Xuân Tân Sửu: Xuân cất cánh
Xuân Tân Sửu đang tràn về trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là mùa xuân đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa thành công rực rỡ; là mùa xuân cất cánh để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc với một ý chí mới, quyết tâm mới trong mỗi người dân Việt.
Thành tựu to lớn
Nhìn lại chặng đường đổi mới 35 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn; cơ cấu của nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ.
Trong đó, kinh tế tư nhân dần trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp đến 40% tổng GDP. Đến năm 2020, Việt Nam đã ký 15 Hiệp định FTA (năm 2020 Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và ký FTA Việt Nam-Anh), đang đàm phán 2 FTA; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường...
Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. Về GDP tính theo đầu người, năm 1986 chúng ta đạt 100 USD/người, đến 2020 đạt 2750 USD/người; quy mô nền kinh tế năm 1986 đạt khoảng 27 tỷ USD, đến năm 2020 tăng xâp xỉ lần đạt khoảng 268,4 tỷ USD.
Những con số nêu trên là minh chứng rõ ràng, thuyết phục cho lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thách thức không nhỏ
Hiện nay, bối cảnh trong nước và trên thế giới có nhiều thuận lợi, song cũng vô vàn khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Tác động của đại dịch COVID-19 làm thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nhiều nước tăng trưởng âm. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.
Kinh tế Việt Nam tuy có bước phát triển vượt bậc, song chưa tương xứng với tiềm năng; sau 4 năm đầu của nhiệm kỳ này (2016-2019) liên tục tăng trưởng cao, năm 2020 bị suy giảm mạnh do tác động tiêu cực của dịch bệnh và thiên tai, hạn hán, bão lũ liên tiếp xảy ra.
Sự tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế nước ta chưa cao. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập. Kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Công tác lãnh đạo, quản lý ở một số nơi còn lỏng lẻo, vẫn còn có những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, nhũng nhiễu người dân.
Việc bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân. Năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách trong một số lĩnh vực còn thấp. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa đồng bộ; hiệu quả chưa cao. Việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu….
Hiện thực hóa khát vọng
Nhận thức rõ những yếu kém, hạn chế, khó khăn, và thách thức, trong mùa xuân mới, dân tộc ta lại càng có quyết tâm mới. Phiên bế mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII (ngày 2/1/2021), toàn thể đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhất trí thông qua Nghị quyết với mục tiêu đặt ra để thực hiện khá cao. Cụ thể, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung. 5 năm sau, năm 2030 là nước đang phát triển là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Đại hội Đảng lần thứ XIII nhất trí đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đồng thời, nhấn mạnh, động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chú trọng thực hiện tốt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đặc biệt, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn tại phiên khai mạc Đại hội XIII đã nhấn mạnh đến việc đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Với việc Người đứng đầu Đảng, Nhà nước lưu ý đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, thời gian tới, đất nước ta sẽ mở ra một loạt phương pháp sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới trong một thế giới phẳng và cuộc cách mạng mạng công nghệ lần thứ 4. Đó không chỉ là giao dịch thương mại từ xa mà còn là thiết kế sản phẩm, sản xuất, giám sát, kiểm định sản phẩm từ xa với mức độ chính xác cao.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đầu tư, kinh tế số không chỉ giúp cho các thị trường chứng khoán phát triển mà còn giúp cho các hoạt động đầu tư được minh bạch và kiểm soát, điều chỉnh sao cho có hiệu quả nhất. Do vậy, xác định kinh tế số sẽ trở thành động cơ tăng trưởng mới cho Việt Nam những năm tới là tầm nhìn mới của Đảng, Nhà nước, nhằm phát huy trí tuệ thông minh của người Việt Nam, đưa đất nước đi nhanh, và bền vững.
Có thể thấy, với quyết tâm, ý chí cao độ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương vào cuộc; cộng đồng doanh nghiệp đến các tầng lớp nhân dân tăng cường sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đổi mới quyết liệt, không chút ngừng nghỉ, tin chắc chúng ta sẽ gặt hái những thành tựu đầy ngoạn mục.
Xuân đang tràn về trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những cánh hoa đào, hoa mai rạng rỡ khoe sắc. Trong sắc xuân, mỗi người dân Việt như đang muốn cất cánh bay lên nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc để nước ta có thể sánh vai được với các cường quốc năm châu như tâm nguyện Bác Hồ hằng mong.
(Theo baochinhphu.vn)