.

Những bông hoa trên tuyến lửa

Cập nhật: 10:34, 21/06/2021 (GMT+7)

(ABO) 96 năm đã qua kể từ ngày báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển đến nay (21-6-1925 - 21-6-2021), đội ngũ những người làm báo trong cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đó là song hành cùng dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến, trong chiến tranh bảo vệ biên giới, trong xây dựng và kiến thiết đất nước sau chiến tranh, trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay. Từ đầu năm 2020 đến nay, đội ngũ báo chí cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng lại tiếp tục song hành cùng dân tộc trong cuộc chiến mới - cuộc chiến “chống giặc” Covid-19.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng ngàn nhà báo trong cả nước đã ra trận với tâm thế của người chiến sĩ. Trong hành trang của người làm báo khi ra trận chỉ có ba lô, khẩu súng, cây viết và trái lựu đạn gài, nhưng với tinh thần sẵn sàng “tìm việc mà viết, tìm giặc mà đánh”, xung phong ra tuyến đầu để có được những thước phim, hình ảnh, bài ghi nhận… chân thật nhất, sống động nhất về cuộc chiến chính nghĩa của quân và dân ta. Vì thế, mỗi bài báo viết trên chiến trường có cả chiến công và máu của đồng đội mình. Chiến tranh đi qua, hàng trăm nhà báo trong cả nước đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường đầy lửa khói, máu xương của họ hòa cùng máu xương của biết bao chiến sĩ, thấm vào lòng đất mẹ, trở thành hồn thiêng sông núi.

a
Cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979. Ảnh: Tư liệu

Chưa dừng lại ở đó, cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng phía Bắc và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đội ngũ nhà báo một lần nữa lại song hành cùng dân tộc, xếp ba lô cùng với máy ảnh, cây bút, trang giấy… lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc nào mà không có những hy sinh, mất mát. Trong những hy sinh, mất mát ấy, có máu xương của các nhà báo, để hôm nay đội ngũ những người làm báo luôn tự hào và tiếp nối truyền thống vẻ vang của ngành mình.

Riêng đội ngũ những người làm báo tỉnh Tiền Giang nói chung và Báo Ấp Bắc nói riêng, trong giai đoạn từ sau năm 1963 đến năm 1975, anh em phóng viên tiến ra mặt trận trong tâm thế “chân trần chí thép”, thật sự là những bông hoa trên tuyến lửa. Và đã có những phóng viên mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ác liệt khi thâm nhập thực tế để lấy tư liệu viết bài, như nhà báo Vũ Sương, nhà báo Năm Hưởng; hoặc hy sinh ở căn cứ khi đang làm nhiệm vụ biên tập, in báo như nhà điêu khắc Trần Thọ…, để lại trong trái tim bao người về một thời làm báo khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng.

a
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp trong phòng xử lý mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. Ảnh: Minh Thành

Và hôm nay, đội ngũ những người làm báo của tỉnh nhà cùng với đội ngũ nhà báo trong cả nước, một lần nữa lại không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để cùng với các lực lượng khác ra tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Ai cũng hiểu, đây là “mặt trận” đầy nguy hiểm (thực tế đã có phóng viên nhiễm Covid-19 trong quá trình tác nghiệp), nhưng không vì thế mà đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà chùn bước.

Thật xúc động khi thấy những hình ảnh anh em phóng viên của tỉnh nhà tác nghiệp nơi tuyến đầu phòng, chống dịch trên các phương tiện truyền thông trong Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là vì đâu anh em phóng viên không quản ngại khó khăn, nguy hiểm khi thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch? Vì lòng yêu nghề, chưa đủ! Vì vài trăm ngàn đồng nhuận bút ít ỏi, càng không! Vậy vì điều gì? Đó là vì trách nhiệm với nghề, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng! Qua đó một lần nữa khẳng định, đội ngũ những người làm báo luôn song hành cùng với dân tộc. Và những phóng viên tác nghiệp nơi tuyến đầu phòng, chống dịch cũng là những bông hoa trên tuyến lửa!

THIÊN LÊ


 

.
.
.