.
"CUỘC CHIẾN" BẢO VỆ BẢN QUYỀN TÁC PHẨM BÁO CHÍ:

Cần kiên quyết và có giải pháp đủ mạnh

Cập nhật: 15:24, 06/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí luôn là câu chuyện “nóng” và kéo dài trong nhiều năm qua, đã được các ngành hữu quan “xới lên” thông qua hội thảo, tọa đàm, diễn đàn…, nhưng rồi vẫn đâu vào đấy. Tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, ngày càng “công khai” hơn, gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế báo chí.

Hôm qua, ngày 5-11, tại TP. Hồ Chí Minh, vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí một lần nữa được “xới lên” thông qua Diễn đàn Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí (gọi tắt là Diễn đàn), do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chủ trì. Diễn đàn đã thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các Sở TT-TT, cơ quan báo chí, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước tham dự.

a
Các đại biểu tham dự Diễn đàn đề xuất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Ảnh: Tuấn Lâm

Tại Diễn đàn, nhiều tham luận của đại diện các cơ quan báo chí cho thấy những khó khăn trong “cuộc chiến” bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Theo đó, nhiều sản phẩm báo chí vừa được xuất bản đã bị lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn link, nhất là những trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

Từ sự vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội… đã thu được khoản tiền khổng lồ từ quảng cáo. Cụ thể, trong năm 2018, chỉ riêng Facebook và Google đã thu được khoảng 900 triệu USD, trong đó có khoảng 50% là nguồn thu từ quảng cáo.

Cái khó hiện nay không phải là việc phát hiện, mà là việc xử lý vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng đã nêu lên một số khó khăn trong việc xử lý vi phạm bản quyền trong thời gian qua, nhất là việc bản tin thời sự chưa được bảo vệ thông qua Luật Sở hữu trí tuệ.

Từ thực trạng trên, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã đặt ra, đề xuất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Theo đó, trước hết các cơ quan báo chí cần tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí và ký kết tôn trọng bản quyền của nhau; cần có một bộ phận chuyên nghiệp, gồm cả chuyên gia pháp lý để xử lý tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí; cần thực thi nghiêm luật và văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền báo chí, định kỳ thống kê, công bố tình hình vi phạm cũng như chế tài liên quan…

Nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn tán thành đề xuất thành lập liên minh hoặc trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cũng đồng tình với đề xuất này; đồng thời cho rằng muốn thực hiện được liên minh các cơ quan báo chí thì phải có đơn vị đứng ra làm đại diện, được cơ quan nhà nước cho phép. Trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để bảo vệ mạnh mẽ hơn nữa bản quyền tác phẩm báo chí.

Đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Đã đến lúc sử dụng công cụ pháp luật là chính để đấu tranh với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội… về việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Các cơ quan báo chí cũng phải xem việc này là quan trọng, là sự sống còn để có phản kháng mạnh mẽ hơn nữa, tạo tiếng nói chung nhằm chống lại việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí.

Hy vọng thông qua Diễn đàn, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí không chỉ được “xới lên” rồi… bỏ ngỏ, mà “cuộc chiến” này cần phải có sự kiên quyết hơn nữa; đồng thời, cần phải có giải pháp đủ mạnh, nhất là từ Bộ TT-TT.

THIÊN LÊ

.
.
.