.

Những kẻ "mượn gió bẻ măng" giữa thiên tai

Cập nhật: 11:15, 03/11/2020 (GMT+7)

Thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hạ tầng cơ sở,... do bão, lũ tại các tỉnh miền trung đang là vấn đề mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ nỗ lực giải quyết; đồng bào cả nước cũng đang tập trung chung tay chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ.

Thế nhưng, một số tổ chức và cá nhân thiếu lương tri, thiện chí lại lợi dụng thời khắc khó khăn này của đất nước và nhân dân để nhân cơ hội đưa ra ý kiến mị dân, thiếu trách nhiệm, xuyên tạc sự thật, tiến công đường lối, chính sách, vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ... Vì thế cần phải vạch trần các luận điệu đó để củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm sự đồng lòng, nhất trí từ trung ương đến các địa phương và mỗi người dân để cùng vượt qua khó khăn.

Ngày 23-10-2020, BBC tiếng Việt đăng bài viết có nhan đề là một câu hỏi rằng “Bão lụt miền trung Việt Nam: Người dân chưa thấy dấu ấn các lãnh đạo?”. Tuy nhiên nhan đề đó không tương ứng với nội dung, mà chỉ khái quát từ một vài đánh giá có tính tiêu cực, bỏ qua ý kiến tích cực thể hiện trong chính bài viết, như ông Đặng Ngọc Quang ở TP Huế nói: “Ở Việt Nam, phương châm được dùng trong phòng chống thiên tai là bốn tại chỗ, “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, cho nên phản ứng quan trọng đầu tiên là của chính quyền địa phương. Các tỉnh đều có các phương án ứng phó với các cấp độ khác nhau. Tôi không rõ các tỉnh khác, nhưng ở Thừa Thiên Huế, nơi tôi có điều kiện quan sát, tôi thấy chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm này..., việc ứng phó, chỉ đạo ứng phó khá toàn diện, kịp thời, sâu sát, nhất là với hai nội dung đầu của bốn tại chỗ”.

Với thủ đoạn rút “tít” như thế, phải chăng BBC muốn hùa theo luận điệu của một số người nhân cơ hội thiên tai xảy ra để xuyên tạc vai trò, nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương, của các ban, ngành chức năng, đặc biệt là tinh thần quên mình vì dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an,... trong phòng, chống thiên tai, huy động sức người, sức của một cách cao nhất, tối đa nhất, tổ chức, tìm mọi biện pháp cứu hộ, cứu trợ người dân cùng tài sản một cách kịp thời, hiệu quả?

Lịch sử xưa nay đã ghi lại vô vàn biến cố tự nhiên gây nên những thảm họa nằm ngoài khả năng dự báo, phòng, chống của con người. Thời hiện đại cũng vậy, ngay cả những nước giàu có, tiên tiến nhất cũng không thể lường hết và phải chịu tổn thất hết sức to lớn. Động đất, sóng thần Tohoku xảy ra ở Nhật Bản năm 2011, cơn bão Katrina đổ bộ vào Mỹ năm 2005,... đã khiến ở hai quốc gia này có hàng chục nghìn người chết, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ USD, cùng với đó là hàng trăm tỷ USD đã được chi tiêu để khắc phục hậu quả mà đến nay vẫn còn nhiều hệ lụy phải giải quyết. Tại Đông - Nam Á, năm 2011, Thái-lan phải trải qua một trận lũ lụt được đánh giá “tồi tệ nhất”, hậu quả là cuộc sống của hơn hai triệu người đã bị ảnh hưởng, hơn 500 người chết, thiệt hại ước tính 5,1 tỷ USD.

Tương tự, năm 2013 siêu bão Haiyan đổ bộ vào Phi-li-pin đã phá hủy gần 90% thành phố Tacloban; và chỉ từ đầu năm 2020 đến nay, Phi-li-pin đã hứng chịu 17 cơn bão, gần nhất là bão Saudel, gây thiệt hại rất nặng nề...

Ở các tỉnh miền trung nước ta những ngày qua cũng vậy, bão chồng bão, mưa liên tục trong nhiều ngày với lượng mưa từ 500 mm đến 700 mm, có nơi tới hơn 1.000 mm, khiến xảy ra hiện tượng lũ chồng lũ, đẩy tới ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản...

Trong bối cảnh đó, đáng lẽ cần chia sẻ, động viên, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn, thì một số người lại tảng lờ hiện tượng thời tiết cực đoan để lên mạng bình luận khiến người mơ hồ ngộ nhận thiệt hại chỉ có ở Việt Nam, và tất cả là do chính quyền! Một số người khác “mượn gió bẻ măng” hô hào luận điệu mị dân; vu cáo chính quyền cản trở hoạt động từ thiện; vu khống Đảng, Nhà nước, Chính phủ thiếu trách nhiệm với dân, lãnh đạo không sâu sát...

Từ đó họ ra sức đề cao hoạt động từ thiện và vai trò “xã hội dân sự”, coi tổ chức đại hội đảng bộ các cấp là “vô cảm, thờ ơ, lo đại hội bỏ mặc dân, lo tranh giành quyền lực” (tiêu biểu là nội dung mà Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong ở Dòng Chúa cứu thế Thái Hà viết trên facebook cá nhân ngày 15-10-2020).

Thậm chí có kẻ còn cố tình mượn cớ này để mạnh miệng đòi “dừng Đại hội Đảng lần thứ XIII”! Một số kẻ gọi là “nhà dân chủ” còn khai thác ảnh chụp cảnh báo chí nước ngoài đang tác nghiệp trong lũ lụt đưa lên mạng xã hội rồi cho rằng truyền thông Việt Nam “diễn” để tâng bốc quân đội. Kẻ khác lại chế ảnh từ một trang facebook giả mạo để vu cáo Ban Tuyên giáo T.Ư.

Đáng phẫn nộ hơn, có kẻ còn nhẫn tâm giễu cợt gương hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Vô ý thức hoặc để tiếp tay, phụ họa với sự sai trái, một số người lên mạng xã hội tung tin thất thiệt về số người chết; lấy hình ảnh trẻ em, phụ nữ lấm đầy bùn đất ở nước ngoài gán cho Việt Nam. Thậm chí, hình ảnh quân đội huy động trực thăng cứu giúp đồng bào bị bão lụt đã công bố rất cụ thể trên truyền thông, mà có người vẫn phủ nhận, lấy cớ phê phán, xúc phạm...
 
Trên thực tế, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, và chính quyền các địa phương, các ban, ngành chức năng,... trong công tác phòng, chống thiên tai, kịp thời trợ giúp người dân, ổn định xã hội là thực tế hiển nhiên giúp nhận diện, vạch trần tâm địa và thủ đoạn đen tối, thái độ trơ tráo, soi mói ác ý, “biến không thành có” của mấy kẻ đang “mượn gió bẻ măng”.

Như một người vì bức xúc phải viết trên Facebook: “Tôn vinh cá nhân không đồng nghĩa với đá đổ công lao của cả một bộ máy chính quyền. Chỉ vì họ không biết livestream”, và sau lũ lụt: “Chỉ những người trực tiếp chịu trách nhiệm ở địa phương, những đoàn thanh niên, công an, quân đội, và các lực lượng hữu quan khác mới bước vào trận chiến thật sự - trận chiến khắc phục hậu quả sau lũ với dịch bệnh, dọn dẹp tàn tích, khôi phục sản xuất cùng nhân dân.

Cam go, khốc liệt vô cùng, nhưng tiếc rằng không thể nhiều like”. Nếu là người Việt Nam, mấy kẻ đang “mượn gió bẻ măng” phải biết suy nghĩ, nhìn thẳng vào sự thật, tự vấn lương tâm, thấy xấu hổ vì cố tình hạ thấp, phủ nhận vai trò của Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi vừa phải tổ chức, lãnh đạo khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải kịp thời tổ chức và lãnh đạo phòng, chống thiên tai, tìm mọi biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Nếu quan tâm đến dân tộc, họ cần nhận thức về việc Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với đất nước, là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá, định hướng, đề ra chương trình hoạt động trong các năm tới nhằm tổ chức, lãnh đạo toàn dân phấn đấu phục hồi kinh tế và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia... để lãnh đạo, tổ chức đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.

Với Đại hội XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV, các quyết sách có tính chiến lược của quá trình phát triển trong các năm tới sẽ được xác định. Những người “mượn gió bẻ măng” cần nhớ rằng, dù có thể hiện, đóng góp quan trọng đến đâu vẫn không có bất kỳ tổ chức nào có thể thay thế vai trò của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đó không chỉ là ngân sách, mà còn là kế hoạch tổng thể, chi tiết có bước đi cụ thể, phù hợp với đặc điểm mỗi địa phương, đặc biệt là sự quy tụ lòng dân, ý Đảng, là thống nhất hành động từ trung ương đến địa phương cùng sự phối hợp của các ngành chức năng và nhân dân.

Với hoạt động từ thiện, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng,... là cần thiết, phù hợp với biến chuyển của tình hình; giúp tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn tự nguyện đóng góp hỗ trợ bảo đảm hiệu quả, kịp thời; khuyến khích, tôn vinh, và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân phát huy truyền thống tương thân tương ái, giúp người dân gặp khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất.

Những năm qua, đời sống của nhân dân cả nước nhìn chung đã từng bước nâng cao, số người nghèo và hộ nghèo giảm nhiều cho nên tiền bạc, hàng hóa ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đối với đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, gặp hoàn cảnh bất trắc, khó khăn cũng tăng lên, nhiều người có thể chủ động phương tiện vận chuyển. Trước thực tế hoạt động từ thiện đã và đang diễn ra, xã hội cần ghi nhận, khuyến khích, biểu dương, khen thưởng.

Nhưng khi tổ chức hoạt động từ thiện, các tổ chức và cá nhân cần chú ý những vấn đề như: mạnh ai nấy làm, tổ chức chưa hợp lý; tập trung vào một số địa điểm cho nên dễ gây ùn tắc giao thông; phân bổ tiền bạc, hàng hóa chưa đều, chưa phù hợp, người cần hỗ trợ nhiều lại nhận ít; với người dân vùng bị cô lập cần liên hệ địa phương giúp đỡ, không nên tự tiến hành, tránh xảy ra sự cố; đặc biệt, cần ngăn chặn người lợi dụng từ thiện để trục lợi, lừa đảo, xà xẻo, hoặc quyên góp hàng hóa kém chất lượng, không phù hợp...

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối tháng 11-2020, có thể còn xuất hiện một số cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam. Vì vậy, chúng ta vẫn cần sẵn sàng tiếp tục phòng, chống bão, lũ, kịp thời ứng phó với tình huống xấu để bảo vệ con người, tài sản, tổ chức cứu trợ. Về lâu dài, khi biến đổi khí hậu đang là vấn đề có tính toàn cầu, có thể khiến xảy ra sự cố tự nhiên gây hại cuộc sống, chúng ta cần xây dựng, củng cố các yếu tố cơ bản nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, như Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường”.

Đó là công việc lâu dài, đòi hỏi nỗ lực và kiên trì, phải sớm khắc phục các hạn chế, trọng trách thuộc về Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhưng chỉ có thể hoàn thành với sự tham gia tích cực của toàn dân. Cho nên mấy kẻ đang lợi dụng thiên tai để xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo cần xem xét lại mình.

Nếu thật sự yêu nước, thương dân, thay vì to tiếng bịa đặt, xuyên tạc, lợi dụng tình cảnh khó khăn của người dân trong hoạn nạn, thiên tai để vu cáo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm phục vụ mưu đồ đen tối, thâm độc của mình thì phải sớm tỉnh ngộ, cùng đất nước và toàn dân tham gia phòng, chống thiên tai.

Nếu vẫn tiếp tục, họ chỉ càng lộ rõ hơn tâm địa hẹp hòi và dã tâm phản dân tộc. Với các “anh hùng bàn phím” cũng vậy, hãy là công dân có ích đối với xã hội, nếu không đóng góp vật chất thì hãy chia sẻ một cách thành tâm, không thể vì mục đích cá nhân muốn nổi tiếng trên mạng mà săm soi khai thác hình ảnh thương tâm hay ỉ eo than khóc để bị kẻ xấu lợi dụng.

(Theo nhandan.com.vn)

 

.
.
.