Đừng để người khó đứng bên lề
(ABO) Những ngày qua dư luận không thôi bàn luận về năm học mới, cả giáo viên và phụ huynh học sinh, tập trung vào học thế nào, tập sách đâu và nhiều mối băn khoăn khác nhưng nhiều nhất vẫn là câu chuyện học trực tuyến của tụi nhỏ. Ngày tựu trường năm học mới đang đến rất gần. Mừng vui đó, nhưng âu lo chắc lớn hơn.
Ông anh họ, thường ngày làm thợ hồ, nghỉ ở nhà gần 3 tháng nay do dịch bệnh. Mấy ngày nay anh gọi tôi liên tục cũng vì vụ học trực tuyến của 2 con anh, đứa lớn lớp 9, đứa nhỏ lớp 3. Nhà ở nông thôn, wifi chưa có, điện thoại thông minh cũng không. Giờ đang đợt giãn cách, muốn mua điện thoại, lắp máy tính cũng không làm được. Cái khó lớn hơn là không biết lấy tiền đâu ra, bởi mấy tháng nay thất nghiệp, chạy lo từng bữa đã khó. Mấy ngày nay cô giáo chủ nhiệm của 2 con anh gọi chuẩn bị cho đầu năm học mới, nhất là chuẩn bị học trực tuyến, anh cũng đành ậm ừ cho qua.
Học trực tuyến được tính đến khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Ảnh: VGP. |
Không biết có bao nhiêu trường hợp giống như anh họ tôi, nhưng chắc là không ít. Bởi nhiều gia đình ở nông thôn, có con em đang tuổi học, cũng có chung tình cảnh như thế. Mà tôi nghĩ, không chỉ nhiều gia đình ở nông thôn, không ít học sinh ở đô thị, ở các khu nhà trọ, khu phong tỏa… cũng có những điểm tương đồng như vậy. Nếu một ai đó không tin, chỉ cần lân la vài nơi, chịu khó nghe ngóng dư luận, mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn.
Mấy ngày nay ngành Giáo dục đang tập trung rà soát lại điều kiện học tập của tất cả học sinh để chuẩn bị cho năm học mới, nhất là hạ tầng phục vụ cho việc học trực tuyến. Chị bạn, cũng là chủ nhiệm lớp 4 của một trường tiểu học tại trung tâm TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang sau khi thực hiện rà soát nhanh học sinh đầu năm, chị nói với chúng tôi, có gần 50% học sinh của lớp không đủ điều kiện học trực tuyến do thiếu thiết bị. Chị cũng hơi lo cho học sinh của mình trước năm học mới.
Tôi chưa biết con số chính xác tỷ lệ học sinh đủ điều kiện học trực tuyến đến mức nào, dù đó chỉ là con số trên báo cáo. Mới đây, ngành Giáo dục Tiền Giang cũng đã yêu cầu, sau Lễ khai giảng năm học mới (từ ngày 6-9 đối với học sinh khối lớp 9 và lớp 12, từ ngày 13-9 đối với các khối lớp còn lại) các cơ sở giáo dục chưa tổ chức dạy bài mới theo phân phối chương trình mà chỉ tổ chức các nội dung sinh hoạt để ổn định lớp, tổ chức các hoạt động cho học sinh, học viên làm quen với học trực tuyến; tổ chức ôn tập kiến thức bài cũ… cho đến khi đảm bảo các điều kiện để tổ chức học trực tuyến thì bắt đầu dạy học bài mới.
Một năm học mới đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ngành Giáo dục, cũng như các địa phương đang tính toán tìm giải pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo cho học sinh có đầy đủ trang thiết bị để học tập. Đó cũng là điều cần thiết và cấp bách. Nhưng tôi nghĩ chậm lại một chút cũng là điều nên làm. Bởi cơ hội đến trường là đồng đều cho tất cả học sinh. Chúng ta không thể để người khó đứng bên lề của việc tiếp cận tri thức và nền tảng giáo dục.
THÁI AN