.

Đồng bằng chuyển mình

Cập nhật: 18:02, 16/02/2021 (GMT+7)

1.  Nói về ĐBSCL, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ phân tích: Đây là vùng đất có sẵn nhiều thế mạnh phù hợp để phát triển nông nghiệp, như: khí hậu nhiệt đới ôn hòa; sớm tiếp cận thị trường hàng hóa; nông dân năng động, biết chọn lọc cái mới, nhân tố tích cực (giống lúa, giống cây trái, kỹ thuật…) phục vụ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất…

Tiền nhân để lại cho cháu con kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà, cả trăm năm rồi vẫn ngược xuôi oằn nặng phù sa, sau này chúng ta tiếp nối bằng cả một hệ thống thủy lợi ngang dọc không chỉ dẫn nước mà còn dẫn lũ, tiêu lũ rất chủ động, tích cực, có tính lâu dài như kênh Nguyễn Văn Tiếp, Hồng Ngự, Cái Sắn, Ba Thê, Tri Tôn, Võ Văn Kiệt (T5).

Ông nhớ lại: Lúc đó, miền Tây gặp “cơn lũ thế kỷ” gây nên những tổn thất nặng nề. Một tối, trên đường từ kinh Vĩnh Tế về Long An, tôi gặp một nông dân ngồi chong đèn bên con rạch, nên đến gần bắt chuyện. Ông này cho biết đang dụ cá vào bắt, mai bán ngoài chợ… Người nông dân Nam bộ tuyệt vời và thiệt sáng tạo. Họ chủ động, bình tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên để sống và tận dụng, khai thác triệt để lợi thế.
Để được như vậy, tất nhiên họ phải am tường, hiểu rõ thiên nhiên, môi trường mình đang sống lắm. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ về chủ trương, chính sách, cơ chế sát thực, cùng tố chất năng động, nhanh nhạy nắm bắt cái mới, luôn biết vượt thoát nghịch cảnh của nông dân miền Tây…, mà những cánh đồng, mảnh vườn Nam bộ luôn sung mãn, ngày càng khẳng định vững chắc vị thế “vựa lúa quốc gia”.

2. Việc gạo thơm ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và đồng sự đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới tại Philippines năm 2019, chính là nhãn hiệu minh chứng cho chất lượng hạt gạo Việt trên thị trường thế giới. Thực tế, ST25 đã tạo một cơn sốt, nhiều nơi cháy hàng với loại gạo ST25 cánh đồng mẫu lớn và ST25 lúa tôm cao cấp có giá khác nhau do môi trường sản sinh hạt gạo. Con sông Mỹ Xuyên đã cho ra: “Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon / Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi”. Sự thành công của ST25 chính là sự tiếp nối ngoạn mục của loại gạo thơm hạt dài Bãi Xàu nổi tiếng thuở trước và các dòng lúa đặc sản ngon cơm không kém cạnh như: Móng Chim, Thằng Chệt Cụt, Thằng Chệt Dài, Một Bụi, Tài Nguyên, Ba Thiệt của đất Sóc Trăng...

Dọc hai dòng sông Tiền, sông Hậu, bất chấp dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, nước mặn, xói lở, hạn hán… ngày càng nhiều tỷ phú cùng hàng ngàn nông dân sản xuất giỏi lộ diện. Họ không chỉ làm giàu trên chính mảnh đất của mình mà còn góp phần mở ra cơ hội làm giàu cho người khác, thấm đẫm tinh thần tương thân tương ái, “tứ hải giai huynh đệ” từ thuở khai hoang mở đất.

a
Liên kết sản xuất tạo ra cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch. Ảnh: CAO PHONG

“Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Đất và người đồng bằng đã chuyển mình để hạt gạo bứt phá như hôm nay. Đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ), từng được giao trọng trách cùng chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Trung ương ban hành Nghị quyết 10-TW về Đổi mới quản lý nông nghiệp (1988 - Khoán 10) chấn động một thời, khẳng định: “Người nông dân ĐBSCL và cả nước, đặc biệt sau đổi mới, dù còn thăng trầm, đã chứng minh, họ luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế nước nhà; vẫn chứng tỏ sức sống bền bỉ, mãnh liệt của nền nông nghiệp đậm chất nhân văn Việt Nam”.

3. ĐBSCL tiếp cận hội nhập ngày càng sâu qua việc xác định tính chuyên sâu, chuyên nghiệp hóa trong từng địa phương, lĩnh vực ngành nghề. Cần Thơ định hình một “Đô thị sông nước miệt vườn” vừa phát huy nét đẹp bản sắc truyền thống, vừa mang tính hiện đại, đồng thời hướng đến một “Thành phố thông minh”. Đồng Tháp có “Thành phố hoa Sa Đéc”, Bạc Liêu là “Thủ phủ tôm công nghệ cao”. Sóc Trăng đã xây dựng Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản với mục tiêu trên 800.000 tấn lúa thơm, lúa đặc sản/năm cũng như xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, phát triển ổn định, bền vững.

Trong năm 2021, Công ty TNHH Angimex - Kitoku phối hợp Hội Nông dân tỉnh An Giang trồng 3.200ha lúa Nhật, với mức giá bao tiêu 5.400 - 7.300 đồng/kg lúa tươi, tùy theo từng loại giống lúa của Nhật như: Hana, Akita, Kinu, DS1... Con cá tra đồng bằng vẫn trở thành “đế ngư”, vẫy vùng “vượt vũ môn” có mặt trên 140 quốc gia, gây ngỡ ngàng thế giới. Nhiều loại trái cây chủ lực của ĐBSCL như: xoài cát Hòa Lộc, thanh long, chôm chôm, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, dừa... từng bước xâm nhập sâu vào thị trường khó tính Hoa Kỳ, châu Âu…

Cũng chưa bao giờ ngành du lịch ĐBSCL chuyển mình, hội nhập quyết liệt đến vậy. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ du lịch Cà Mau có giám đốc là tiến sĩ tu nghiệp bên Australia về, phó giám đốc cũng là tiến sĩ tu nghiệp bên Nhật, trên 50% nhân sự từng tu nghiệp nước ngoài. Phó giám đốc Trung tâm Triệu Thanh Tuấn cho biết, đang hợp tác Công ty Du lịch Vòng tròn Việt khảo sát hàng chục điểm du lịch trong tỉnh để lập website, lập mã QR và đặt trạm phát sóng wifi phục vụ khách du lịch miễn phí…

Cồn Sơn (Cần Thơ), cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng), cồn Chim (Trà Vinh) gần đây tận dụng ưu thế sinh thái sông nước miệt vườn thu hút nhiều du khách trong ngoài nước giúp nâng cao thu nhập người nông dân, tạo diện mạo mới cho vùng châu thổ. Tỷ phú Anh Joe Lewis nhiều lần khi đến Cần Thơ, cho rằng: “Vùng đất này có một thứ không đụng hàng là sông nước, là dòng sông Mê Công chảy qua địa phận này, là thế mạnh đặc thù cần khai thác của du lịch ĐBSCL”.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.