.

Đồng bằng sông Cửu Long gánh thêm áp lực

Cập nhật: 14:47, 12/07/2021 (GMT+7)

(ABO) Danh sách các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện dịch Covid-19 cứ dài ra, chưa kể một số tỉnh, thành có số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh như Đồng Tháp, Tiền Giang… Thực tế này cho thấy, ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn. Cùng với cả nước, vùng đồng bằng châu thổ này đang bị “tổn thương” do dịch bệnh.

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế vào sáng ngày 12-7, số ca nhiễm SARS-CoV-2 cũng được ghi nhận thêm ở Vĩnh Long, Tiền Giang… Những ngày qua, Đồng Tháp cũng trở thành “điểm nóng” khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở mức khá cao. Cùng với cả nước, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành ĐBSCL đã và đang bước vào chặng đường quyết liệt. Một số tỉnh, thành trong vùng đã triển khai giải pháp mạnh, đó là thực hiện Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Chấm dứt dịch bệnh là điều mà người dân ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đang mong đợi.

Dịch Covid-19 làm tăng thêm khó khăn cho vùng ĐBSCL.
Dịch Covid-19 làm tăng thêm khó khăn cho vùng ĐBSCL.

So với cả nước, những năm qua, dù đạt được nhiều thành tựu quan trong nhưng vùng ĐBSCL cũng chịu không ít khó khăn. Nhiều vấn đề nội tại của vùng đã được phân tích, mổ xẻ. Vấn đề cốt lõi là đời sống của người dân trong vùng nhìn chung cũng còn nhiều khó khăn. Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam công bố vào cuối năm 2020 cho thấy bức tranh khá toàn diện của ĐBSCL.

Theo đó, trong thập niên qua, bên cạnh những thành tựu, ĐBSCL cũng đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu như hạn, mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng... đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng...

Trong khi đó, quan điểm khi nhìn nhận về ĐBSCL luôn gắn liền với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào... nhưng thực tế quá trình phát triển trong hơn hai thập niên qua cho thấy không là như thế. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.

Về mặt xã hội, chất lượng giáo dục không theo kịp các vùng miền khác, tỷ lệ bỏ học cao và trình độ học vấn của người dân khá thấp. Lợi thế của các tỉnh Tây Nam bộ là địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa... nay đã không còn nữa do tác động từ thiên tai và con người. Những thế mạnh khác trước đây đã tạo được qua nỗ lực cải cách, cải thiện trong công tác điều hành kinh tế địa phương nay cũng đang mất dần so với các vùng kinh tế khác.

Một trong những thách thức được báo cáo chỉ ra là tình trạng di cư của người dân đồng bằng về TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ đáng báo động. Kết quả là so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, từ đó đây là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0,0% trong giai đoạn 2009 - 2019.

Ở góc nhìn khác, tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo nên kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn; trong khi các hoạt động sản xuất công nghiệp lại khá trầm lắng, năng suất lao động đạt thấp.

Mặt khác, chất lượng giáo dục ĐBSCL không theo kịp các vùng miền khác, tỷ lệ bỏ học cao và trình độ học vấn của người dân khá thấp; tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm chỉ tăng nhẹ từ hơn 22% lên hơn 25%, trong khi cả nước tăng hơn 29% lên hơn 34%…

Dù có nhiều gam màu sáng như công tác giảm nghèo, nhưng đứng trước thực trạng nền kinh tế cùng với kỳ vọng hơn một giai đoạn phát triển mới, ĐBSCL được kỳ vọng có những bước tiến dài hơi và bền vững hơn. Đứng trước những vần đề nội tại còn nhiều khó khăn, ĐBSCL lại đang phải chống chọi với dịch Covid-19. Chính vì thế, các tỉnh, thành ĐBSCL phải chịu “tổn thương” do dịch bệnh và áp lực xây dựng kịch bản mới để phát triển. Và hy vọng, với sự cần cù, chịu khó và không ngừng sáng tạo, ĐBSCL bước tiếp chặng đường và không ngừng hưng thịnh.

N.T

.
.
.