.

Hồi sinh và vững bước đi tới tương lai

Cập nhật: 21:32, 02/09/2020 (GMT+7)
Giải phóng để phát triển, giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, mở ra những tiền đề và điều kiện để dân tộc ta chẳng những hồi sinh mà còn vững bước đi tới tương lai, trên con đường lớn của lịch sử Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
 
a
GS. TS Hoàng Chí Bảo. Ảnh: VGP/Nhật Nam
 
Đó là khẳng định của GS. TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công và 75 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
 
Bước ngoặt lịch sử
 
Theo GS Hoàng Chí Bảo, điều có ý nghĩa là 75 năm của Nhà nước ta cũng chính là 75 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ở vị trí cầm quyền. Từ khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời thì Đảng ta chính thức trở thành Đảng cầm quyền. Thực tiễn duy nhất một Đảng cầm quyền liên tục trong suốt 75 năm qua đã nói lên năng lực và bản lĩnh của Đảng ta, nhất là trong điều kiện 75 năm qua, đất nước ta trải qua biết bao nhiêu bước ngoặt lịch sử, bao nhiêu khó khăn, gian khổ.
 
Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã vùng dậy, lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc và phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng do nhân dân làm chủ trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do.
 
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi cùng với bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và tuyên đọc ngày 2/9 đã khai sinh ra chế độ dân chủ cộng hòa của Việt Nam.
 
Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ, từ đây, Tổ quốc được độc lập, dân tộc và nhân dân ta được hưởng quyền tự do, hạnh phúc. 
 
GS. TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh Cách mạng tháng Tám năm 1945 thực sự là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại làm thay đổi số phận của cả một dân tộc, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ tới tự do và làm chủ.
 
Là một cuộc cách mạng kiểu mới và điển hình trong một xã hội thuộc địa thực dân nửa phong kiến, Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam được cổ vũ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và thời đại mới do chính cuộc cách mạng đó sinh thành. Như vậy, cách mạng tháng Tám chỉ sau mỗi Cách mạng tháng Mười Nga, trước cả Cách mạng Trung Quốc năm 1949 và Cách mạng Cuba năm 1960. Cả thế kỷ 20 chỉ có một số cuộc cách mạng điển hình đó, đặc biệt là Cách mạng Việt Nam.
 
Cách mạng tháng Tám diễn ra trong khoảng thời gian chưa tới 2 tuần lễ, về cơ bản là không đổ máu và giành được chính quyền trong cả nước. Đó là hình thái sáng tạo rất đặc thù của Cách mạng Việt Nam, mà công lao lớn thuộc về thiên tài tư tưởng và tổ chức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng do Người đứng đầu.
 
Để có được sự kiện Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã phải chuẩn bị trong 15 năm, từ khi Đảng ra đời năm 1930. Một Đảng mới 15 tuổi, với số lượng đảng viên chưa đầy 5.000 người đã có thể lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân trong cả nước.
 
Điều đó nói lên sự trưởng thành mau chóng của Đảng, uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của một Đảng cách mạng chân chính với đường lối chính trị đúng đắn, vận dụng sáng tạo khoa học và nghệ thuật của đấu tranh cách mạng để nắm bắt đúng thời cơ, hành động mau lẹ và sáng suốt, nhất là biết phát huy cao độ sức mạnh của truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Hồ Chí Minh đã từng tổng kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Quy luật ấy của đấu tranh cách mạng cũng là quy luật của muôn đời, được Đảng ta và Hồ Chí Minh vận dụng và phát huy trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới khi tình thế và thời cơ cách mạng đã xuất hiện, đã chín muồi trong những tháng năm lịch sử giai đoạn 1941-1945.
 
Cuộc cách mạng này thấm nhuần các giá trị rất cơ bản: Khoa học, đi đúng quy luật, chớp được thời cơ, đón được tình thế để có thể giành được chính quyền một cách tốt nhất; tinh thần cách mạng triệt để, sáng tạo của Đảng ta, dân tộc ta.
 
Giá trị cốt lõi thúc đẩy sự nghiệp phát triển
 
Theo GS. Hoàng Chí Bảo, thời gian càng lùi xa, giá trị, ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của Cách mạng tháng Tám càng nổi bật, để lại những bài học vô giá cho cách mạng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. 
 
Ba giá trị cơ bản của phát triển là độc lập, tự do, hạnh phúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ ngày đầu lập chính thể, hiện nay vẫn là giá trị cốt lõi thúc đẩy sự nghiệp phát triển của đất nước hiện nay và mai sau.
 
Tuyên ngôn độc lập trở thành một văn kiện chính trị - pháp lý và thấm nhuần sâu sắc các giá trị nhân văn của thời đại mới đề cao dân chủ và tự do, công bằng và bình đẳng xã hội. Với con người - đó là quyền được tồn tại thực sự xứng đáng với những con người tự do, quyền được phát triển như một chủ thể cá nhân sáng tạo, ở đó, phẩm giá làm người được tôn trọng và những đè nén, áp bức, bất công làm nhục con người, thống trị dân tộc trong tình cảnh nô lệ bị xóa bỏ.
 
Bản Tuyên ngôn độc lập kết thúc bằng câu: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập, tự do đó. Đi vào lịch sử và sống mãi với thời gian, Tuyên ngôn độc lập gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, với ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. 
 
Bản Tuyên ngôn ấy thực sự là Tuyên ngôn lập quốc, tuyên ngôn dựng nước của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại. Nó kế thừa truyền thống anh hùng, bất khuất của ông cha ta qua mọi triều đại, nó tiếp nối và phát triển sức sống mãnh liệt, giá trị và bản sắc văn hóa cũng như bản lĩnh chính trị của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để làm thăng hoa trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, chân lý và đạo lý Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập tự do, trong thời đại mới mang tên thời đại Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
 
GS. TS Hoàng Chí Bảo khẳng định Tuyên ngôn độc lập mang tinh thần cách mạng triệt để, thấm đượm một triết lý phát triển đồng thời là thông điệp phát triển của Việt Nam trong thời đại mới. Đó là một áng thiên cổ hùng văn tiếp nối liền mạch với các áng thiên cổ hùng văn trước đó của ông cha ta với những âm hưởng hào sảng của Lý Thường Kiệt, dũng khí mãnh liệt của Trần Quốc Tuấn, trí tuệ và nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, trù tính định liệu việc lớn để an dân trị quốc của Nguyễn Huệ-Quang Trung.
 
Cách mạng tháng Tám đã dẫn tới Tuyên ngôn độc lập và Tuyên ngôn độc lập đã tổng kết và nâng cao tầm vóc của cuộc Cách mạng vĩ đại này, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn có vị trí và ý nghĩa xứng đáng trong lịch sử chính trị thế giới hiện đại. 
 
Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta không chỉ là một cuộc cách mạng giải phóng mà còn là một cuộc cách mạng phát triển.
 
Cách mạng tháng Tám đã nêu cao chủ nghĩa yêu nước chân chính của dân tộc, đã cố kết và phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc để giành độc lập tự do, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt hệ trọng khi toàn dân, toàn quốc phải đứng lên, đánh bại dã tâm xâm lược, cướp nước của đế quốc thực dân.
 
Vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đánh bại chủ nghĩa thực dân, cả cũ lẫn mới, hoàn thành sứ mệnh giải phóng đồng thời từng bước xây dựng kiến thiết đất nước trong suốt cuộc hành trình hơn 7 thập kỷ qua. Đó là sự vận động không ngừng không nghỉ của tinh thần Cách mạng tháng Tám, của ý chí dân tộc Việt Nam trong tiến trình phát triển cách mạng.
 
Đất nước ta đã từng bước đổi thay, trong lao động hòa bình và sáng tạo, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như khát vọng, tâm nguyện của Bác Hồ.
 
Đổi mới đã diễn ra gần 30 năm, đã đưa nước ta vượt thoát ra khỏi khủng hoảng và ra khỏi tình trạng kém phát triển, đã có mặt trong danh mục các nước có thu nhập trung bình. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu trên con đường phát triển nhanh và bền vững, đột phá lớn về thể chế, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực, quyết tâm xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
 
GS. TS. Hoàng Chí Bảo khẳng định thực hiện thắng lợi các mục tiêu của đổi mới, của sự nghiệp xây dựng đất nước cũng là thực hiện những mục tiêu, lý tưởng và giá trị mà cuộc Cách mạng tháng Tám 75 năm về trước đã tạo ra trong đời sống của đất nước-dân tộc-con người Việt Nam hôm nay và mai sau, với tầm vóc của một cuộc cách mạng phát triển, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
 
Các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục sự nghiệp của ông cha, biểu hiện tài trí, sáng tạo, lòng dũng cảm, ý chí, hoài bão, khát vọng để đưa Việt Nam tiến tới trình độ phát triển cao hơn, thúc đẩy ý chí dân tộc bằng đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi cách mạng trong đổi mới và hội nhập.
 
Thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay tiếp nối sự nghiệp của ông cha, phát huy sức mạnh của Cách mạng tháng Tám, nhất định làm nên thành công của cuộc cách mạng vĩ đại trong tương lai, phát triển Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với tầm vóc lịch sử của dân tộc.
 
(Theo chinhphu.vn)
.
.
.