.

Lạc giữa "rừng" app!

Cập nhật: 10:22, 17/08/2021 (GMT+7)

Trong ngày 14-8, tại TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra một số vụ ùn tắc do người đi đường phải dừng lại tại các chốt kiểm soát Covid-19 để "khai báo di chuyển nội địa". Câu hỏi chung của người dân khi khai báo là "app mới nữa hả? sao nhiều app quá vậy?". Họ càng thấy rắc rối hơn khi trên một số tờ báo dùng cụm từ "di biến động dân cư" lạ lẫm khi nói về việc khai báo này!

"Khai báo di chuyển nội địa" là hệ thống mới được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an đưa ra trong tuần này(*). Dù việc khai báo đã tạm ngưng chỉ sau một ngày để tránh tụ tập đông người tại các chốt kiểm soát(**), vấn đề cần bàn là tình trạng có quá nhiều app liên quan đến khai báo y tế và phòng chống Covid-19.  

Cán bộ hướng dẫn người dân khai báo
Người dân có thể thực hiện khai báo y tế bằng mã QR code. Ảnh: nhandan.vn

Cho đến thời điểm hiện tại, tức một năm rưỡi sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, chỉ riêng khai báo y tế và chích ngừa đã có hàng chục ứng dụng (app) và hệ thống website mà tính năng na ná như nhau nhưng lại không dùng thay thế cho nhau được.

Ở cấp bộ thì có như Bluezone, Ncovi, Sổ sức khỏe điện tử... của Bộ Y tế, Tờ khai y tế (VHD) của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19; ở cấp địa phương thì có Y tế HCM, Tra cứu KCB của Sở Y tế TPHCM, Hue-S của tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống khai báo của riêng Đà Nẵng... Thêm vào đó còn có hệ thống khai báo nội bộ của một số bệnh viện, doanh nghiệp lớn.

Người dùng bình thường bị rơi vào mê hồn trận khai báo rối rắm do tình trạng "trăm hoa đua nở" này. Mặc dù tính năng các app gần như nhau nhưng lại không hoàn toàn thay thế được nhau. Ví dụ QR code địa điểm tạo trên hệ thống Ncovi thì không quét được bằng app Y tế HCM và ngược lại.

Trong khi đó, hệ thống "Khai báo di chuyển nội địa" (https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn) của Bộ Công an mới đưa ra và hệ thống "Tờ khai y tế" (https://tokhaiyte.vn) của Bộ Y tế đã có trước đó đều có phần "khai báo di chuyển". Tuy nhiên, hệ thống của Bộ Y tế có đầy đủ thông tin chuyên môn hơn. Phiên bản mới nâng cấp hôm 13-8 của "Tờ khai y tế" đã bổ sung hàng loạt chức năng như khai báo người cách ly, tìm kiếm và báo cáo số liệu người cách ly theo địa bàn, đăng ký cách ly, định vị...

Bài toán khai báo y tế và quản lý mọi thứ liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 bằng công nghệ không quá phức tạp. Đầu tiên, nên quy về một đầu mối:  Bộ Công an quản lý thông tin công dân với dữ liệu của số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) còn Bộ Y tế quản lý về chuyên môn và quản lý phòng chống dịch.    

Bộ Y tế, khi phát triển ứng dụng liên quan đến quản lý Covid-19 thì yêu cầu người dân khai báo họ tên và số CMND/CCCD lúc đăng ký tạo tài khoản. Máy chủ của Bộ Y tế chỉ cần kết nối qua API đến máy chủ của Bộ Công an để đối chiếu hai trường (field) dữ liệu gồm: 1. Họ tên đầy đủ và 2. Số CMND/CCCD. Khi hai trường dữ liệu này khớp nhau thì tài khoản người dùng sẽ được tạo ra để đăng nhập sử dụng app/hệ thống.

Tất nhiên chỉ với hai trường dữ liệu này thì khó bảo đảm chính xác tuyệt đối 100% nhưng sai sót nếu có sẽ ở mức vô cùng nhỏ và có thể sửa thông qua cách liên hệ trực tiếp như đối với thuê bao điện thoại di động vậy.

Trong trường hợp người khai cố tình khai sai hay do vô tình mà khai nhầm, hai trường dữ liệu này không khớp nhau, ứng dụng của Bộ Y tế sẽ thông báo yêu cầu người khai cập nhật thông tin. Khi ứng dụng "chặn" ở bước này, tài khoản người dùng sẽ không được tạo ra để đăng nhập sử dụng hệ thống.

Nếu ai đó cố tình khai báo bằng dữ liệu người khác, hệ thống của Bộ Y tế cũng sẽ thông báo và tài khoản "chính chủ" sẽ chụp hình CMND/CCCD và thông qua hệ thống nhận diện e-KYC khiếu nại để xóa tài khoản giả mạo kia và cấp tài khoản cho người có thông tin đúng. Như vậy, việc trùng lắp tài khoản sẽ không thể xảy ra và Bộ Y tế sẽ có được cơ sở dữ liệu y tế chính xác, được xác thực thông qua hệ thống quản lý công dân của Bộ Công an.

Mô hình chia sẻ dữ liệu này vừa nhanh vì dữ liệu yêu cầu ở mức tối thiểu, vừa không sợ mất an toàn thông tin cá nhân vì đây là dạng dữ liệu tối thiểu không đòi hỏi bảo mật cao. Riêng các dữ liệu y tế của từng cá nhân thì sẽ được Bộ Y tế quản lý và chia sẻ cho các sở y tế theo quy định bảo mật chặt chẽ.

Với đầu mối là Bộ Y tế thì ứng dụng sẽ tích hợp nhiều tính năng từ khai báo y tế, quản lý xét nghiệm, quản lý chích ngừa Covid-19, quản lý người cách ly... Mỗi tài khoản người dùng sẽ có một mã QR mà khi quét sẽ kiểm tra được nơi cư trú, địa điểm đã khai báo y tế, lịch sử xét nghiệm/chích ngừa, quá trình cách ly/điều trị Covid-19 (nếu có)...   

Với dữ liệu hợp nhất cho từng cá nhân như vậy, cả người dân lẫn lực lượng kiểm soát sẽ không mất nhiều thời gian cho việc kiểm soát đi lại, khai báo y tế và các nhu cầu khác như đăng ký xét nghiệm, chích ngừa, cách ly, trợ giúp y tế khi nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà.

Người không biết dùng hay không có smartphone vẫn có thể nhờ người khác đăng ký tạo tài khoản và in mã QR ra giấy. Các chốt kiểm soát còn có thể lắp máy đọc mã QR để người dân đi ngang tự quét, bảo đảm khoảng cách an toàn, không tiếp xúc như cách kiểm tra hiện nay.

Đã đến lúc tập trung nguồn lực công nghệ cho một vài đầu mối và mạnh dạn khai tử số app/hệ thống phát sinh trùng lắp nhau như hiện giờ. Grab đặt tên cho phần mềm của họ là "siêu ứng dụng" vì tích hợp rất nhiều tính năng như chở khách, giao hàng, giao thức ăn, ví điện tử. Với tiềm lực quốc gia, Bộ Y tế cũng phải có một "siêu ứng dụng" phục vụ cho công tác phòng chống dịch, vừa phục vụ tốt cho công tác quản lý, vừa thuận tiện cho người dân.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.