú ý việc bồi dưỡng học tập nghiệp vụ thường xuyên cho phóng viên. Nhà báo là người hạnh phúc vì có cơ hội được đối thoại nhiều nhất với xã hội, với những vấn đề quan tâm, với độc giả… Thời 4.0, nhà báo phải có vốn hiểu biết, vốn sống sâu rộng. Phải suốt đời học hỏi, phải nhập thân vào đời sống, phải ngụp lặn xuống tận đáy dòng sông cuộc đời may ra mới viết đúng được bản chất vấn đề. Bác Hồ đã dạy: Nhà báo của nông dân, phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được. Đây là phương châm rèn luyện không của riêng người cầm bút nào.
Bốn là, bên cạnh việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy công quyền được coi là một trong những giải pháp cơ bản xóa bỏ lợi ích nhóm, là việc siết chặt hơn nữa kỷ cương, luật pháp. Cùng với những quy định của pháp luật, sự tăng cường quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng, việc thực hiện “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” hay “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” phải được thực hiện triệt để, nghiêm túc hơn. Việc thi hành kỷ luật và chế tài xử phạt phải mang tính răn đe cao hơn. Không thể chấp nhận việc số ít cơ quan báo chí dung túng cho sai phạm của phóng viên.
Năm là, nâng cao mức lương cho phóng viên. Nghề báo là một nghề vất vả, nguy hiểm. Người viết báo khác người leo núi ở chỗ, leo núi thì có đỉnh, leo mãi rồi cũng tới; còn viết báo thì không có đỉnh, bài hôm nay phải hay hơn bài hôm qua, nhưng so với đòi hỏi của thực tiễn thì vẫn còn khoảng cách xa lắm. Cuộc đời làm báo là một cuộc leo núi vô hình, ngọn núi của tình thương, trách nhiệm và sự dấn thân cứ từng ngày hiện lên chất ngất. Vậy nhưng, thu nhập của nhà báo chân chính lại chưa tương xứng với lao động báo chí. Đó là vấn đề rất vĩ mô nhưng cũng rất cụ thể, gay gắt từng ngày với đội ngũ những người làm báo hôm nay.
(Theo qdnd.vn)