.

Nghĩ về "Cuộc chiến không cân sức"

Cập nhật: 11:35, 28/05/2021 (GMT+7)

(ABO) Cách đây ít ngày, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ bài viết rất hay với tựa đề “Cuộc chiến không cân sức” đề cập về những trải nghiệm, cả lo âu khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, quét qua cả các nhân viên của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.

Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên trong đời, Đại sứ Phạm Sanh Châu trải nghiệm những thời điểm nguy kịch tưởng chừng không qua nổi trong một cuộc chiến không tiếng súng, không người thân, không gia đình, bạn bè bên cạnh của bệnh nhân Covid-19 người Việt Nam tại Ấn Độ.

Nhưng có lẽ đây không còn là câu chuyện của Ấn Độ, mà dường như cũng là nguy cơ ở một vài địa phương trong nước nếu chúng ta không quyết liệt dập dịch. Thông tin dồn dập về ca nhiễm Covid-19 ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và thậm chí đã xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh, Long An những ngày gần đây cho thấy, chúng ta đang bắt đầu đi vào “cuộc chiến” mới với tinh thần “thần tốc” hơn nữa.

Các thành viên Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bắc Giang. Ảnh: NDO.
Các thành viên Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bắc Giang. Ảnh: NDO.

Bởi trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, số lượng người nhiễm bệnh tăng rất nhanh, chưa kể số ca nhiễm nặng và có tiên liệu xấu cũng ở mức tỷ lệ khá cao. Con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chỉ đúng 1 tháng kể từ ca nhiễm bệnh trong đợt thứ 4 xuất hiện (ngày 27-4) đến nay, cả nước đã có thêm 3.294 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số ca bệnh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay của cả nước là 6.356 ca. Như vậy, chỉ sau đúng 1 tháng, số ca bệnh mới đã chiếm gần 52% trên tổng số ca bệnh Covid-19 của Việt Nam. Con số này chắc chắn sẽ chưa dừng lại khi một vài địa phương vừa xuất hiện ca bệnh mới.

Cuộc chiến với dịch Covid-19 chắc chắn tiếp tục bước vào giai đoạn thần tốc hơn nữa và được triển khai từ Trung ương đến địa phương. Những cuộc chi viện cho các địa phương có nhiều bệnh nhân Covid-19 như Bắc Giang hay Bắc Ninh cũng đã được triển khai trên nhiều phương diện.

Tăng cường đội ngũ y, bác sĩ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ưu tiên lượng vắc-xin để tiêm phòng cho lực lượng công nhân… đã và đang được gấp rút triển khai. Những lời kêu gọi ủng hộ phòng, chống dịch cũng vừa được đưa ra nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào lúc khó khăn. Huy động sức mạnh tổng lực cho công tác phòng, chống dịch đang được triển khai một cách đồng bộ cho thấy tinh thần chống dịch được đẩy lên như thế nào.

Với những gì đã và đang trải nghiệm tại Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu xem đó là một cuộc chiến không cân sức với kẻ thù vô hình, đầy sức hủy diệt. Bởi, ai đã từng làm việc ở Ấn Độ mới biết cảm giác khủng khiếp thế nào. Và theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, nắm tay nhau cùng bước qua lưỡi hái tử thần, chúng tôi hiểu hơn giá trị của cuộc sống và tình người. Thước đo thành công nhiệm kỳ của một đại sứ dường như không phải số lượng trao đổi các đoàn cấp cao và kim ngạch thương mại giữa hai nước hay dòng đầu tư vào Việt Nam mà là ở việc không mạng sống nào bị tước đoạt.

Chính điều này cũng nhắc nhớ rằng, những gì đã và đang diễn ra trong nước nếu không có sự chung sức, chung lòng của cộng đồng; nếu không triển khai các giải pháp thần tốc thì cũng có thể chúng ta cũng sẽ đương đầu với cuộc chiến không cân sức này.

Những ai trong chúng ta đã chứng kiến hình ảnh những y, bác sĩ, những lực lượng tuyến đầu ngày đêm bám trụ ở vùng dịch được chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua cùng với trải nghiệm của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ mới thấm thía rằng cuộc chiến này khốc liệt đến mức nào. Nhưng trên hết, họ vẫn phải xông pha về phía trước, bởi bảo vệ mạng sống con người mang lại ý nghĩa đến dường nào. Và như thế, họ cũng xứng đáng được tôn vinh.

T.T

.
.
.