Lợi nhuận và đạo đức kinh doanh
(ABO) Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Tiền Giang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã có các hành vi trục lợi như nâng giá bán một số mặt hàng thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu…
Chia sẻ khó khăn với khách hàng trong lúc khó khăn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng là đạo đức kinh doanh, yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Ảnh: M.THÀNH |
Tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm để dùng dần, cũng như để phòng khi chẳng may khu vực nơi mình sinh sống bị phong tỏa để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là cách mà nhiều gia đình đang áp dụng. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cộng với việc một số chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để phòng dịch, một số đối tượng đã nâng giá bán một số mặt hàng thiết yếu như: Thịt, cá, rau củ, trứng… lên cao hơn so với ngày thường gây khó khăn, bức xúc cho người tiêu dùng.
Và trong những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như nhiều người lại bàn tán về việc chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh bị tố bán đắt, nhân viên tính sai hay giá thanh toán nhiều hơn giá niêm yết tại quầy... Những lùm xùm xung quanh giá bán khiến chuỗi siêu thị này nhận về nhiều phản hồi tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều người bức xúc, vì đây không phải là một câu chuyện riêng lẻ bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý khi có dấu hiệu lợi dụng tình hình dịch bệnh, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Lý giải về việc tăng giá, đại diện chuỗi siêu thị khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đơn vị này không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân như chi phí vận chuyển tăng, chi phí xét nghiệm, chi phí nhân công đều tăng cao… Nhưng xem ra giải thích này không thuyết phục. Bởi chi phí tăng thì tất cả các công ty phân phối khác cũng chịu chung số phận, tại sao chỉ có Bách Hóa Xanh bị tố?
Không đồng tình với lời giải thích của doanh nghiệp, trên trang Fanpage của hệ thống siêu thị này nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận, yêu cầu doanh nghiệp không nên tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Làn sóng tẩy chay càng trở nên dữ dội hơn khi trong 2 ngày qua, lực lượng Quản lý thị trường của một số tỉnh, thành đã tiến hành xử phạt 2 cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị này về việc bán hàng không niêm yết giá và bán cao hơn giá niêm yết.
Tuy nhiên, cũng có tin vui cho người dân Tiền Giang, qua khảo sát vào ngày 20-7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, bán cao hơn giá niêm yết tại 21 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn.
Và điều đáng buồn, câu chuyện tăng giá trong mùa dịch của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh không phải là cá biệt. Tại Tiền Giang thời gian qua, một số tiểu thương, hộ kinh doanh tự phát đã tự ý tăng giá bất hợp lý. Trong đó, trứng và rau xanh là 2 mặt hàng dễ bị “thổi giá” nhất, hiện tại ghi nhận mức tăng từ 15% - 50%, tùy từng chủng loại.
Trong bối cảnh cả nước chống dịch, Chính phủ chỉ đạo hằng ngày về việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng dịch; đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc góp từng mớ rau, con cá, bao gạo... đến tâm dịch thì những hành vi này thật khó chấp nhận.
Đành rằng, ai cũng có quyền được kiếm tiền một cách chính đáng và nếu xét trên góc độ kinh tế, việc đầu cơ, găm hàng trong thời điểm này là một cách dễ dàng để có được siêu lợi nhuận; tuy vậy, với đại dịch, trong cơn nguy khó, trục lợi để kiếm lợi nhuận chẳng khác gì tội ác. Chúng ta đều thấu hiểu, gần 2 năm chống chọi với đại dịch, sức người, sức của cá nhân, tổ chức đều cạn kiệt. Thế nên, đây là lúc cần nhất sự chia sẻ của doanh nghiệp với khách hàng của mình.
Thực tế, hầu hết các công ty đều đang làm như vậy, đóng góp hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cho công cuộc phòng, chống dịch của đất nước. Dù chính bản thân họ, không biết ngày mai thế nào, nhưng hàng trăm cơ sở lưu trú vẫn góp hàng ngàn, hàng vạn chỗ ở cho những bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch.
Cũng từ đầu mùa dịch đến nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đều biết đã có nhiều chủ doanh nghiệp lữ hành phải đổi qua bán hàng online để cầm cự... Thế nhưng, khi Tổ quốc cần, họ vẫn góp khẩu trang, đồ bảo hộ y tế cùng cả nước chống dịch; ngành Vận tải treo xe, treo tàu, treo máy bay... nhưng hàng trăm chuyến đi nghĩa tình vẫn được tổ chức.
Với gần 70.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay, những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thiết yếu có thể nói là ngành hiếm hoi và may mắn “sống khỏe”. Và hơn bao giờ hết, điều cần làm lúc này là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đó cũng chính là văn hóa, là đạo đức kinh doanh, yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
HỮU NGHỊ